Miền Trung ngổn ngang trước mùa mưa bão - Bài 2: Ì ạch phòng chống

Trong khi chưa thể tìm được giải pháp căn cơ để ứng phó lâu dài với thiên tai, bão lũ thì cách mà các địa phương đang thực hiện là đổ tiền ngân sách để đầu tư các công trình phòng chống thiên tai. Tuy vậy, hiệu quả lại không như mong đợi. 

 Tiền tỷ bỏ biển

Bờ biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) năm nào cũng xảy ra tình trạng sạt lở nặng nề do biển xâm thực. Nhiều nhà hàng bị sóng đánh xô sạt, biển xâm thực sâu vào đất liền hàng trăm mét. Trong khi đó, hàng chục dự án nghiên cứu cho đến cả trăm tỷ đồng để chống xói lở bờ biển Cửa Đại nhưng hiệu quả lại không như mong đợi.

TP Hội An (Quảng Nam) khẩn trương chỉnh may các bao tải cát chắn sóng bảo vệ bờ biển trước mùa mưa bão. Ảnh: NGỌC PHÚC
Bắt đầu từ năm 2014, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng 400m kè mềm bằng bao tải địa kỹ thuật tại khu vực bãi tắm Cửa Đại; các resort ven biển cũng đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng các công trình kè, mỏ hàn bảo vệ bờ biển, hạn chế tác động của biển xâm thực. Năm 2016, thêm hàng chục tỷ đồng khác được đầu tư để xử lý khẩn cấp tình trạng xói lở bờ biển Cửa Đại, bằng các giải pháp kè mềm và túi địa kỹ thuật Geotube cách bờ biển 60-80m. Cuối năm 2018, UBND TP Hội An bơm thêm 28 tỷ đồng để mở gói dự án sửa chữa, gia cố kè biển Cửa Đại đoạn giữa khách sạn Sunrise và Fusion Alya. Đến đầu năm 2020, UBND tỉnh Quảng Nam mở thêm gói đầu tư 300 tỷ đồng để bảo vệ bờ biển Cửa Đại bằng cách xây dựng một tuyến đê ngầm dài 1.030m nằm cách bờ 200m để phá sóng, tạo bồi lắng cho bãi. Dự kiến đến tháng 9-2020 này sẽ hoàn thành 220m, và đến năm 2023 hoàn thành toàn bộ dự án. Bên cạnh đó, tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), Phó Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Minh Hiếu cho biết, địa phương ghi nhận hiện có 7 công trình kè bị hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến hơn 1.000 hộ dân sống trong khu vực và hơn 500ha đất hoa màu và đất lúa. 

Tuyến kè Hói Rột (thôn Trung Đông, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là công trình kè kết hợp giao thông, phục vụ chống sạt lở và đi lại cho nhiều hộ dân ở thôn Trung Đông. Công trình do UBND xã Phú Thượng làm chủ đầu tư, chiều dài 161m với tổng kinh phí gần 1,7 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, được khởi công vào tháng 8-2019. Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Vang thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình này do Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Phú Hưng tư vấn giám sát, thiết kế. Tuy nhiên, sau khi thi công được vài tháng, công trình bị ngưng trệ do thân kè liên tục xuất hiện các vết nứt ngang chằng chịt, uy hiếp đến an toàn công trình, đường dẫn vào nhà người dân lầy lội. Ngoài ra, một đoạn dài khoảng 15m giữa kè này mặt trên bị nghiêng nặng… 

Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, Bình Định, những năm trở lại đây đã “dậy sóng” dư luận với hàng loạt công trình kè biển, kè sông đầu tư chưa kịp sử dụng đã bị sóng đánh tan nát. Như tuyến kè biển Tam Quan Bắc (hơn 80 tỷ đồng), kè sông khu dân cư Bắc Đống Đa (khoảng 12 tỷ đồng) trên địa bàn tỉnh Bình Định chưa kịp đưa vào sử dụng thì bị mưa bão năm 2017 và 2019 đánh hư hỏng nặng. Một cán bộ Sở NN-PTNT thừa nhận, 2 tuyến kè bị sóng đánh hỏng khi mới đưa vào sử dụng là do hạ tầng và công trình giao thông liền kề kè chưa được đầu tư đồng bộ để đảm bảo an toàn vượt mưa bão. Ngoài ra, tại tuyến kè biển Tam Quan Bắc là công trình lấn biển với diện tích lớn, nhưng suất đầu tư lại không tương xứng.

