Mexico đối mặt với thảm họa di cư trái phép

Vụ 53 người di cư trái phép, phần lớn đến từ Trung Mỹ, thiệt mạng trong vụ tai nạn xe tại bang Chiapas, miền Nam Mexico, một lần nữa gióng lên cảnh báo về làn sóng di cư ồ ạt đổ về biên giới nước này. Chính phủ Mexico tuyên bố mở cuộc điều tra và gọi đây là thảm họa của tình trạng di cư. 

Hợp tác giải quyết vấn nạn 

Trước vụ tai nạn, giới chức trách Mexico đã phát hiện và giải cứu hàng loạt vụ vận chuyển người di cư trái phép đến khu vực biên giới giáp với Mỹ. Họ đến từ các nước Guatemala, Honduras và El Salvador, tìm cách vượt qua Mexico để tìm đường tới Mỹ trong hành trình dài và nguy hiểm. 
Dòng người di cư không có giấy tờ đã tăng mạnh sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, do ông có cách tiếp cận mềm mỏng về nhập cư so với người tiền nhiệm Donald Trump. Từ tháng 10-2020 đến tháng 9-2021, Mỹ đã phát hiện 1,7 triệu người nhập cảnh bất hợp pháp từ Mexico. 

Vụ tai nạn xe chở người di cư trái phép tại bang Chiapas, Mexico
Trước tình trạng trên, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) kêu gọi chấm dứt hoàn toàn và càng sớm càng tốt Nghị định thư Bảo vệ người di cư (MPP), còn được gọi là chương trình “Ở lại Mexico”, vì cho rằng đây là một chính sách “vô nhân đạo và vi phạm luật pháp quốc tế”. IOM đã kêu gọi ưu tiên bảo vệ phẩm giá, sự an toàn và phúc lợi của người di cư trong quá trình họ di chuyển và ở lại Mexico để chờ giải quyết đơn xin tị nạn tại các tòa án Mỹ. MPP là chương trình di cư gây tranh cãi từ thời cựu Tổng thống Donald Trump, buộc những người di cư phải chờ đợi ở Mexico trong quá trình xét duyệt đơn xin tị nạn vào Mỹ, được chính phủ của ông Joe Biden tái khởi động gần đây theo phán quyết của tòa án liên bang. 


Trước sức ép từ làn sóng người di cư bất hợp pháp, Mexico đã công bố một kế hoạch chung với Mỹ nhằm ngăn chặn tình trạng trên. Theo kế hoạch, Mỹ và Mexico làm việc thông qua các cơ quan viện trợ phát triển. Các mục tiêu tham vọng nhất đã được đặt ra cho Honduras, nơi kế hoạch chung hướng tới tiếp cận 500.000 thanh niên, chủ yếu thông qua các chương trình đào tạo và tặng học bổng. Trong khi đó, chương trình được thực hiện ở Guatemala và El Salvador sẽ tìm cách thúc đẩy các hoạt động kinh doanh cho người dân địa phương và cung cấp viện trợ.

Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo 

Theo Viện Chính sách di cư (MPI), có trụ sở tại Mỹ, khó khăn kinh tế là nguyên nhân chính gây nên làn sóng di cư của người dân các nước Trung Mỹ qua Mexico để tới Mỹ. MPI và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã thực hiện khảo sát với gần 5.000 hộ gia đình tại Guatemala, Honduras và El Salvador, đồng thời thu thập các câu trả lời trực tuyến từ khoảng 6.000 người. Kết quả cho thấy, 92% số người tham gia khảo sát khẳng định rằng khó khăn kinh tế là động lực chính thôi thúc họ rời bỏ quê hương. Những nguyên nhân khác bao gồm tình trạng mất an ninh, bạo lực và mong muốn đoàn tụ gia đình. 

Văn phòng Chương trình Y tế thế giới tại Mỹ Latinh và Caribbean cho biết, chỉ có 19% người di cư từ 3 quốc gia này chọn đi con đường hợp pháp, 55% sử dụng mạng lưới của những kẻ buôn lậu và 22% chọn đi một mình hoặc gia nhập các đoàn người di cư không có giấy tờ hợp pháp.

Trong những tháng gần đây, trước tình trạng dòng người di cư sống tạm bợ tại các khu lều tạm ở Tapachula, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đã cảnh báo về tình trạng suy dinh dưỡng, ốm đau và nguy cơ ly tán gia đình của các trẻ em và thanh thiếu niên di cư do bị mất giấy tờ. Bên cạnh còn có nguy cơ các em có thể mắc Covid-19. Mặc dù Chính phủ Mexico đã chuyển người di cư từ Tapachula đến các khu vực khác, nhưng hàng ngàn người di cư vẫn ở lại thành phố này để chờ phản hồi về yêu cầu tị nạn hoặc nhận thị thực nhân đạo.

Tin cùng chuyên mục