Mặt trận chung

Trong các cuộc họp trực tiếp lần đầu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các Ngoại trưởng Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) đã dành phiên họp đầu tiên ngày 4-5 để thảo luận về Trung Quốc, vốn đang gia tăng quân sự và ảnh hưởng kinh tế cũng như sẵn sàng dùng sức ảnh hưởng để làm suy yếu các nền dân chủ phương Tây.
Ngoại trưởng các nước G7 tham dự Hội nghị trực tiếp đầu tiên sau 2 năm. Ảnh: PA
Ngoại trưởng các nước G7 tham dự Hội nghị trực tiếp đầu tiên sau 2 năm. Ảnh: PA

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là duy trì trật tự dựa trên luật lệ quốc tế mà các quốc gia đã đầu tư rất nhiều trong nhiều thập kỷ vì lợi ích không chỉ công dân Mỹ mà còn của mọi người trên toàn thế giới”. Theo nguồn tin quan chức cấp cao của Mỹ, sau phiên họp này, sự đồng thuận giữa các nước G7 trong các vấn đề về Trung Quốc hay các vấn đề khác đưa ra bàn thảo là rất cao. Trong phiên thảo luận, ngoại trưởng các nước G7 đồng loạt lên tiếng cảnh báo về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, cũng như chính sách kinh tế ép buộc của Bắc Kinh đối với các quốc gia khác. Cũng theo quan chức Mỹ, phiên họp của ngoại trưởng các nước G7 không tập trung vào việc phối hợp hành động mà hướng trọng tâm vào việc thiết lập mặt trận chung của các nước cùng chí hướng nhằm đối phó với Trung Quốc.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh đến việc đảm bảo “Bắc Kinh tuân theo các cam kết mà họ đã đưa ra” và kêu gọi tìm kiếm cách thức làm việc với Trung Quốc hợp lý và tích cực nếu có thể, chẳng hạn như vấn đề biến đổi khí hậu. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, rất nhiều công việc đang chờ đợi các nước G7. Theo ông Maas, đã đến lúc ngoại trưởng các nước G7, với tư cách là cộng đồng các giá trị, phải tỏ rõ vai trò của mình, bởi trong thời điểm chỉ có những cuộc gặp trực tuyến do đại dịch Covid-19 thì “những quốc gia khác” đã cố gắng định hình lại trật tự toàn cầu “theo các giá trị hoàn toàn khác” và việc vi phạm các quy tắc trở thành điều bình thường. Ngoại trưởng Maas kêu gọi chống lại những điều này dựa trên các giá trị dân chủ, nhà nước pháp quyền, nhân quyền và trật tự thế giới.

Theo Reuters, G7 cũng đang hướng đến việc thu hút các đồng minh mới nhằm đối phó thách thức từ Trung Quốc. Nước chủ nhà Anh đã mời các vị khách, trong đó có cả Ấn Độ, Hàn Quốc và Australia tới hội đàm ở trung tâm thủ đô London. Ngoại trưởng Anh D.Raab phát biểu về việc xây dựng các liên minh: “Tôi nhận thấy nhu cầu gia tăng về những nhóm các quốc gia có cùng tư tưởng, chia sẻ các giá trị và bảo vệ hệ thống đa phương. Chúng ta có thể thấy xu hướng này đủ để làm việc cùng nhau”.

Tin cùng chuyên mục