Miền Trung trước mùa mưa, bão: Vừa chống dịch, vừa xây “thành trì”

LTS: Mùa mưa bão 2021 đang cận kề, các tỉnh miền Trung vừa chống dịch Covid-19 vừa nỗ lực vượt qua khó khăn chồng chất để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng hàng loạt dự án đê, kè, khu tái định cư vùng bão lũ, sạt lở. Tuy nhiên vẫn còn nhiều công trình, khu tái định cư trong tình trạng hư hỏng nặng hoặc còn dang dở vì thiếu vốn. Nhóm phóng viên Báo SGGP ghi nhận thực tế tại các vùng xung yếu ở miền Trung nhằm cảnh báo về hàng loạt vấn đề tồn tại trước mùa mưa, bão.
Đại công trường dự án hồ chứa thủy lợi Đồng Mít (tổng vốn 2.140 tỷ đồng) nỗ lực chạy đua về đích. Ảnh: NGỌC OAI
Đại công trường dự án hồ chứa thủy lợi Đồng Mít (tổng vốn 2.140 tỷ đồng) nỗ lực chạy đua về đích. Ảnh: NGỌC OAI

Dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp, nhưng mùa mưa bão năm 2021 dự báo đến sớm đang đặt thêm gánh nặng cho các tỉnh miền Trung. Tình thế khẩn cấp buộc các địa phương này vừa phải lo phòng chống dịch, vừa quyết tâm vượt khó để sẵn sàng kịch bản ứng phó mùa mưa bão cận kề.

Chạy đua 3 ca/ngày 

Giai đoạn 3 dự án thi công kè biển bằng công nghệ mới tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) những ngày này các thiết bị máy móc, nhân lực tranh thủ trời yên, biển lặng để hoàn thiện chân kè, mái kè. Cạnh đó, nhóm thợ khác cũng gấp rút hoàn thiện phần sửa chữa khóa đầu kè cũ giai đoạn 2 của dự án.

Ông Nguyễn Tuấn, thôn An Dương 1 (xã Phú Thuận) cho biết, những năm trước, cứ nghe đài báo bão, triều cường dâng là gần 4.300 hộ dân ở các thôn An Dương 1, An Dương 2 và An Dương 3 lại tay xách nách mang di tản vì biển xâm thực sát móng nhà.

“Mưa bão năm 2020, tuyến kè chống sạt lở (dự án kè chống xâm thực bờ biển khu vực các thôn An Dương với chiều dài gần 1km) dù chưa hoàn thành nhưng bước đầu phát huy tích cực, không xảy ra tình trạng nước biển xâm thực. Giai đoạn 3 sắp hoàn thiện tiếp tục tạo “thành trì” cho người dân phía trong bờ kè”, ông Tuấn nói. 

Ông Dương Tuấn Dũng, Chỉ huy trưởng thi công kè chống sạt lở bờ biển thôn An Dương, cho biết, giai đoạn 3 dự án kinh phí 20 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư, triển khai từ cuối năm 2020 và sắp hoàn thành. Giai đoạn này, các đơn vị thi công tập trung gia cố phía Bắc tuyến kè cũ, dài 890m, bằng hàng cọc ván bê tông cốt thép dự ứng lực đóng ngàm kẹp liên tiếp vào nhau. Đỉnh cọc liên kết dầm mũ cọc bằng bê tông cốt thép, bên dưới là đá hộ chân. 

Dọc theo công trình nạo vét, khơi thông khẩn cấp luồng hàng hải bảo vệ bãi biển Cửa Đại (Quảng Nam) dài 17km, một không khí làm việc khẩn trương. Những chiếc tàu công suất lớn cách bờ biển 3,7-5km đang hút cát bồi lấp đưa vào bờ. Khoảng 97.000m3 nạo vét được bơm trực tiếp vào khu vực xây dựng đê ngầm chắn sóng, bảo vệ bờ biển Cửa Đại. Gần đó, nhóm thi công sử dụng các túi địa kỹ thuật công nghệ Geotube đặt song song bãi biển để giữ cát, tạo đàn hồi giữ vững bờ biển và các khu resort, bãi tắm, rừng dừa ven biển… 

Cùng thời điểm này, tại công trường đầu tư khẩn cấp kè biển chắn sóng Phước Thiện - An Cường dài 1,5km (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) có đồng loạt 8 mũi thi công.

Ông Võ Trung, đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ: “Do yêu cầu của tỉnh khá khẩn cấp và để bảo đảm tính mạng cho gần 200 hộ dân ven làng biển Phước Thiện, An Cường, chúng tôi buộc phải thi công trong điều kiện hết sức khó khăn của dịch Covid-19. Để chạy đua tiến độ, đơn vị duy trì hàng trăm công nhân làm việc giãn cách để phòng dịch, với 3 ca/ngày. Chúng tôi cũng bố trí làm việc, ăn ở ngay tại khu lán trại của công trường, hạn chế không cho công nhân ra ngoài. Hiện tất cả các mũi thi công đã hoàn thành đạt trên 90% khối lượng công việc; phấn đấu đến giữa tháng 9 này công trình sẽ về đích”. 

