Miền Bắc 2 người chết, miền Nam hơn 400 nhà tốc mái

Mưa lũ do hoàn lưu bão số 2 (Sinlaku) đã làm 2 người chết ở miền Bắc, kích hoạt gió mùa Tây Nam mạnh lên, làm sập, tốc mái hơn 400 ngôi nhà ở đồng bằng sông Cửu Long; sét đánh chết 6 con trâu ở Yên Bái...
Miền Bắc 2 người chết, miền Nam hơn 400 nhà tốc mái

Hồi 18 giờ chiều nay 3-8, văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã cập nhật báo cáo tình hình mưa lũ, thiệt hại sau bão số 2. 

Theo đó, tính đến 17 giờ chiều 3-8, nhiều nơi đã có lượng mưa rất lớn như Tà Si Láng (Yên Bái) 141mm, An Biên (Quảng Ninh) 170mm, Yên Hưng (Quảng Ninh) 170mm, Hoành Bồ (Quảng Ninh) 140mm, Song Mai (Bắc Giang) 141mm…

Từ đêm 3-8 đến ngày 5-8, dự báo ở miền Bắc vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt; riêng khu vực Việt Bắc và Đông Bắc có mưa to đến rất to 150-300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt. 

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, ngập úng cục bộ tại các vùng thấp trũng, các khu đô thị.

Tính đến 17 giờ chiều 3-8, mưa lũ sau bão số 2 làm ít nhất 2 người chết tại tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hòa Bình. 

Cụ thể, nạn nhân là anh Đỗ Văn Mạnh, sinh năm 1979, bị tường chắn đất đổ vào lán trại ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quảng Ninh và ông Bùi Văn Ân bị cuốn trôi khi đi qua ngầm tràn tại xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, Hòa Bình. 

Mưa lũ kéo dài làm ngập 1.715ha lúa và hoa màu tại Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh. 

Mưa lớn sau bão số 2 gây sạt lở tại TP Hạ Long. Ảnh theo Báo Quảng Ninh

Còn theo báo cáo bổ sung của Tổng cục Phòng chống thiên tai, tại huyện Trạm Tấu – Yên Bái, do lượng mưa lớn, nước suối lên cao, làm tuyến đường giao thông đi xã Tà Si Láng sạt 4 điểm với khối lượng khoảng 350m³ đất đá (cách trụ sở UBND xã khoảng 1km); đường lên UBND xã Pá Hu bị sạt ước khoảng 20m³, ô tô không đi được; đường Phìn Hồ - Làng Nhì sạt 1 điểm tại Km8, đất đá ước 300m³, ô tô, xe máy không đi lại được. Mưa dông kèm sét đã đánh chết 6 con trâu tại xã Túc Đán. UBND huyện Trạm Tấu đã chủ động di dời 1 ngôi nhà tại thôn Suối Giao, xã Xà Hồ để đảm bảo an toàn. 

Ở phía Nam, mưa dông lớn cũng gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu… Đến nay, có hơn 400 căn nhà của người dân ở các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu bị sập và tốc mái do gió mùa Tây Nam mạnh.

Mưa lớn, dông lốc làm tốc mái nhà của hộ dân ở tỉnh Hậu Giang. Ảnh theo VOV
Nhà cửa ở Hậu Giang bị gió mùa Tây Nam mạnh gây sập. Ảnh theo VOV
Mưa gió làm tốc mái trường học tại Kiên Giang. Ảnh theo VOV

Trước tình hình đợt mưa kéo dài do hoàn lưu bão số 2 gây ra, chiều 3-8, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có công văn gửi các địa phương đề nghị tiếp tục phòng chống mưa lũ, chủ động di dời, sơ tán người dân tại những nơi có nguy cơ cao lũ quét, lũ ống, ngập lụt. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị ban chỉ huy các tỉnh, thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ ứng phó với diễn biến của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất theo chỉ đạo của Thủ tướng tại công điện số 1021/CĐ-TTg ngày 1-8-2020

Những công việc cụ thể gồm:

1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Chỉ đạo chính quyền cơ sở và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống nguy hiểm; khơi thông dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn, các ao hồ có nguy cơ mất an toàn.

2. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; tuyên truyền, ngăn chặn không để người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

3. Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng trên và ven sông, suối; các chủ phương tiện vận tải thủy, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.

4. Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ thủy điện nhỏ, công trình đang thi công, sửa chữa; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống.

5. Rà soát, tổ chức triển khai các phương án phòng chống lũ trên hệ thống sông theo cấp báo động; tập trung theo dõi, giám sát các trọng điểm đê điều xung yếu để chủ động xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.

6. Chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình tỉnh, huyện, xã và các phương tiện thông tin của địa phương tăng cường thông tin về mưa lũ và các biện pháp phòng tránh đến được người dân tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.

7. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

8. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương trước 16 giờ hàng ngày.

Tin cùng chuyên mục