Miền Trung chạy đua với công trình phòng chống bão lũ

Hàng loạt dự án đê, kè ở miền Trung đang đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão 2020. Tuy nhiên vẫn còn nhiều công trình trong tình trạng hư hỏng nặng hoặc sửa chữa chắp vá do thiếu vốn.
Công nhân hối hả thi công tuyến kè chống sạt lở bờ biển Thừa Thiên - Huế. Ảnh: VĂN THẮNG
Công nhân hối hả thi công tuyến kè chống sạt lở bờ biển Thừa Thiên - Huế. Ảnh: VĂN THẮNG

Đẩy nhanh tiến độ

Tại công trình kè biển Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng, hàng chục công nhân hối hả thay phiên nhau làm việc. Giữa bờ cát nóng bỏng của cái nắng vượt ngưỡng 40°C, những người thợ làn da cháy sạm, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, cười nói râm ran. Kế đó, máy móc và các loại phương tiện cơ giới hiện đại đang rầm rộ xẻ dọc bờ cát, tạo khuôn thân kè dài gần 2km từ thôn Hải Nam đến thôn Hải Bắc thuộc xã Nhơn Hải. Ông Lương Xuân Cảnh (65 tuổi, xã Nhơn Hải) tâm sự: “Ở đây vào mùa mưa lũ sóng biển kinh hoàng lắm. Thế nên cứ vào mùa mưa là dân nơi đây lại nơm nớp lo sợ sóng biển và triều cường cuốn trôi nhà cửa. Nhà nước quan tâm đầu tư cho tuyến kè cả trăm tỷ đồng, dân cũng yên tâm, mong sao công trình thi công khẩn trương hơn cho kịp mùa mưa lũ”. 

Ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Bình Định, đơn vị chủ đầu tư kè biển Nhơn Hải, chia sẻ: “Thi công cấp bách nên chúng tôi duy trì thường xuyên 20 phương tiện cơ giới và trên 50 công nhân làm việc 3 ca để kịp tiến độ khi mùa mưa lũ sắp đến. Ngoài kè chắn sóng Nhơn Hải, chúng tôi đang gấp rút thi công công trình nâng cấp kè chắn sóng Nhơn Lý, khoảng 1 tháng nữa là xong”.

Trên công trường xây dựng bờ kè Vịnh Mốc (Quảng Trị), những ngày này, hàng chục phương tiện cơ giới, công nhân đang đẩy nhanh tiến độ thi công để dự án hoàn thành trước ngày 30-6, vượt kế hoạch đề ra 6 tháng. Ông Hồ Văn Anh, Chỉ huy trưởng công trình dự án Sửa chữa khẩn cấp kè biển Vịnh Mốc, cho biết, dự án có giá trị xây lắp trên 31,6 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: làm mới, sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới nối tiếp với kè biển hiện có với tổng chiều dài gần 950m. Khi hoàn thành, công trình đảm bảo an toàn cho 250 hộ dân với 1.300 nhân khẩu, bảo vệ bền vững di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc, hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, cùng một số công trình dân sinh khác trong vùng.

Cùng thời điểm, nhiều tuyến kè ven biển chống xói lở, xâm thực, chỉnh trị luồng cửa biển tại Thừa Thiên - Huế cũng được đẩy nhanh tiến độ thi công trước tình hình biến đổi khí hậu đang tác động ngày một rõ hơn đối với những địa phương ven biển. Dự án kè Phú Thuận giai đoạn 2 và kè Vinh Hải do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư, đến nay hoàn thành 60%-70% khối lượng công việc. Ông Nguyễn Văn Tài, cán bộ giám sát Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Do vừa thi công vừa ứng phó với triều cường, sạt lở bờ biển uy hiếp an toàn của vật tư xây dựng nên chủ đầu tư luôn đốc thúc các đơn vị thi công huy động tối đa nhân lực, vật lực nhằm đảm bảo tiến độ và hoàn thành các hạng mục cơ bản trước mùa mưa bão”.

Còn những lo lắng

Bên cạnh những công trình đang được đẩy nhanh tiến độ, hiện có không ít những kè sông, đê biển, hồ chứa… ở miền Trung vẫn trong tình trạng hư hỏng nặng hoặc sửa chữa chắp vá. Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết, địa phương đang tranh thủ nhiều nguồn để nâng cấp, sửa chữa lại các hồ đập nhằm tránh nguy cơ vỡ hồ trong mưa lũ. Riêng đối với các vùng dân cư ven biển, ven sông xung yếu, UBND tỉnh chỉ đạo cần kè nhanh để hoàn thành trước tháng 8-2020. “UBND tỉnh Bình Định đang kiến nghị Bộ NN-PTNT quan tâm, xem xét đầu tư dự án cửa biển An Dũ. Hiện cửa biển này dịch chuyển, bồi lấp nặng làm giảm khả năng thoát lũ, gây ngập lụt nặng nề cho vùng hạ du sông Lại Giang và uy hiếp cả vùng dân cư thượng lưu các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão… Ngoài ra, Bình Định còn có 165 hồ chứa thủy lợi xây dựng hơn chục năm về trước, nay xuống cấp, nguy cơ vỡ vào mùa mưa lũ, đang rất cần nguồn vốn để nâng cấp sửa chữa”, ông Hùng thông tin.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), nhìn nhận, bờ biển đoạn thôn An Hòa nhiều năm qua thường xuyên đối mặt với triều cường rất lớn. Hiện toàn thôn An Hòa có 620 hộ dân, hàng năm cứ đến mùa mưa lũ là người dân lại nơm nớp lo sợ sóng biển, triều cường cuốn trôi nhà cửa, đất đai. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nguồn vốn để tiến hành di dời người dân đến nơi an toàn, hoặc xây dựng kè chống xói lở, xâm thực.

Những năm gần đây tình trạng xói lở bờ biển từ tỉnh Quảng Trị đến tỉnh Phú Yên đã và đang xảy ra một cách dữ dội là do sự phát triển của các khu dân cư, công trình hạ tầng xây dựng ngày một nhiều, đã làm cho hệ thống thoát lũ vùng hạ du bị thay đổi. Bên cạnh đó, việc khai thác cát, sỏi trái phép đã khiến tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng. Muốn xử lý hết tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông, đại diện Sở NN-PTNT Quảng Trị cho rằng cần có lộ trình và thời gian. Hiện các địa phương chỉ có thể giải quyết những điểm xung yếu, nguy cấp và có vốn đầu tư ít, còn những công trình có vốn đầu tư lớn thì phải xin kinh phí từ Trung ương.

Tin cùng chuyên mục