Khẩn trương gia cố hồ đập, nhà cửa 

Tại công trình hồ chứa thủy lợi Đồng Mít (nằm trên địa bàn huyện An Lão, tỉnh Bình Định) do Bộ NN-PTNT đầu tư trên 2.140 tỷ đồng, hàng chục công nhân, máy móc thay phiên làm việc để hoàn tất các hạng mục còn lại. Ông Đoàn Văn Luyện, Giám sát trưởng công trình thủy lợi Đồng Mít, cùng hàng trăm công nhân hơn tháng nay bám công trình, cho biết, anh em công nhân làm việc “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để phòng chống dịch Covid-19, hiện đã hoàn tất 94% khối lượng công việc, thân đập đã lên cao vượt lũ an toàn.

Cũng theo ông Luyện, Công ty CP Cơ khí và Xây lắp 276 (Bộ NN-PTNT) vừa hoàn thành dự án đập dâng Tân Mỹ (Ninh Thuận) và chuyển quân ra Bình Định tiếp sức cho hồ Đồng Mít. Tuy nhiên, hiện công nhân phải cách ly tại khu cách ly dã chiến ngay tại công trường trong thời hạn 14 ngày, trước khi nhập cuộc. “Khi lực lượng này tăng cường thì hồ Đồng Mít sẽ sớm hoàn thành và về đích đúng tiến độ”, ông Luyện khẳng định.

Tại các huyện Nam Trà My, Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), hàng loạt công trình, nhà ở, khu tái định cư cho người dân hậu sạt lở cuối năm 2020 đang gấp rút hoàn thiện. Xã Trà Leng (Nam Trà My) giờ diện mạo tươi mới hơn nhờ các hạ tầng, khu dân cư khang trang, kiên cố. Tại khu làng mới Bằng La (xã Trà Leng), 40 căn nhà của cư dân vùng sạt lở ở nóc ông Đề đang bước vào cuộc sống mới. Vừa dọn về nhà mới giữa làng Bằng La, anh Hồ Văn Đông (31 tuổi) cho biết, giờ này năm ngoái, vợ chồng anh và 3 đứa con đang bên làng cũ. Nhưng rồi trận sạt lở núi ở nóc Ông Đề đã cướp đi sinh mạng của vợ và con anh…

“Hy vọng năm nay làng mình sẽ bình an vượt qua mưa lũ. Giờ chỉ mong làm việc, kiếm tiền để trang trải cuộc sống, lo cho 2 con ăn học đến nơi đến chốn thôi”, anh Đông tâm sự.

Đường từ huyện Nam Trà My qua huyện Phước Sơn, nhiều đơn vị thi công đường sá, điện chiếu sáng, đập dâng, cầu cống… đang chạy đua, đẩy nhanh tiến độ. Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết, 44/97 hộ bị trôi, sập nhà hoàn toàn trong đợt mưa lũ tháng 10-2020, đã làm xong nhà và dọn vào ở, còn lại đến 30-9, bà con sẽ làm xong nhà ở an toàn. Huyện đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai năm 2021, trong đó giao cho các ngành chuẩn bị khoảng 60 tấn gạo cùng với một số nhu yếu phẩm khác, bố trí dự trữ ở 3 xã vùng cao Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc. Số gạo này được đưa về các thôn để ứng phó khi có sự cố cô lập, tắc đường, đảm bảo người dân không bị đói khi có tình huống khẩn cấp.

Bên cạnh giải pháp xây dựng các công trình kiên cố, người dân ven biển Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng đang ưu tiên xây lô cốt, nhà hầm, nhà treo, nhà gác sàn… để ẩn nấp khi bão đổ bộ. Tại các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình của tỉnh Quảng Nam, mô hình đào hầm khoảng 10m2, gia cố bằng bao cát với chiều cao 1,5m, che xà gồ sắt và mái tôn; hoặc xây dựng bằng gạch dày, đổ mái bê tông cốt thép trong vườn nhà, có sức chứa gần 10 người với lương thực, nước uống dự trữ trong thời gian bão càn quét, đang được bà con tranh thủ những ngày giãn cách xã hội để xây dựng. Với mô hình này, nhiều năm qua, người dân ven biển Quảng Nam đã an toàn, yên tâm hơn phần nào khi xảy ra những trận bão lớn.

Khánh thành Trạm BTS đảm bảo thông tin liên lạc trong phòng chống thiên tai hồ Kẻ Gỗ

Sở TT-TT tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các đơn vị viễn thông đã tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng công trình trạm thu phát sóng thông tin di động (Trạm BTS) tại hồ Kẻ Gỗ, thuộc địa bàn xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên. Công trình có kinh phí đầu tư khoảng 1,6 tỷ đồng từ nguồn vốn của Viễn thông Hà Tĩnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác vận hành của các đơn vị quản lý, khai thác công trình hồ Kẻ Gỗ. Đặc biệt là đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tại công trình hồ Kẻ Gỗ và một số xã thuộc vùng hạ lưu. 

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục