Miền Trung: Tổng lực bảo vệ rừng khỏi “giặc lửa”

Miền Trung đang bước vào mùa nắng nóng dữ dội, nhiệt độ luôn cao từ 39-40°C, nguy cơ cháy rừng lên cấp V (cấp cao nhất). “Giặc lửa” đang đe dọa những cánh rừng miền Trung, nhất là khu vực Bắc Trung bộ, nơi thường xuyên xảy ra các vụ cháy rừng lớn từ mấy năm qua. Các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An gấp rút triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm bảo vệ hàng triệu hécta rừng khỏi “giặc lửa”.
Lực lượng kiểm lâm và ban cấp bách PCCC rừng ở Quảng Bình dập lửa một vụ cháy rừng ven biển trong năm 2021. Ảnh: MINH PHONG
Lực lượng kiểm lâm và ban cấp bách PCCC rừng ở Quảng Bình dập lửa một vụ cháy rừng ven biển trong năm 2021. Ảnh: MINH PHONG

Cấp tốc bảo vệ vườn quốc gia

Miền Trung có độ che phủ rừng tự nhiên rất lớn, trong đó các vườn quốc gia (VQG) như Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), hay VQG Pù Mát (Nghệ An)…, nơi lưu giữ các loài cây bản địa trong gia tài thực vật rừng Việt Nam nhằm chống biến đổi khí hậu.

Giám đốc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng Phạm Hồng Thái cho biết, VQG có 125.000ha rừng đặc dụng, 200.000ha rừng vùng đệm. Với diện tích rừng đặc dụng do hạt kiểm lâm của vườn canh giữ. Ngoài canh nạn săn trộm thì phòng chống “giặc lửa” là ưu tiên số một tại di sản thiên nhiên thế giới này. Lực lượng kiểm lâm ứng trực 24/24, khu vực vùng đệm có chủ rừng là các lâm trường, hạt kiểm lâm và kiểm lâm địa bàn thường xuyên đôn đốc, kiểm tra. Lo nhất là bom mìn sót lại trong chiến tranh, nắng nóng quá sẽ kích nổ, dẫn đến cháy rừng. Nhưng VQG đều đã có phương án nhằm bảo vệ tuyệt đối rừng di sản thiên nhiên thế giới trên hệ núi đá vôi lớn nhất Đông Nam Á này.

VQG Pù Mát là Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận. Chính vì vậy, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng tại đây được hết sức coi trọng. Tiềm ẩn lớn nhất là các cánh rừng nứa khô, chỉ cần sơ sẩy một chút là lửa bùng phát diện rộng. Tại các vùng lõi của rừng, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như xã Môn Sơn, xã Châu Khê (huyện Con Cuông), VQG Pù Mát đã phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng tuyên truyền người dân có ý thức khi dùng lửa, tránh cháy rừng.

Giám đốc VQG Pù Mát Trần Xuân Cường cho biết, vườn đã thành lập Ban chỉ đạo công tác PCCC rừng, hợp đồng với hơn 1.000 hộ dân xung quanh vùng đệm tham gia PCCC, các vật dụng như: máy thổi lửa, vỉ dập lửa, nguồn nước dự phòng… đã được chuẩn bị chu đáo. 70% kiểm lâm viên túc trực 24/24 kể cả thứ bảy, chủ nhật để phát hiện, ngăn chặn sớm nguy cơ cháy rừng. Ngoài 11 trạm quản lý bảo vệ rừng bố trí tại các vị trí phù hợp, 1 đội kiểm lâm cơ động, VQG còn phối hợp với nhóm bảo vệ rừng chuyên trách thuộc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam để PCCC rừng. Thành viên của nhóm và kiểm lâm viên của VQG hợp thành từng nhóm 6-7 người đi tuần tra rừng thường xuyên, mỗi chuyến ít nhất 7 ngày, nhiều nhất 10-12 ngày, nhằm bảo vệ rừng khỏi giặc lửa mùa khô.

Ứng dụng công nghệ

Giữa cái nắng bỏng rát, PV Báo SGGP về với những cánh rừng Hà Tĩnh, đi đâu cũng thấy công tác phòng chống cháy rừng được ưu tiên hàng đầu. Theo Ban chỉ đạo phòng chống cháy rừng tỉnh Hà Tĩnh, địa phương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho PCCC rừng từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương. Bước đầu, lắp đặt 4 camera phát hiện cháy rừng sớm tại các địa điểm có nguy cơ cao. Ngoài ra, ngân sách cùng trích mua 160 máy thổi gió, 45 cưa xăng, 2 máy flycam, 100 loa chỉ huy, 60 máy định vị GPS, 3.000 dao phát, 2.000 biển cấm lửa cấp phát cho các địa phương, đơn vị bảo vệ rừng trước “giặc lửa”.

Sâu bên trong Trạm Kiểm lâm đường 10, thuộc Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, Trạm trưởng Nguyễn Thanh Hải họp lên lịch cấp bách bảo vệ rừng cho các xã miền núi Ngân Thủy, Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy) với gần 40.000ha rừng tự nhiên và nhiều diện tích rừng kinh tế khác. Họp xong, anh Hải dặn 3 cán bộ kiểm lâm vào chốt (đi bộ 3 ngày đường).

Anh Hải cho biết: “Trạm có 6 kiểm lâm viên, ngoài phụ trách hơn 40.000ha rừng tự nhiên còn phụ trách 50.000ha rừng trồng các địa phương lân cận nên hết sức vất vả. Ở địa bàn nắng nóng khốc liệt, thiếu nước uống triền miên, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm không để “giặc lửa” cướp mất rừng là ưu tiên số một”.

Theo Trạm trưởng Nguyễn Thanh Hải, từ đầu năm, khi mưa mùa đông chưa ngớt, kiểm lâm đã về từng xã trực 24/24 và yêu cầu các chủ rừng là hộ nông dân, lâm trường, cấp thôn bản thành lập ban cấp bách PCCC rừng. “Bởi vì xem lửa là giặc nên phải có ban cấp bách nhằm trực như thời chiến, mỗi ngày ở cấp xã đều có sổ nhật ký ghi lại tình hình trên rừng do các ban cấp bách ghi nhận, nhằm giám sát tốt nhất những điểm có nguy cơ cao”, anh Hải cho biết.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình Nguyễn Văn Long cho biết: “Hơn 500 ban cấp bách PCCC rừng được thành lập từ thôn bản đến các ban quản lý rừng, các lâm trường, các chủ rừng là hộ gia đình có từ 10ha trở lên nhằm tăng dày lực lượng PCCC rừng trước mùa nắng nóng. Nếu không, việc giữ rừng trước “giặc lửa” rất khó khăn, bởi lực lượng kiểm lâm mỏng mà diện tích đất rừng ở Quảng Bình lại hơn 500.000ha, anh em khó quán xuyến nổi”.

Không chỉ Quảng Bình mà toàn miền Trung đã lên dây cót cho PCCC rừng trong mùa khô năm nay rất sát sao. Bởi lẽ, khi có đề phòng cao độ với “giặc lửa” thì cháy rừng mới được giảm thiểu.

Đài Khí tượng thủy văn miền Trung dự báo, năm 2021 sẽ có khoảng 8-9 đợt nắng nóng với thời tiết diễn biến rất phức tạp. Trong khi đó, diện tích rừng trọng điểm dễ cháy trên địa bàn rất lớn, kết hợp với tình trạng ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế khi tự ý xử lý thực bì bằng lửa, đốt ong, đốt bờ ruộng, vườn… trong thời gian cao điểm nắng nóng nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.

Tin cùng chuyên mục