Miền Trung: Lỗ hổng giữ rừng

Ở miền Trung, nơi hàng năm luôn phải gồng mình gánh chịu những tổn thất nặng nề do thiên tai gây ra, việc giữ rừng được đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, trên thực tế công tác giữ rừng dọc các tỉnh miền Trung vẫn còn một số bất cập, cần sớm tháo gỡ.
Lực lượng bảo vệ rừng liên tỉnh đang tuần tra, khảo sát rừng ở vùng giáp ranh ngã ba Quảng Ngãi - Kon Tum - Quảng Nam (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: XUÂN HUYÊN
Lực lượng bảo vệ rừng liên tỉnh đang tuần tra, khảo sát rừng ở vùng giáp ranh ngã ba Quảng Ngãi - Kon Tum - Quảng Nam (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: XUÂN HUYÊN

Mỗi người phải giữ 5.800ha rừng

Những ngày cuối tháng 5-2021, tại vùng rừng phía Tây huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), 32 cán bộ giữ rừng ở Hạt Kiểm lâm huyện vẫn đang dầm trong nắng hạn trên những nẻo rừng để canh lửa, bảo vệ rừng. Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Nguyễn Xuân Quế tâm sự: “Hạt có 32 thành viên, nhưng chỉ có 18 người trực tiếp giữ rừng. 18 người phải giữ đến 105.000ha rừng, trong đó có 65.000ha rừng tự nhiên. Như vậy, bình quân mỗi người ở hạt phải giữ 5.800ha rừng, như thế là vượt sức, cực kỳ áp lực”.

Cùng con số 32 thành viên, song ở Lâm trường Khe Giữa (huyện Lệ Thủy) lại có công việc đặc thù hơn, phải bảo vệ rừng tận gốc, thường xuyên “ăn rừng ở rú”. Giám đốc Lâm trường Khe Giữa Ngô Hữu Thành kể: “Đơn vị bảo vệ trên 28.000ha rừng tự nhiên, mỗi người phải giữ 1.000ha rừng. Anh em chịu rất nhiều áp lực, nguy hiểm rình rập, nhưng lương rất thấp, chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Nếu ai tiết kiệm chỉ đủ mua thêm gạo tiếp tế vợ con, chứ không dư được!”.

Tại những cánh rừng ở khu vực từ Quảng Nam đến Phú Yên, đâu đâu cũng nghe người giữ rừng than khó vì lương, phụ cấp bèo bọt. Vừa qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh đã được tỉnh Bình Định bổ sung thêm 39 lao động hợp đồng mới. Tuy nhiên, mỗi lao động hợp đồng chỉ được hỗ trợ kinh phí 3,5 triệu đồng/tháng. “Vị chi mỗi ngày anh em chỉ được trả công hơn 116.000 đồng/người, không thể động viên anh em giữ rừng được”, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh Trần Phước Phi nói.

Tại huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ La O Hóa cho biết, 100% dân số địa phương là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh câu chuyện sinh kế lo chưa xong, Phú Mỡ còn phải gồng gánh thêm 15.000ha rừng, chủ yếu rừng phòng hộ, khiến địa phương gần như đuối sức. Để giữ 15.000ha rừng, mỗi tuần xã kêu gọi công an viên, dân phòng và 1 lâm trường, hỗ trợ 50.000 đồng/người (tiền xăng) để tuần rừng. Cán bộ lâm trường xã chỉ có 1 người, lương 1,9 triệu đồng/tháng, còn công an viên 1,1 triệu đồng/tháng, không đủ sống, đang xin nghỉ việc. “Rừng thì rộng quá, nằm giáp ranh Phú Yên - Bình Định - Gia Lai rất phức tạp. Nhiều lần, chúng tôi làm văn bản kiến nghị cấp trên, mong sớm giao lại rừng cho đơn vị khác có năng lực quản lý, bảo vệ nhưng chưa được”, ông Hóa nói thêm.

Cần cắm mốc, phân cấp rừng

Vùng nhạy cảm cần được quan tâm nhất trên bản đồ rừng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum nằm ở những khu vực rừng giáp ranh. Đây là những lỗ hổng lớn, thường xuyên xảy ra các vụ khai thác gỗ rừng, đặc biệt là phá rừng với quy mô lớn. Không chỉ vậy, giữa các huyện với nhau cũng tạo ra lỗ hổng giáp ranh. Đơn cử vụ “phá trắng” trên 60ha rừng ở huyện An Lão (vùng rừng giáp ranh Bình Định - Quảng Ngãi) vào cuối năm 2017 và mới đây nhất là vụ phá rừng quy mô lớn ở vùng giáp ranh 2 huyện Tây Hòa - Sông Hinh (tỉnh Phú Yên)… Hậu quả, không chỉ mất rừng mà còn khiến hàng chục cán bộ, người dân bị án tù, kỷ luật.

Điểm nóng tranh chấp rừng giáp ranh Bình Định - Gia Lai kéo dài gần 14 năm nay khiến ngành chức năng 2 tỉnh lúng túng, xử lý không xong. Một cán bộ Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh thừa nhận, đây gần như là một “điểm đen” trong công tác giữ rừng ở Bình Định - Gia Lai, kéo dài lâu nhất. Do lịch sử để lại, rừng bị làn sóng người xâm canh mạnh mẽ từ phía thị xã An Khê (Gia Lai). Tình trạng khai thác gỗ rừng tự nhiên trái phép ở đây vẫn đang diễn ra nhức nhối.

Tương tự, tại vùng rừng giáp ranh ngã 3 tỉnh Quảng Ngãi - Quảng Nam - Kon Tum, lực lượng chức trách đang đưa ra nhiều quy chế phối hợp, bảo vệ rừng. Nơi đây, rừng giáp ranh kéo dài khoảng 260km, thường xuyên bị người dân bản địa xâm lấn làm nương rẫy. Còn tại rừng giáp ranh 2 huyện Sơn Hà - Trà Bồng (Quảng Ngãi), dọc tuyến ĐT 626, rừng núi nơi này gần như vô chủ, ngày ngày bị cạo trọc bởi làn sóng xâm canh, xâm cư của người dân bản địa…

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đại nêu khó khăn trong câu chuyện quản lý, bảo vệ rừng: Hiện không chỉ Quảng Ngãi mà nhiều địa phương ở miền Trung cũng đang loay hoay để đo đạc, cắm mốc giới, phân định và phân cấp lại 3 loại rừng sản xuất - phòng hộ - đặc dụng. Đây là bài toán dài hơi, cần có sự đầu tư với kinh phí lớn thì mới triển khai đồng bộ được. Chỉ khi thiết lập được mốc giới, phân định rõ ràng giữa các loại rừng thì sẽ tạo được cơ sở để lực lượng bảo vệ rừng theo dõi, bảo vệ, đánh giá trữ lượng rừng qua các năm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình Nguyễn Văn Long, mức lương người giữ rừng thấp, kinh phí để ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào công tác giữ rừng cũng rất thiếu thốn. Nhà nước cần có chính sách chuyển đổi các lâm trường có rừng tự nhiên sang ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để có đầu tư, chi trả bài bản. Đặc biệt, phải có cơ chế đặc thù để tăng lương cho lực lượng bảo vệ rừng, cần có sắc luật đóng thuế tài nguyên rừng để bổ sung thêm thu nhập cho người giữ rừng.

Tin cùng chuyên mục