Mệnh lệnh của trái tim

Đợt dịch Covid-19 thứ tư với biến thể Delta có tốc độ lây quá nhanh đã đẩy TPHCM vào thế bị động. Lực lượng y tế công mặc dù được hỗ trợ từ nhiều nơi và huy động từ nhiều nguồn khác nhau nhưng vẫn không đủ. Trong bối cảnh đó, không chờ đến lời kêu gọi của Bộ Y tế, y tế tư nhân đã sớm sát cánh y tế công để chung tay chống dịch Covid-19.

 
Ngay từ khi số ca mắc tại TPHCM tăng cao đột ngột từ vài trăm ca lên đến cả ngàn ca mỗi ngày, lực lượng y tế tư nhân đã rục rịch chuyển động hỗ trợ các đồng nghiệp của mình nơi tuyến đầu. Bệnh viện dã chiến lập ra rất nhanh nhưng trang thiết bị đi kèm dĩ nhiên là không thể nhanh bằng. Từ đó, các nhân viên y tế trong lĩnh vực tư nhân đã đứng ra quyên góp, đặt mua và vận chuyển vật tư y tế đến các bệnh viện. Từ những lô khẩu trang N95, áo bảo hộ đến các máy móc như máy thở, dụng cụ đo oxy đầu ngón tay, đến cả những thùng nước hay mì gói cho các bệnh viện. Những hỗ trợ ban đầu của các bệnh viện, phòng khám, nhóm bác sĩ y tế tư nhân rất hữu ích, vì họ biết rõ đồng nghiệp mình đang cần gì. 

Dịch Covid-19 bước sang giai đoạn căng thẳng hơn, vaccine mà Chính phủ mua và nhận viện trợ đã về. Hàng ngàn đội tiêm được thành lập đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, với gần một triệu liều vaccine. Có đơn vị đã đưa cả 100 đội tiêm chủng được huấn luyện thành thục để làm nhiệm vụ. Chiến dịch tiêm chủng ở TPHCM vẫn tiếp tục với mục tiêu phủ kín ít nhất 70% dân số tại thành phố. Các đội tiêm chủng được thành lập từ các cơ sở y tế tư nhân; các y, bác sĩ đã về hưu khoác lên mình chiếc áo blouse để tham gia các đội tiêm chủng tại phường, quận, mặc dù có nhiều người trong số họ vẫn chưa được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Những đàn anh, những người bạn của chúng tôi “khoe” trên mạng xã hội về tốc độ tiêm ngày càng nhanh hơn, ai đọc cũng rơi những giọt nước mắt vì vui, xúc động. 

Diễn biến phức tạp của dịch chưa dừng lại, khi số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 có triệu chứng tăng ngày một nhiều. Các bệnh viện điều trị đều quá tải, dù nhiều bệnh viện công đã cố gắng thu xếp để “chia đôi” bệnh viện, sử dụng một phần bệnh viện làm nơi nhận bệnh nhân có triệu chứng. Trước lời kêu gọi của Bộ Y tế, các bệnh viện tư nhân đã thu xếp để nhập cuộc điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Lực lượng nhân viên y tế tư nhân chấp nhận bước vào cuộc chiến với những nguy cơ và rủi ro mà họ đã hiểu quá rõ từ khi khoác chiếc áo blouse trắng. Bởi họ biết, những đồng nghiệp của họ đang cần, nhiều bệnh nhân đang cần. 

Covid-19 không làm giảm đi các loại bệnh tật khác. Số bệnh nhân cần được điều trị các bệnh lý khác vẫn hiện hữu. Sự khó khăn khi đi khám bệnh, quá tải ở các bệnh viện công, hay sự sợ hãi căn bệnh truyền nhiễm khiến nhiều bệnh nhân phải “cố thủ” ở nhà chịu trận. Bằng việc đầu tư công nghệ thông tin, nghe nhìn, nhiều bệnh viện đã mở các phòng khám online miễn phí để tiếp cận với bệnh nhân, giúp nhiều người thoát khỏi cơn đau, thoát khỏi nỗi ám ảnh bệnh tật, ổn định tâm lý. 

Làm sao kể hết những đóng góp của đội ngũ y, bác sĩ trong những lúc ngặt nghèo này. Trong đóng góp chung đó, lực lượng y tế tư nhân không đứng ngoài cuộc; không ai phân biệt chiếc áo blouse mình đang mặc thuộc lĩnh vực công hay tư. Họ chỉ cảm nhận từ trái tim mình là nhân viên y tế, bước vào cuộc chiến chống giặc Covid-19 một cách nhẹ nhàng không suy nghĩ. Quên Covid-19 đi, quên công hay tư đi, khoác áo blouse và lên đường thôi!.

Tin cùng chuyên mục