Miệt vườn Nam bộ ở xứ Quảng

Nghĩa Hành là huyện trung du của tỉnh Quảng Ngãi với những gò thấp, thoải cao, nhiều đồi núi, bao quanh là 2 con sông Vệ và sông Phước Giang. Trên mảnh đất cằn cỗi ấy, không biết từ lúc nào, sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm, măng cụt… vốn là trái cây Nam bộ, lại bén duyên với vùng đất này, rồi trở thành sản phẩm đặc trưng.
Ông Trương Văn Một (82 tuổi, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành) trồng hơn 100 cây sầu riêng
Ông Trương Văn Một (82 tuổi, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành) trồng hơn 100 cây sầu riêng

Sầu riêng trên núi

Những ngày tháng 7 này, đến các xã Hành Nhân, Hành Minh, Hành Dũng, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành), đều bắt gặp hình ảnh các nhà vườn sum suê cây trái. Các nhà vườn đang thu hoạch sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm…

Vườn nhà ông Trương Văn Một (82 tuổi, xã Hành Tín Đông) là địa điểm đầu tiên được các cán bộ phòng NN-PTNT huyện chọn làm mô hình phát triển cây ăn trái. Ông Một cũng là người tiên phong đưa cây sầu riêng lên núi. Con đường dẫn vào vườn ông Một là lối đi nhỏ chông chênh sỏi đá, đất cằn cỗi bao quanh. Vừa đến gần vườn, khách đã ngửi thấy mùi sầu riêng thơm nồng. Cả khu vườn 3ha với hơn 100 cây sầu riêng, trong đó có đến 20 cây có tuổi từ 20-40 năm, đặc biệt có 3 cây 44 năm tuổi. Năm 1975, ông Một vô tỉnh Bình Phước thăm người chị thì được chị dẫn ra giới thiệu vườn sầu riêng. Ông mang về vài cây để trồng nhưng do chưa biết cách chăm sóc nên chỉ có 3 cây sống sót, đứng vững, đó là 3 cây 44 tuổi. Ông Một chia sẻ: “Hồi xưa khi tôi trồng cây, người ta bảo tôi là không biết ông còn sống đến lúc cây lớn để ăn trái không. Không biết có phải vì khí hậu vườn xanh mát mà tôi lại sống thọ, chẳng ốm đau gì”.

Vui nhất là đến vụ thu hoạch, bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, cây sầu riêng “cổ thụ” đạt tới 300kg/cây, còn lại trung bình các cây đạt 100 - 150kg/cây. Ông Một cho biết: “Cứ trồng 5 năm thì có bán. Sầu riêng có giá bán cao so với nhiều loại cây khác, nên thu nhập khấm khá hơn”. Ông nhẩm tính, một cây lâu năm nhất có thể thu về 20 triệu đồng/vụ/cây, bằng làm 2 sào lúa, mà có khi còn cao hơn, rất có lãi mà lại nông nhàn hơn. Chỉ với cây sầu riêng, ông Một thu về mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.

Ông bảo: “Già nhưng vẫn phải làm, làm cho con cháu khi về nhà nội, nhà ngoại có trái cây ăn. Bây giờ, mấy đứa cháu trong TPHCM cứ bảo nhớ sầu riêng của ông. Mỗi lần sầu riêng chín đều để dành gửi cho con cháu”.

Ông Một nghe huyện nói về du lịch cộng đồng, ông cũng ráng làm cho vườn đẹp hơn, thêm vài cái ghế, mắc vài chiếc võng để khách đến thăm vườn. Ông nói: “Tôi làm du lịch cộng đồng thì vui, hàng ngày có người ra vào vườn cho đỡ buồn tuổi già”.

Cây trái quanh năm

Mùa này, trái cây ở Nghĩa Hành đang rộ mùa, mỗi ngày có hàng trăm thương lái dạo quanh các vườn tìm mua. Ông Một cho biết: “Mỗi ngày thương lái đến thu mua ít nhất trên 5 tạ sầu riêng, họ khuân cả bao. Ngoài sầu riêng với giá 70.000 đồng/kg, thì giá măng cụt khoảng 40.000 đồng/kg, chôm chôm vào vụ giá 20.000 đồng/kg, bơ khoảng 20.000 đồng/kg. Năm nay dù thời tiết nắng hạn nhưng trái cây ở Nghĩa Hành nhờ 2 dòng sông chảy quanh nên đỡ khắc nghiệt”.

Nhà vườn của ông Một, cây ra trái quanh năm, từ tháng 2 đến tháng 4, những buồng chuối trĩu quả với hơn 100 cây; từ tháng 4 đến tháng 6, là mùa măng cụt; từ tháng 6 đến tháng 9, hương sầu riêng ngào ngạt; từ tháng 8 đến tháng 10 thì 17 cây chôm chôm chín đỏ cả vườn. Không chỉ có cây trái Nam bộ, ông Một còn trồng khoảng 10 cây bơ giống Tây Nguyên và ông tính trồng thêm vì thấy hợp đất núi Nghĩa Hành.

Hễ nhà nào ở Nghĩa Hành có vườn đều tận dụng để trồng cây ăn trái. Trung bình mỗi nhà có tối thiểu 0,5ha. Nhà ông Nguyễn Duy Khánh (thôn Tân Phú 2, xã Hành Tín Tây) trồng 400 cây sầu riêng, 20 cây bưởi da xanh, chôm chôm. Ông Khánh còn làm mô hình vườn - ao - chuồng. Nhà ông Phan Hai (thôn Long Bình, xã Hành Tín Tây) trồng 2ha bưởi da xanh, bình quân 400 - 500 cây/ha. Hiện giá bưởi da xanh khoảng 30.000 đồng/kg, mỗi cây có thể cho thu hoạch 300 - 400kg.

Ông Lê Quang Nhu, Phó phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hành, cho biết: “Toàn huyện có hơn 300ha diện tích cây ăn trái với đa dạng chủng loại. Hiện nay, huyện đang chuẩn bị xuống giống thêm 80ha, phấn đấu đến năm 2020 đạt 500ha diện tích cây ăn trái. Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Nghĩa Hành chọn quy hoạch cây ăn trái là kinh tế mũi nhọn, dự kiến sẽ mở rộng quy hoạch 1.000ha, lập phân vùng thích nghi, xác định chất đất để trồng cây mang tính hàng hóa. Quy hoạch vùng sẽ gia tăng giá trị cây đặc trưng từng loại đất, nâng cao mức thu nhập cho người dân. Đặc biệt, Nghĩa Hành có trái cây quanh năm, đến khi Nam bộ hết mùa thì cây trái Nghĩa Hành được thương lái vận chuyển vào miền Nam để bán”.

Tin cùng chuyên mục