Miền Trung căng mình chống bão

Các tỉnh miền Trung vừa chống chọi đợt khô hạn khốc liệt thì nay phải căng mình chống bão. Từ sáng 29-8, các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa vào đến Quảng Ngãi có mưa to kéo dài. Dự báo từ sáng 30-8, bão số 4 (tên quốc tế là Podul) sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, với tốc độ nhanh và cường độ rất mạnh.
Ngư dân ở xã Cẩm Dương (Hà Tĩnh) đưa thuyền vào bờ tránh bão. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Ngư dân ở xã Cẩm Dương (Hà Tĩnh) đưa thuyền vào bờ tránh bão. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Cấp tập chống bão

Chiều 29-8, theo ghi nhận của PV Báo SGGP tại TP Sầm Sơn (Thanh Hóa), ngư dân đã đưa tàu thuyền vào bờ trú tránh bão. Một số nơi, do chỗ neo đậu hẹp nên ngư dân kéo lên đường Hồ Xuân Hương để tránh bão. Biển đã bắt đầu động, trời âm u nhưng vẫn còn những tốp du khách tranh thủ tắm biển, trong lúc các nhà hàng, khách sạn đang thu dọn đồ đạc ngoài trời.

Được xác định là địa phương khả năng tâm bão sẽ đổ bộ vào, nên ngay từ sáng sớm, người dân ở các huyện ven biển như Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu của tỉnh Nghệ An đã chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền vào sâu trong đất liền. Người dân thị xã Cửa Lò đã tháo dỡ các hàng quán ven biển đưa về nhà. Ông Nguyễn Trường Thành, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An, cho biết: “Hiện chúng tôi đang lo nhất là khoảng 10.000ha lúa hè thu của bà con, một phần chưa đủ độ chín, một phần không biết có thu hoạch kịp trước khi bão đổ bộ hay không”. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã thực địa kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 tại tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, theo ghi nhận của PV Báo SGGP tại một số xã ven biển ở huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, ngay từ sáng sớm nhân dân và chính quyền địa phương đang nỗ lực, gấp rút triển khai chằng chống nhà cửa, di chuyển tài sản, chặt phát cây xanh. Tại Quảng Bình, mưa lớn trên diện rộng, người dân lo ngại lũ lên ngay trong bão số 4. 

Ngư dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đưa thuyền thúng vào bờ chạy bão. Ảnh: MINH PHONG

Thấp thỏm tàu thuyền trên biển

Ngày 29-8, cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã liên lạc được với 3 tàu cá của ngư dân huyện Hậu Lộc. Trước đó, quà rà soát của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa, 3 tàu cá với 27 lao động của ngư dân xã Hòa Lộc trong khi ra khơi đánh cá nhưng không liên lạc được.

Tại tỉnh Nghệ An, đến chiều 29-8, 3.510 tàu thuyền đã vào bờ tránh trú bão. Từ 5 giờ sáng, lệnh cấm biển cũng đã có hiệu lực. Trong khi đang vào bờ tránh trú bão, tàu cá của ông Bùi Ngọc Kiên (xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu) bị hỏng máy, rò rỉ nước, cách bờ biển Hà Tĩnh khoảng 60 hải lý. Nhận được tin báo, Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An đã điều tàu của Hải đội 2 ra ứng cứu, tiến hành lai dắt về đất liền.

Trong khi đó tại Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 3.597 tàu, thuyền đã vào nơi neo đậu, trú tránh bão an toàn. Hiện còn 175 tàu/903 lao động đang hoạt động trên các vùng biển Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Thuận... Toàn bộ các tàu, thuyền này đều đã nhận được thông tin về diễn biến của bão số 4.

Đồn Biên phòng Nhật Lệ (Quảng Bình) cho biết, tính đến chiều 29-8, tỉnh Quảng Bình còn có số phương tiện và lao động hoạt động trên biển cao, với 677 tàu/4325 lao động (trên tổng số 5.306 phương tiện/18.882 lao động). Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã khẩn trương tổ chức các phương án như phối hợp với gia đình vận động, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện biết hướng đi của bão để tìm nơi trú ẩn an toàn.

