Mê Trô Mê Phố

Kể về TPHCM và nhịp sống nơi này bằng công trình giao thông quan trọng đang được nhiều người mong đợi, hai bạn trẻ An Nguyễn và Học Nguyễn bắt đầu dự án “Mê Trô Mê Phố” với một loạt thiết kế nhận diện thương hiệu cho hệ thống Đường sắt đô thị TPHCM (HCMC Metro).
Phối cảnh một poster trong “Mê Trô Mê Phố”
Phối cảnh một poster trong “Mê Trô Mê Phố”

Góc nhìn của sáng tạo trẻ 

Giữa những trào lưu sáng tạo mới bắt kịp xu hướng thị hiếu của khách hàng, cụm từ “chiếm dụng văn hóa” trở thành mối quan tâm trên mạng xã hội và các diễn đàn sáng tạo trẻ, bởi không ít sản phẩm gần như đánh mất bản sắc để chạy theo mục đích thương mại. Không chỉ truyền tải văn hóa truyền thống qua những sản phẩm sáng tạo, các bạn trẻ trong giới thiết kế đồ họa còn chú trọng khai thác những đổi thay hàng ngày của nơi mình đang sống để kể về nét đẹp và văn hóa đô thị. Những dự án sáng tạo mang tính văn hóa Việt, hơi thở của những đô thị trong cả nước ngày càng phổ biến hơn, khi nó bắt đầu từ những đồ án tốt nghiệp của sinh viên.

Dự án “Mê Trô Mê Phố” được Nguyễn Phạm Trường An (An Nguyễn) và Nguyễn Thái Học (Học Nguyễn) thực hiện khi còn là sinh viên năm cuối Đại học Hoa Sen. “Mê Trô Mê Phố” với sự kết hợp đa dạng các sản phẩm sáng tạo như: vẽ minh họa (illustration), ảnh động (AR-Augmented Reality, hay còn gọi là thực tế tăng cường), áp phích và những thiết kế khác để mô phỏng một chiến dịch nhận diện thương hiệu cho hệ thống tàu điện trong tương lai. Chọn đề tài về HCMC Metro, An Nguyễn chia sẻ: “Khi chọn Metro, tụi mình muốn làm cái gì đó về thành phố này. Và tình cờ, hai đứa biết được có dự án nhận diện thương hiệu cho HCMC Metro, trùng hợp với ý tưởng ban đầu của 2 đứa, nên bắt tay vào việc”.

“Cũng làm việc trong lĩnh vực thiết kế đồ họa nên tôi có biết qua dự án của 2 bạn trẻ, ý tưởng và màu sắc sáng tạo trong “Mê Trô Mê Phố” khiến tôi bị ấn tượng. Công trình giao thông nghe qua rất khô cứng và khó truyền tải, nhưng bộ poster “Mê Trô Mê Phố” khiến người ta có cái nhìn rất dễ chịu, gam màu tươi trẻ và lồng ghép những đặc điểm của đời sống thường ngày ở đô thị TPHCM rất hay, như câu chuyện kẹt xe trong “Mê Trô Mê Phố” không làm người ta bực mình mà ngược lại có chút thẫn thờ, dễ thương”, Nguyễn Tường Khoa (30 tuổi, quản lý thiết kế, ngụ quận 8) chia sẻ.

Yêu thành phố qua những công trình

“Mê Trô Mê Phố” bắt đầu vào tháng 3-2021 và hoàn thành khoảng 3 tháng sau đó. Để bộ nhận diện thương hiệu cho hệ thống HCMC Metro hoàn thành một cách chỉn chu nhất, hai tác giả trẻ đi thực tế công trình để truyền tải hơi thở đô thị TPHCM một cách chân thật.

Và không dừng lại ở những ngày thực tế cùng tuyến Metro đang dần hình thành, để bộ nhận diện thương hiệu mang lại hiệu ứng tốt, nghiên cứu chiến dịch quảng bá cũng được hai bạn trẻ lưu tâm. An Nguyễn kể thêm: “Tụi mình tham khảo cách những quốc gia như Thái Lan, Singapore, Nhật hay Anh thực hiện những chiến dịch quảng bá… Và mình ấn tượng với London Underground (Tàu điện ngầm Luân Đôn), họ có rất nhiều chiến dịch quảng bá tập trung vào giới trẻ rất hay, bởi nó không chỉ là phương tiện giao thông mà còn chuyển tải những giá trị văn hóa của thành phố nữa”.

Những màu sắc của “Mê Trô Mê Phố” cũng vậy, luôn là những gam màu tươi sáng và năng động nhất, cùng hiệu ứng AR chuyển động một cách bắt mắt qua mỗi poster. Học Nguyễn phân tích: “Tụi mình đặt tên dự án “Mê Trô Mê Phố”, từ “Mê” phiên âm từ “Metro” và hai đứa cũng mong muốn khi Metro đi vào hoạt động, mọi người không chỉ sử dụng như một phương tiện giao thông mà còn là một sự thích thú. Và những người sử dụng Metro nhiều nhất sau này cũng sẽ là thế hệ của chúng mình, là những người trẻ, nên màu sắc tụi mình lựa chọn là những gam màu tươi sáng, năng động”.

Dọc theo tuyến Metro thực tế, hai tác giả trẻ đưa ra những poster chuyên chở thêm câu chuyện nhịp sống thị thành nơi đoàn tàu sẽ đi qua trong tương lai. “Tụi mình yêu thành phố này, yêu nhịp sống nơi đây nên khi chọn và thực hiện bộ nhận diện thương hiệu cho hệ thống Đường sắt đô thị TPHCM, hai đứa suy nghĩ hình ảnh đoàn tàu sẽ gắn liền với văn hóa, lịch sử, con người thành phố trong tương lai; vì vậy việc sử dụng hình tượng này sẽ một phần nào đó giúp mọi người làm quen với sự hiện diện của chiếc tàu điện. Qua Metro, đó không chỉ là một phương tiện giao thông mà còn là nét văn hóa sôi động, hiện đại của thành phố; và nó chuyên chở một phần nào đó nhịp sống, văn hóa đường phố ở đây”, An và Học bày tỏ.

Hiện tại, dự án chỉ mới xuất hiện tại Behance (mạng xã hội trực tuyến trực thuộc Công ty Adobe; trưng bày các sản phẩm hình ảnh, đồ họa kỹ thuật cũng như cho phép lập tài khoản kết nối người dùng) và chưa được 2 tác giả trẻ giới thiệu nhiều trên mạng xã hội, nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Tin cùng chuyên mục