Mê trận “giang hồ” trên mạng xã hội

Những tên tuổi xấu trên mạng xã hội, trang chia sẻ video đang xuất hiện ngày càng dày đặc. Bất chấp những giá trị về văn hóa, đạo đức, hàng loạt kênh “YouTube giang hồ” với nội dung xoay quanh những cuộc ăn chơi thác loạn, những lần chửi bới thách thức giữa các băng đảng, thậm chí cả… đi siết nợ cũng được đưa lên nhằm câu view, thu hút khán giả hiếu kỳ. 

Tràn ngập mạng xã hội

Gần đây, 2 kênh YouTube chính thức của “đại ca mạng” K.B. nhận được lượt theo dõi khủng. Cụ thể, tài khoản tên K.B. nhận được gần 1,9 triệu lượt theo dõi, tài khoản Đời sống K.B. nhận được hơn 60.000 lượt theo dõi. Nếu như trước kia, những video của nam thanh niên này mang tính tự phát, chỉ xoay quanh những cuộc chơi thác loạn tại vũ trường, hay khoe hình xăm, khoe tiền, thì tới nay, những video đã có sự đầu tư với một ê kíp hùng hậu phía sau. 

Gần đây nhất, ê kíp K.B. cho ra mắt phim ngắn kể về những câu chuyện trong giới giang hồ. Điều đáng ngạc nhiên là dù nội dung phim chứa không ít cảnh bạo lực với lời lẽ thô tục, dàn diễn viên diễn phô không chịu nổi, nhưng vẫn thu hút tới hơn 25 triệu lượt xem chỉ sau 2 tháng ra mắt, lọt vào bảng xếp hạng những video được xem nhiều nhất trên YouTube. Không dừng ở đó, các “đại ca mạng” còn tương tác qua lại, tổ chức những buổi gặp gỡ tại nhà riêng, rồi cùng livestream, giới thiệu nhau, tự hào kể về những chiến tích tù tội cùng những lời lẽ không thể bậy hơn. 

Chỉ cần lên YouTube, không khó để tìm thấy những kênh tương tự như kênh của K.B., tất cả đều có một đặc điểm chung đó là chứa rất nhiều video về các cuộc ăn chơi thác loạn, những phát ngôn gây sốc, những lời thách thức, hay khoe tiền của. Các kênh này đều có từ vài chục ngàn cho tới vài trăm ngàn lượt theo dõi. 

Mê trận “giang hồ” trên mạng xã hội ảnh 1
Mê trận “giang hồ” trên mạng xã hội ảnh 2 Những hình ảnh trên trang YouTube của K.B. được một bộ phận giới trẻ tung hô (đốt xe gây sốc, dàn hàng ngang trên cao tốc chụp hình). Ảnh: Mạng xã hội 

Những anh em “cùng hội cùng thuyền”, được gợi ý theo dõi từ kênh YouTube của K.B. phải kể tới tài khoản C.G. (59.982 lượt theo dõi), D.T.H.Đ. (53.679 lượt theo dõi), “thánh chửi” vừa được mãn hạn tù vì tội danh gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản D.M.T. (372.785 lượt theo dõi), N.T.O. (147.297 lượt theo dõi)… Đây cũng là những cái tên được cho là có “số má” trong giới “đại ca mạng”, chủ nhân của những tài khoản này không ngần ngại phơi bày từ việc làm tín dụng đen cho tới những mối quan hệ với đàn anh, đàn chị trong giang hồ. Tất cả đều được công khai và vô tư thể hiện qua những video đăng tải tràn ngập từ Facebook tới YouTube.

Tác động xấu tới giới trẻ

Mấy ngày gần đây, cư dân mạng lại có một phen dậy sóng với hình ảnh hàng trăm học sinh tại tỉnh Yên Bái chào đón, xin chụp ảnh chung với K.B. như người hùng trong dịp nam thanh niên này tới đây dự đám cưới của một người bạn. Những hình ảnh trên khiến không ít người, nhất là các bậc phụ huynh giật mình.

Bên cạnh những người dùng YouTube, Facebook, cộng đồng mạng liên tục kêu gọi tẩy chay những video, kênh chứa nội dung không lành mạnh, bạo lực, gây ảnh hưởng xấu tới văn hóa xã hội thì vẫn có một bộ phận không nhỏ giới trẻ tung hô, ủng hộ, cổ súy cho những người nổi tiếng dạng này. Việc xây dựng hình ảnh bên ngoài là một người ngang tàng, sống tự do theo kiểu bất chấp, phát ngôn không theo chuẩn mực nào của xã hội, làm cho nhiều bạn trẻ cảm thấy kích thích, mới mẻ và có tính giải trí.

“Bọn trẻ túm tụm vào tung hê cho một thanh niên có lối sống bất hảo. Có thể vì chúng cho đó là hay, đó mới là anh hùng, hoặc cũng có thể vì tâm lý a dua, bắt chước theo bạn mình. Dù là như thế nào thì cũng là biểu hiện đáng lo ngại, tôi không mong tương lai mấy đứa nhỏ học đòi theo những thần tượng bất hảo này”, chị Trịnh Mai Anh (29 tuổi, giáo viên Trường THCS Trương Định, Hà Nội) chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Nhung, giáo viên Trường THPT tại TP Tân An, tỉnh Long An, cho rằng: “Mạng xã hội, kênh chia sẻ video đã và đang là kênh thông tin tác động mạnh tới cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Đây là lứa tuổi có đặc điểm tâm lý và xu hướng thần tượng hóa. Khi giới trẻ thần tượng một cá nhân không phải bởi tài năng mà bởi những hành động đi ngược lại với xã hội, giới trẻ rất dễ có những hành vi bắt chước, thậm chí có những thể hiện manh động hơn”. 

Hiện nay, những trang YouTube sặc mùi giang hồ này còn liên tục được nhận “nút vàng, nút bạc”, là phần thưởng từ YouTube cho những tài khoản đạt hàng trăm, hàng triệu lượt theo dõi. Đây chính là “động lực” để các YouTuber tệ hại trên ngày càng bành trướng. Lo lắng cho giới trẻ và càng lo lắng hơn khi các giá trị văn hóa đang bị đảo lộn.

Tin cùng chuyên mục