Minh bạch dự án BT, tránh lợi ích nhóm

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã nhấn mạnh như thế tại hội nghị về quy trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT (Hợp đồng xây dựng - chuyển giao) diễn ra vào ngày 7-11.
 Đường Phạm Văn Đồng (TPHCM) được đầu tư theo hình thức BT Ảnh: Thành Trí
Đường Phạm Văn Đồng (TPHCM) được đầu tư theo hình thức BT Ảnh: Thành Trí
Định giá đất không minh bạch, gây bức xúc
Tại hội nghị, Giám đốc Sở KH-ĐT Sử Ngọc Anh, nhận xét, trong thời gian qua, TPHCM thực hiện nhiều dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP, trong đó có hình thức BT) theo đúng hướng và mang lại nhiều hiệu quả. Thông qua hình thức BT, TPHCM đã thu hút được vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng từ khu vực tư nhân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện ngân sách còn hạn chế. Tuy nhiên, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright nhận xét rằng các dự án BT lâu nay gần như hoàn toàn dựa vào đổi đất lấy hạ tầng. Việc định giá đất và quá trình đổi đất chưa minh bạch, gây bức xúc trong xã hội. Tiến sĩ Huỳnh Thế Du còn nhận định việc TPHCM chỉ định thầu thực hiện dự án BT, thay vì đấu thầu cạnh tranh để chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT cũng phát sinh nhiều bất cập khác.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoRea), đánh giá bên cạnh những mặt tích cực thì phương thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư các khu đất vàng hoặc theo hình thức BT (và PPP, BOT) khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm. Việc thực hiện phổ biến hình thức chỉ định nhà thầu kiêm nhà đầu tư dự án BT, BOT, PPP còn làm giảm sự công khai, minh bạch và sự canh tranh lành mạnh, bình đẳng. Trong khi đó, nếu cơ quan chức năng thiếu cơ chế phản biện, giám sát, thẩm định khách quan của bên thứ 3 sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư hưởng lợi “kép”. Từ đó, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị hạn chế tối đa việc chỉ định thầu. Thay vào đó nên thực hiện phổ biến hình thức đấu giá công khai, đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo hình thức BT nói riêng và hình thức PPP nói chung.
Chấm dứt chỉ định thầu dự án BT
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết TPHCM đang xây dựng quy trình thực hiện dự án BT. TPHCM sẽ xác định cụ thể danh mục những dự án nào sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức BT để công khai cho xã hội giám sát. Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, lâu nay công tác đàm phán ký kết hợp đồng BT đang được xem nhẹ nên TPHCM sẽ xây dựng quy trình đàm phán ra hợp đồng BT chặt chẽ hơn và xác định trách nhiệm cụ thể của từng ngành, từng cấp trong việc thực hiện các hợp đồng này. “Sắp tới, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án BT phải thông qua đấu thầu”, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh và cho biết sẽ thực hiện đấu thầu các lô đất để thanh toán cho nhà đầu tư.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, bày tỏ vui mừng khi mô hình BT đã góp phần cùng TPHCM và cả nước giải quyết những bức xúc của người dân về giao thông, môi trường, ngập nước… Tuy nhiên, công tác quản lý các dự án BT còn bất cập, các dự án BT chỉ chú trọng vào các vị trí đất đẹp có khả năng thu về lợi nhuận nhanh, ít rủi ro. Do đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở KH-ĐT TPHCM xây dựng một khung pháp lý quản lý dự án BT theo hướng công khai, minh bạch. “Sự công khai, minh bạch là điều kiện tiên quyết cho thành công của các dự án BT”, Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý và nhấn mạnh đến sự công khai, minh bạch còn giúp tránh đi lợi ích nhóm, thân hữu và phòng ngừa được tiêu cực, tham nhũng trong các hợp đồng BT.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Sở TN-MT xây dựng danh mục quỹ đất để công bố công khai làm cơ sở thanh toán cho hợp đồng BT và đưa đấu giá, đấu thầu thành phương thức chính cho việc phân bổ đất công trên địa bàn TP. “Hiện TPHCM còn nhiều mảnh đất đẹp, đắc địa, được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Nếu TPHCM quản lý không khéo thì dễ rơi vào tình trạng tiêu cực. TPHCM phải đấu giá các mảnh đất này, chứ không dùng chúng để thanh toán cho các dự án BT”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, song cũng cam kết chính sách của TPHCM là đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước - người dân - nhà đầu tư khi thực hiện các dự án BT.
Kêu gọi 88 dự án với tổng mức đầu tư 193.560 tỷ đồng
Giai đoạn 2004-2015 trên địa bàn TPHCM có 6 dự án đầu tư theo hình thức BT đã đưa vào khai thác với tổng mức đầu tư 18.063 tỷ đồng. Các dự án này bao gồm dự án cầu Sài Gòn 2, đường dẫn kết nối với cầu Phú Mỹ, đường D3  kết nối vào cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng)... Giai đoạn 2015-2017, TPHCM kêu gọi, hoàn tất ký kết hợp đồng, triển khai thực hiện 6 dự án đầu tư theo hình thức BT với tổng mức đầu tư 20.038 tỷ đồng.
Ước tính nhu cầu đầu tư của TPHCM giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 850.000 tỷ đồng, trong khi ngân sách TPHCM chỉ có thể đáp ứng được 20%. Hiện nay, TPHCM đưa ra danh mục kêu gọi 88 dự án (đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư) với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 193.560 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải có 31 dự án; lĩnh vực chỉnh trang, phát triển đô thị có 20 dự án; lĩnh vực môi trường, cấp thoát nước có 15 dự án…

Tin cùng chuyên mục