Hủy nhiều chuyến bay, ngưng tàu ra đảo

Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, các hãng hàng không đã phải điều chỉnh hàng loạt chuyến bay đến, đi từ các sân bay Vinh, Đồng Hới, Phú Bài trong ngày 29 và 30-8 để đảm bảo an toàn.

Cụ thể, Vienam Airlines đã hủy 5 chuyến bay giữa Hà Nội, TPHCM - Huế trong ngày 29-8. Bên cạnh đó, 4 chuyến bay giữa Hà Nội, TPHCM - Vinh phải khởi hành sớm 1 giờ 15 phút so với lịch khai thác ban đầu. Tương tự, Jetstar Pacific hủy 2 chuyến bay giữa TPHCM - Đồng Hới và 2 chuyến bay giữa TPHCM - Vinh. Hãng Vasco hủy 2 chuyến bay giữa Hà Nội - Đồng Hới ngày 29-8, 2 chuyến bay giữa Hà Nội - Vinh ngày 30-8. Hãng Vietjet cũng cho biết đã hủy 10 chuyến bay đến, đi Đồng Hới và Huế ngày 29-8. Hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng được hỗ trợ theo quy định, có thể được chuyển đổi miễn phí sang các chuyến bay khác trong trường hợp còn chỗ. Vietnam Airlines cho biết, trong ngày 30-8, hãng có thêm 2 chuyến bay bù giữa TPHCM và Huế để giải tỏa khách bị ảnh hưởng.

Nhiều du khách ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang) chuẩn bị về đất liền thì các đại lý thông báo tàu chở khách Superdong và Phú Quốc Express tạm ngưng hoạt động, do ảnh hưởng mưa bão, buộc phải quay trở lại thuê khách sạn, nhà trọ để “trú bão”. Bà Nguyễn Thị Tố Nga, Giám đốc kinh doanh hãng tàu cao tốc Superdong (Kiên Giang), cho biết, do trong ngày trên vùng biển Kiên Giang gió giật cấp 7, cấp 8, biển động mạnh nên tất cả tàu chở khách thuộc các tuyến Rạch Giá, Hà Tiên đi Phú Quốc và ngược lại đều ngưng hoạt động.

Cùng ngày, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã có thông báo tạm thời không cấp phép cho tàu vận tải khách từ bờ ra Côn Đảo.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia và các cơ quan dự báo bão tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bão số 4 có vận tốc di chuyển rất nhanh (25km/giờ), đổ bộ vào các tỉnh ở Bắc Trung bộ vào khoảng rạng sáng đến sáng 30-8, gây mưa gió trên diện rộng. Chiều 29-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,7 độ vĩ Bắc - 109,3 độ kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Nghệ An - Quảng Trị khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão. Từ sáng sớm đến trưa 30-8, tâm bão đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Trước diễn biến của bão số 4, tại cuộc họp ứng phó với bão số 4 diễn ra ngày 29-8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu lực lượng biên phòng tuyến biển phối hợp với gia đình chủ tàu, chính quyền địa phương khẩn trương liên lạc, thông báo diễn biến bão với các chủ tàu. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cử ngay các đoàn công tác trực tiếp tham gia chỉ đạo ứng phó bão số 4 cùng với địa phương các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị.

* Chiều 29-8, ông Đặng Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, khoảng 12 giờ 45 cùng ngày, mưa lớn kèm theo trận lốc xoáy mạnh quét qua địa bàn thôn Hoa Tiến trong vòng khoảng 20 phút gây thiệt hại nặng nề. Hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với cơ quan chức năng xuống động viên, tập trung giúp người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả thiệt hại. Theo thống kê thiệt hại bước đầu, trận lốc xoáy đã làm 41 nhà dân bị tốc mái cùng hàng ngàn cây cối, hoa màu bị gãy đổ.

Cùng ngày, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra mưa lớn, giông lốc đúng vào giờ tan tầm đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, hoạt động của người dân thủ đô. Theo ghi nhận của phóng viên, mưa lớn cùng gió to đã quật đổ nhiều cây xanh. Đặc biệt nghiêm trọng tại đường ven Hồ Tây, đối diện khách sạn Công Đoàn, một cây si lớn đã bị giông quật đổ trúng vào một nam thanh niên điều khiển xe máy đi qua khiến nạn nhân tử vong tại chỗ do bị cây đè.

Tin cùng chuyên mục