Miệng cống là nơi… bán thực phẩm

Thông tin 150/150 mẫu thịt gà, vịt, heo bán ở các chợ tại địa bàn TPHCM và 4 tỉnh - thành lân cận đều nhiễm khuẩn E.coli vượt ngưỡng giới hạn cho phép, là hồi chuông báo động về tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng triệu người dân TPHCM. 
Vẫn còn giết mổ gà vịt 
Vẫn còn giết mổ gà vịt ở chợ vỉa hè 
Đến chợ gạo Trần Chánh Chiếu (quận 5) vào sáng ngày 12-12, chúng tôi thấy số sạp bán gạo đã ít hơn, nhưng lại xuất hiện không ít “cửa hàng lề đường” bán gà, vịt, hải sản…
Một chị bán gà ngay góc vỉa hè Trần Chánh Chiếu - Phú Hữu chào mời khách: “Gà Tây Ninh chính hiệu, làm lông tại chỗ, giá 120.000 đồng/kg, tiền làm lông thêm 10.000 đồng/con”.
Chị cho biết: “Em bán đây lâu lắm rồi, khách quen không hà, làm thịt tại chỗ, bảo đảm uy tín”. Vừa nói, vừa cân, xong chị xách con gà chạy te te vào dãy nhà đối diện. Định đi theo thì chị cản ngay: “Cứ yên tâm đứng đây chờ, làm nhanh lắm, 10 phút là xong”.
Đứng ngoài nhìn vào chỉ thấy bên trong căn nhà tối om om, mùi nước sôi trụng gà vịt bốc ra ngai ngái. 
Miệng cống là nơi… bán thực phẩm ảnh 1 Bán cá tôm vỉa hè ngay tại một miệng cống ở đường Trần Chánh Chiếu (quận 5)
Cách đó chừng 10m là sạp bán cá. Cá điêu hồng, cá lóc, cá kèo… mỗi thứ một chậu, bày la liệt chiếm hết cả vỉa hè và được bày ngay trên nắp miệng cống. Chị bán cá nhanh miệng chào mời: “Mua cá đi chú! Làm tại chỗ luôn, lấy liền”. Y như chị nói, có khách mua là chị thoăn thoắt con dao trong tay, làm cá, đánh vảy, móc ruột, rửa cá bằng thau nước cạnh miệng cống rồi sẵn tiện trút mọi thứ dơ bẩn xuống cống. 
Từ chợ này, đi chừng vài chục mét ra đường Phú Giáo nhan nhản sạp lề đường bán hải sản, gà làm sẵn. Nói “sạp” cho sang, tất cả đều bày ra vỉa hè, cứ nơi nào có miệng cống, y như rằng nơi đó là sạp bán hải sản. Ngay tại một miệng cống, 2 người phụ nữ đang phân loại đống sò huyết vừa đổ ra.
Thấy chúng tôi nhìn, 2 chị vẫn thản nhiên ngồi lựa và chào mời “sò mới về nè chú, bảo đảm chất lượng!”. Đối diện sạp bán ốc này là một sạp bán cá, tất nhiên lại sát bên một miệng cống. Nước rửa cá, làm cá cứ đổ xuống cống. Cá làm xong, đặt ngay trên nắp cống. 
Xuôi về đường Trần Hưng Đạo, ghé chợ Hòa Bình (quận 5), phía sau chợ là đường Bạch Vân và Nhiêu Tâm cũng vỉa hè và miệng cống là nơi tập trung nhiều hộ kinh doanh gà, vịt, hải sản.
Ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), dọc theo chợ cá khá quen thuộc ở lề đường Bùi Hữu Nghĩa là nơi bán cá tôm vỉa hè, các chị tiểu thương ngồi chờ khách bên con mương nhỏ thoát nước ra cống. Nhỏ như chợ Cây Quéo trên đường Hoàng Hoa Thám cũng thấy có vài tiểu thương bán cá tôm, gà vịt chọn miệng cống làm nơi buôn bán.
Thói quen phải đổi
Thấy chúng tôi có vẻ ngần ngại khi hỏi mua gà tại chợ Trần Chánh Chiếu, một chị đang đứng mua gần đấy nói vào: “Tôi hay mua gà vịt ở đây, không đến nỗi nào đâu! Ở đây bán gà ta, không lạt nhách như gà công nghiệp bán ở siêu thị. Với lại mua ở vỉa hè thuận tiện hơn phải gởi xe vào mua trong siêu thị”. 
Việc mua thực phẩm bán ở chợ vỉa hè đã trở thành thói quen của nhiều bà nội trợ và người lao động sau giờ làm việc, nhưng không biết rằng “lợi bất cập hại”. Theo phân tích của Viện Pasteur, nguyên nhân thịt gà, vịt, heo nhiễm E.coli là do điều kiện vệ sinh kém, cả từ nơi giết mổ, nơi bày bán, nơi chế biến. Chưa kể còn do chất lượng nguồn nước và bị vấy nhiễm vi khuẩn trong công đoạn cắt tiết, nhổ lông… Vấn đề nan giải hiện nay là làm sao để hạn chế và tiến tới không còn tình trạng giết mổ và bày bán gia cầm vỉa hè tại các chợ lòng lề đường hay chợ tự phát.
Ông Nguyễn Văn Minh, cán bộ Ban quản lý chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) cho hay: “Toàn bộ khu bán thịt heo trong nhà lồng chợ Bà Chiểu đều do Công ty Vissan quản lý, cung cấp nguồn thịt, nên rất yên tâm. Chưa kể, hàng tháng, hàng quý, các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, vệ sinh phòng dịch… đều phối hợp với ban quản lý chợ để tuyên truyền hướng dẫn tiểu thương về các quy định an toàn thực phẩm, kiểm tra xuất xứ nguồn hàng. Tuy nhiên, thực phẩm do các tiểu thương “chợ chạy” trên đường Bùi Hữu Nghĩa hay Vũ Tùng bán đều nằm ngoài kiểm soát của ban quản lý. Phường và quận đều có kế hoạch đẩy đuổi việc chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, nhưng đuổi hôm nay thì mai họ lại tụ về hoặc canh tầm giờ nghỉ trưa hay chiều lại bày ra”. 
Để khắc phục tình trạng thực phẩm nhiễm E.coli, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, rất cần kiểm soát ngăn chặn việc giết mổ gia cầm tại các chợ vỉa hè và chợ truyền thống. Trước mắt, giải pháp hữu hiệu nhất là bản thân người tiêu dùng phải thay đổi thói quen mua sắm.

Tin cùng chuyên mục