Miền Trung khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Trong ngày 11-12, trên địa bàn các tỉnh, thành miền Trung mưa đã ngớt, nhiều nơi hửng nắng; lũ trên các sông bắt đầu rút chậm, nhưng vẫn còn ở mức cao. Với phương châm “lũ rút đến đâu khắc phục đến đó”, các địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện cùng người dân khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. 
Miền Trung khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Đến chiều 11-12, lũ trên hầu hết các địa bàn ở Quảng Nam bắt đầu rút, nhưng vẫn còn khoảng 17.000 ngôi nhà ở TP Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên, Núi Thành bị ngập trong lũ, nhiều tài sản, hoa màu… đã bị ngập nước; 3 người tử vong, thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các ngành, các địa phương và lực lượng vũ trang tập trung giúp người dân vùng lũ khắc phục khó khăn, tuyệt đối không để người dân nào bị thiếu đói do mưa lũ.

Miền Trung khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ ảnh 1 Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam ngập sâu trong nước. Ảnh: IT
 Cũng trong sáng 11-12, Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh Quảng Nam và các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn đã cử hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đến giúp người dân dựng lại nhà cửa bị hư hỏng, vệ sinh môi trường; vận chuyển hàng ngàn suất ăn và nước uống tiếp tế cho người dân những vùng còn bị ngập sâu, chia cắt. 

Bên cạnh đó, các đoàn cứu trợ cũng đã dùng ghe thuyền tiếp cận những nơi còn ngập sâu ở TP Tam Kỳ, huyện Duy Xuyên, Núi Thành cấp phát mì tôm, nước uống cho người dân.  

Miền Trung khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ ảnh 2 Nhiều nơi tại Bình Định bị chia cắt do mưa lũ
 Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Bình Định, mưa lũ đã làm 10.090 nhà bị ngập, 6 nhà sập, 5 nhà hư hỏng (hiện còn 95 nhà bị ngập); 21,78km đường giao thông bị sạt lở, 4 cầu bị sập, 8 cầu bị hỏng; có 3 điểm trên tuyến đường sắt bị sạt lở (đã khắc phục và thông tàu); 6,8km đê sông, suối, 25,4km đê kè, 27,5km kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 177 đập bổi bị cuốn trôi, 2 đập kiên cố bị hỏng; 8.560ha lúa mới gieo sạ ngập úng... Tính đến chiều 11-12, tại các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, đã có 6 người chết và mất tích. Cụ thể, tại huyện Phù Mỹ có 3 người bị lũ cuốn trôi; tại huyện Hoài Nhơn có 1 người chết ngạt, 1 người khác bị lũ cuốn trôi; 1 ngư dân ở xã Hoài Hải bị rớt xuống biển mất tích.
Miền Trung khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ ảnh 3 Cầu tràn nối xã Sơn Giang với xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi bị ngập

Kịp thời khắc phục sạt lở trên tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân

Sáng 11-12, Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng đã hoàn thành khắc phục các điểm sạt lở, thông tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân.

Sạt lở xảy ra vào tối ngày 10-12 tại Km 770+950, cung cầu đường Hải Vân 3 (thuộc địa phận Đà Nẵng). Mưa lớn kéo dài khiến vị trí này liên tiếp sạt lở đất đá, cây lớn phía taluy dương đổ vào đường sắt, khiến khu gian Hải Vân bị phong tỏa hoàn toàn.

Theo ông Nguyễn Đình Đan, Cung trưởng cung cầu đường Hải Vân 3, lúc xảy ra sạt lở, nhân viên tuần đường phát hiện và dừng tàu kịp thời nên không xảy ra hậu quả đáng tiếc. Ngay sau đó, Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng đã điều động gần 100 công nhân, máy móc đến hiện trường dọn sạt lở, cây cối. Đến 4 giờ sáng 11-12, việc khắc phục sạt lở đã hoàn thành và thông tuyến.

Tại huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), ngay khi nước rút, chính quyền địa phương đã khẩn cấp tổ chức và cử lực lượng đến hỗ trợ và giúp dọn dẹp nhà cửa cho người dân, các công trình dân sinh, trường học. Theo thống kê sơ bộ, đợt mưa lũ vừa qua đã làm 3 trường hợp tại Quảng Ngãi tử vong và mất tích; hơn 2.000 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng do nước lũ và lốc xoáy, hàng trăm hécta hoa màu bị hư hỏng, ước tính thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Tại Thừa Thiên - Huế, nước lũ đã rút nhưng vẫn còn gây ngập, chia cắt nhiều tuyến tỉnh lộ và các vùng thấp trũng. Tại huyện Phong Điền và huyện Phú Lộc có hàng ngàn ngôi nhà bị ngập 0,2-0,3m. Nhiều trường học tại các khu vực thấp trũng chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. QL1A và nhiều tuyến đường tỉnh lộ và nội thành tại TP Huế bị ngập lụt cục bộ gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Cùng với đó, sóng to, triều cường, kết hợp nước dâng làm bờ biển các huyện Phú Lộc, Phú Vang, khu vực các sông Bù Lu, sông Hương (đoạn qua tổ dân phố 3 phường Hương Hồ), sông Bồ (đoạn qua phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà)... tiếp tục sạt lở nặng.

Miền Trung khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ ảnh 4 Nhiều nhà dân tại Thừa Thiên Huế bị ngập nặng
Theo tổng hợp từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến chiều 11-12, mưa lũ tại miền Trung đã làm 9 người chết và mất tích (5 người chết do bị lũ cuốn ở Quảng Trị: 2 người, Thừa Thiên - Huế: 1 người, Quảng Nam: 1 người, Bình Định: 1 người và 4 người mất tích ở Quảng Nam: 1 người, Quảng Ngãi: 1 người, Bình Định: 2 người). 

Theo cảnh báo ngày 11-12 của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, mặc dù nền nhiệt tại miền Bắc đã xuống rất thấp, tại Hà Nội cũng chỉ còn 12-13oC, nhưng hiện nay, các đợt sóng không khí lạnh từ phía Bắc vẫn liên tục tăng cường xuống. Ngày 11-12, sóng không khí lạnh đã ảnh hưởng tới Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ và một số nơi ở Tây Bắc bộ. Ở vịnh Bắc bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động. Ngày 12-12, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Tây Bắc bộ và Trung Trung bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4. Bắc bộ trời rét đậm, vùng núi có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11-14oC, vùng núi 9-11oC. Đợt rét đậm này có khả năng kéo dài 2-3 ngày.

Miền Trung khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ ảnh 5 Nhiều ô tô tại TP Đà Nẵng bị ngâm nước sau trận mưa lớn
 Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Ngày 12-12, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên vùng mưa lan rộng, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-80mm, riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm.

Trong khi đó, không khí lạnh hiện nay vẫn liên tục được tăng cường mạnh, kết hợp với nhiễu động của đới gió Đông trên cao nên mưa lớn diện rộng ở các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa có khả năng kéo dài đến ngày 16-12. Trong những ngày tới, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên có khả năng lên lại. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp và đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên.

Tin cùng chuyên mục