Màu áo dân quân trong đại dịch

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, lực lượng vũ trang TPHCM tham gia khắp các mặt trận, góp phần quan trọng cùng thành phố đẩy lùi đại dịch. Trong đó, lực lượng dân quân, những chiến sĩ sao vuông không quản ngại khó khăn, gian khổ, xung kích bám trụ các mặt trận nóng bỏng.

“Không còn bệnh nhân, nhiệm vụ mới hoàn thành”

Trong đợt dịch Covid-19, lực lượng vũ trang TPHCM và Quân khu 7 đã huy động hơn 529.000 lượt dân quân tham gia chống dịch, ngày đêm bám trụ nơi tuyến đầu. Trong số đó, hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ, dân quân bị mắc Covid-19 và một chiến sĩ dân quân hy sinh, cho thấy cuộc chiến chống dịch Covid-19 đầy cam go, khốc liệt với tinh thần “nhiệm vụ chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”.

Hai dân quân Lê Nguyễn Minh Lam và Nguyễn Hữu Rôn vận chuyển oxy cho F0 trong khu cách ly. Ảnh: VĂN MINH
Đã hơn nửa năm, hai dân quân Lê Nguyễn Minh Lam và Nguyễn Hữu Rôn (dân quân cơ động phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) chưa về nhà thăm gia đình, ba mẹ. Cả hai xông xáo trên nhiều mặt trận chống dịch suốt từ tháng 4-2021 đến nay. Giữa tháng 6-2021, phường An Lạc (quận Bình Tân) bị phong tỏa. Cả hai được điều động đến chốt trực phong tỏa. Một tháng sau, các anh được điều động trở lại khu cách ly tại Trường THCS Bình Trị Đông A tham gia chống dịch. “Khi nào nơi đây giải tán thì chúng em mới hoàn thành nhiệm vụ, lúc đó sẽ nghĩ đến chuyện về thăm gia đình”, hai dân quân tâm sự.

Có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng dân quân Nguyễn Hữu Rôn xông xáo không kém đồng đội. Ngày 22-8, anh phát hiện mắc Covid-19. Một tuần sau, xét nghiệm lại cho kết quả âm tính, anh tiếp tục quay lại làm nhiệm vụ. Và đến nay, anh Lam và Rôn vẫn xông pha nơi tuyến đầu cùng y, bác sĩ hỗ trợ, chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19.

Có hơn 13 năm gắn bó với màu áo dân quân, anh Nguyễn Đình Dũng (Khu đội trưởng khu phố 3, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) chia sẻ, chưa lần nào nhiệm vụ nặng nề, cam go, khốc liệt như đợt dịch vừa qua. Hơn nửa năm nay, anh chưa về nhà. Tranh thủ những lúc bớt việc, anh gọi điện hỏi thăm sức khỏe vợ. Vợ anh bị bệnh tim từ nhiều năm qua, cuộc sống gia đình phụ thuộc vào việc bán rau quả của anh. Từ khi dịch bệnh bùng phát, anh tập trung toàn thời gian cùng địa phương chống dịch. “Khi tôi mắc Covid-19, gia đình rất lo lắng. Nhưng là lực lượng gần như tuyến đầu, tôi không để bản thân run sợ. Tôi tự cách ly tại khu phố, theo dõi điều trị. Sau 1 tuần test lại âm tính, tôi tiếp tục công việc”, anh Dũng nhớ lại.

Đến nay, dân quân Đỗ Tiến Phát (dân quân thường trực phường 10, quận Phú Nhuận) và đồng đội vẫn miệt mài với công việc nơi tuyến đầu. Hơn 120 ngày tình nguyện ở lại bệnh viện, chưa một lần anh về thăm nhà. Ngày đăng ký tình nguyện ra tuyến đầu, Phát xác định khi nào bệnh viện không còn bệnh nhân, anh mới hoàn thành nhiệm vụ, về bên gia đình. “Mình là chiến sĩ dân quân với tinh thần vì dân phục vụ, cho nên có cực đến mấy em vẫn không ngại. Em cũng xác định, khi về lại đơn vị, nếu thành phố cần, em sẵn sàng lên đường tiếp”, Phát bày tỏ.

Tô đẹp hình ảnh người lính

Thượng tá Mai Công Tiện, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hóc Môn, cho biết, trong đợt dịch vừa qua, địa phương huy động trên 1.500 dân quân tham gia phòng chống dịch. Lực lượng này có mặt ở khắp mặt trận, bám sát cơ sở. Có những trường hợp mắc Covid-19 nhưng các chiến sĩ vẫn giữ ý chí, tinh thần thép tiếp tục công việc sau khi khỏi bệnh. Nhiều chiến sĩ dân quân hơn nửa năm chưa một lần về nhà, ngày đêm cùng đồng chí, đồng đội bám trụ tuyến đầu. “Chúng tôi luôn động viên, cử người đến hỗ trợ, chia sẻ cùng gia đình để chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ”, Thượng tá Mai Công Tiện cho biết.

Theo Thượng tá Mai Công Tiện, hiện nay, huyện vẫn duy trì lực lượng cùng địa phương triển khai các hoạt động, công tác phòng chống dịch. Cán bộ, chiến sĩ dân quân trên địa bàn huyện vẫn trên tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ để bảo vệ và chăm lo cuộc sống người dân.

Hình ảnh các chiến sĩ sao vuông không quản ngại gian khó, bám chặt tuyến đầu chống dịch luôn trong lòng mọi người. Các anh xông xáo tham gia tuần tra, kiểm soát, hỗ trợ các khu cách ly, khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến; ngày đêm có mặt ở các điểm nóng để hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine, vận chuyển nhu yếu phẩm đến nhà người dân. Hình ảnh người chiến sĩ dân quân còn xuất hiện trang nghiêm, đầy xúc động khi các anh tham gia làm nhiệm vụ lo hậu sự, chuyển tro cốt người mất vì dịch Covid-19 đến thân nhân, gia đình…

Chia sẻ thêm, Trung tá Trịnh Văn Thái, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự Quận Bình Tân, cho biết, trong thời gian tham gia chống dịch, có những chiến sĩ không may có người thân, cha hoặc mẹ qua đời. Dù ở trong thành phố nhưng vì tính chất nhiệm vụ nên không thể về nhà chịu tang, thắp nén nhang. Đến giờ, nhiều chiến sĩ vẫn còn bám trụ trên tuyến đầu chống dịch. “Các đồng chí nén đau thương để hoàn thành nhiệm vụ, vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích bản thân và gia đình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được tổ chức giao, đó là những tấm gương sáng”, Trung tá Trịnh Văn Thái nhận xét.

Theo Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, lực lượng vũ trang thành phố đã huy động hơn 36.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tham gia phòng chống dịch. Tất cả cán bộ, chiến sĩ, dân quân luôn đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết để nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong quá trình làm nhiệm vụ, nhiều cán bộ, chiến sĩ, dân quân không may có người thân qua đời nhưng đã gác lại chuyện riêng, biến đau thương thành hành động để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tin cùng chuyên mục