Tại Quảng Ngãi, tuyến kè biển thôn Thạnh Đức 1 (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) được đầu tư 15 tỷ đồng, đưa vào vận hành năm 2015 nhưng chưa kịp nghiệm thu thì mưa lũ năm 2016 đã đánh phá tan hoang; tuyến kè Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh) dài 1.300m được đưa vào sử dụng năm 2000 nhưng mỗi năm bị sóng đánh sạt một ít, càng ngày càng bị sạt gãy nặng. Để duy trì tuyến kè, tỉnh Quảng Ngãi đã liên tục bơm vốn lên tăng chi phí đầu tư kiên cố từ 40 tỷ đồng (năm 2016) lên 100 tỷ đồng nhưng vẫn chưa đảm bảo an toàn…

Dự án rùa bò

Tiểu dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh Thừa Thiên - Huế với kinh phí hơn 124 tỷ đồng do Ngân hàng Thế giới tài trợ, gồm 9 hồ chứa đã được triển khai thực hiện từ năm 2019, dự kiến đưa vào vận hành trước mùa mưa bão năm 2020 hoặc đầu năm 2021. Song tiến độ thực hiện các công trình hiện nay mới chỉ đạt khoảng 50%. Đại diện Ban quản lý Tiểu dự án WB8 cho biết, dự án chậm tiến độ là do vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, toàn bộ 9 công trình sửa chữa và nâng cấp thuộc dự án đều thi công trên hiện trạng các hồ cũ, vừa thi công vừa đảm bảo phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư nông thôn phục vụ phòng chống ngập lũ cho nhân dân xã Phương Mỹ (nay là xã Điền Mỹ), huyện Hương Khê có vốn đầu tư 41 tỷ đồng từ ngân sách và một phần vốn hợp pháp do chủ đầu tư (UBND huyện Hương Khê) huy động. Mục tiêu của công trình nhằm phục vụ tái định cư cho 165 hộ dân thường xuyên bị ngập lụt ở xã Điền Mỹ. Theo tiến độ, dự án triển khai từ năm 2018-2019 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thi công như phê duyệt vì đang bị vướng mắc giải phóng mặt bằng. Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Hoàng Xuân Tần, Bí thư Đảng ủy xã Điền Mỹ, cho hay, dự án bị vướng ở một số hộ dân trồng cây keo tràm… 

Địa bàn xã Điền Mỹ là “rốn lũ” của huyện Hương Khê, thường xuyên chịu cảnh ngập lụt. Dự án chậm triển khai sẽ ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân, trong khi mùa mưa lũ đang đến sát rạt. Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản về việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án nói trên. UBND tỉnh nghiêm khắc phê bình UBND huyện Hương Khê trong việc chậm trễ, thiếu quyết liệt triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án; ký kết hợp đồng xây dựng công trình không đảm bảo thời gian quy định theo dự án đã phê duyệt. UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Hương Khê tổ chức kiểm điểm nghiêm túc đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra tình trạng chậm trễ nêu trên. UBND tỉnh cũng ra “tối hậu thư”, buộc dự án phải đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng trước 30-9.
 
Còn tại dự án kè biển xã bán đảo Nhơn Hải có vốn đầu tư 99 tỷ đồng, được UBND tỉnh Bình Định đưa vào công trình cần được đầu tư khẩn cấp để tạo điều kiện cho đơn vị thi công “vượt rào” thủ tục. Tuy vậy, do nhiều vướng mắc, dự án có đoạn bị chậm trễ, nguy cơ không về đích kịp trước mùa mưa bão năm nay. Nhiều lo ngại rằng, nếu không hoàn thiện đồng bộ tuyến kè với hạ tầng kịp trước mùa mưa bão thì nguy cơ triều cường sẽ phá nát công trình này. Đi kiểm tra tiến độ tại tuyến kè, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công cần hoàn thành chân và mái, đỉnh kè vào ngày 15-9-2020. Đến cuối năm 2020 phải hoàn thiện hệ thống giao thông liền kề, kết nối kè, không được kéo dài sang năm 2021. 

Tuy nhiên, ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Bình Định (chủ đầu tư kè biển Nhơn Hải), cho biết, tiến độ của tuyến kè biển này có thể sẽ kéo dài đến ngày 10-10-2020. Còn hạ tầng giao thông liền kề tuyến kè thì sẽ chậm, không thể hoàn thành trước mùa mưa lũ 2020 được. “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn với dự án bởi khối lượng công việc lớn, còn thời gian thì rất ngắn”, ông Thi nói.

Lo lũ phá đập dâng gần 1.500 tỷ đồng
Nhiều tháng qua, dư luận tỉnh Quảng Ngãi lo ngại về dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc với vốn đầu tư 1.498 tỷ đồng, khởi công tháng 7-2019, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021. Hiện dự án đã đổ vốn đầu tư 700 tỷ đồng song đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, giới chuyên môn. UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư cần tổ chức rà soát lại toàn bộ quá trình, trình tự thủ tục triển khai thực hiện. Dư luận lo ngại dự án này chậm tiến độ sẽ gây mất an toàn nếu sông Trà Khúc xảy ra lũ lớn.

Tin cùng chuyên mục