Mặt trái làng nghề và cụm công nghiệp làng nghề - Bài 3: Giải quyết ô nhiễm môi trường cần linh hoạt và căn cơ

Việc nhiều địa phương tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại các làng nghề bằng việc xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, cũng như giải quyết được phần nào tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đường làng, ngõ xóm ở xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) tràn ngập bụi bẩn và phế liệu
Đường làng, ngõ xóm ở xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) tràn ngập bụi bẩn và phế liệu

Để các cụm công nghiệp làng nghề và bản thân các làng nghề phát triển bền vừng và giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường, cần phải thêm nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện hơn. 

Phải bảo vệ môi trường

 Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia được Bộ TN-MT công bố vào cuối năm 2021, cả nước hiện có 4.575 làng nghề, trong đó có 1.951 làng nghề được công nhận. Bên cạnh những đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, thì vấn đề ô nhiễm môi trường tại nhiều nơi vẫn rất nan giải.

Hiện nay, chỉ có khoảng 20% số làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu bảo vệ môi trường và gần 80% số làng nghề chưa có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp. Nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề phát sinh chủ yếu từ việc sử dụng than, dầu làm nhiên liệu, sử dụng hóa chất trong dây chuyền công nghệ sản xuất. Trong đó, những nơi tái chế nhựa, kim loại gây ô nhiễm nhiều nhất. 

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, trong số các làng nghề cả nước, 60% tập trung khu vực phía Bắc, miền Trung chiếm khoảng 23,6% và miền Nam chiếm khoảng 16,6%. Phần lớn các làng nghề phát triển theo hình thức tự phát nên tình trạng ô nhiễm môi trường luôn hiện hữu khi có khoảng 45% số làng nghề bị ô nhiễm nặng, 27% làng nghề ô nhiễm vừa. Do sự gia tăng ô nhiễm tại các làng nghề nên người dân ở các làng nghề chính là nạn nhân với nhiều bệnh tật có xu hướng gia tăng...

Để khắc phục những bất cập về môi trường, nhiều địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật môi trường, hoàn thiện chính sách pháp luật bảo vệ môi trường. Đồng thời, ban hành nhiều đề án, dự án phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề, di chuyển các cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp làng nghề với cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết hợp với thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường. Nhưng thực tế kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường, các làng nghề cần phải xây dựng quy hoạch làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Đây là giải pháp quan trọng nhất vì đa số làng nghề đều ở khu vực đông dân cư, dẫn đến khó mở rộng sản xuất, đồng thời ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến người dân nặng nề hơn.

Vì vậy, các địa phương cần sớm có quy hoạch làng nghề để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực dân cư. Hơn nữa, không nên căn cứ vào quy mô làng nghề, làng nghề truyền thống hay mới hình thành, mà cần dựa vào loại hình sản xuất để có cơ sở đưa các loại hình công nghệ, kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm khả thi. 

Theo ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, để đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, phục hồi chất lượng môi trường, nhất là môi trường làng nghề, thì nhiệm vụ hàng đầu là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò của môi trường; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, công khai, minh bạch thông tin và đẩy mạnh sự giám sát của cộng đồng.

Cần hỗ trợ đầu tư về hạ tầng

Đối với việc phát triển các cụm công nghiệp làng nghề, ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương), cho biết, cả nước hiện có 968 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 31.000ha. Đến nay, các cụm công nghiệp đã thu hút được khoảng 13.500 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 580.000 lao động. Theo định hướng đến năm 2025, cả nước có hơn 1.704 cụm công nghiệp, với tổng diện tích đất khoảng 58.123ha.

Tuy nhiên, việc phát triển cụm công nghiệp ở các địa phương hiện còn nhiều bất cập như: địa phương vẫn chưa lập quy hoạch cụm công nghiệp, hoặc chậm điều chỉnh quy hoạch tổng thể; chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đủ mạnh để hoàn thiện đầu tư hoặc thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng; vấn đề môi trường chưa được cải thiện rõ rệt… Những bất cập, hạn chế này chủ yếu là do các địa phương còn thiếu sâu sát, nhất là việc thực thi pháp luật, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với cụm công nghiệp chưa tốt. 

Để tăng cường hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị chức năng và địa phương phải rà soát, đánh giá lại các quy định tại Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quy mô diện tích cụm công nghiệp, điều kiện tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư các cụm công nghiệp trên địa bàn, đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tập trung hoàn thành công trình xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp theo quy định về bảo vệ môi trường. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay là làm sao xử lý được vấn đề môi trường. Vì vậy, theo Bộ Công thương, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường, nhất là xử lý nước thải.

Bộ Công thương sẽ yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ, đúng quy định đối với phát triển cụm công nghiệp, từ khâu lập phương án phát triển cụm công nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh; thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng đến hoạt động của các cụm công nghiệp; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp và xử lý dứt điểm đối với cụm công nghiệp hoạt động nhưng không chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.

GS-TS ĐẶNG KIM CHI, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam:
Việc di dời các cơ sở sản xuất tập trung nhỏ lẻ trong làng nghề ra cụm công nghiệp làng nghề gặp không ít trở ngại, kể cả việc phê duyệt chuyển đổi quỹ đất từ đất nông nghiệp, hay đất chuyên dùng làm cụm công nghiệp. Và, không phải loại hình làng nghề nào cũng thích hợp với quy mô tập trung kiểu này, đặc biệt với các làng nghề truyền thống. Để các làng nghề phát triển bền vững, cần thiết phải có các biện pháp đồng bộ từ chính sách tới giải pháp như: quy hoạch lại không gian sản xuất, tổ chức tốt quy trình sản xuất, vệ sinh môi trường thôn, xóm, tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và an toàn lao động. Đặc biệt, các biện pháp xử lý chất thải chỉ có thể khả thi khi đầu tư thấp, dễ vận hành, phù hợp với thực tế làng nghề.
Ông LÊ TUẤN ĐỊNH, Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội: 
Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2023 sẽ hoàn thành công tác rà soát, đánh giá, phân loại mức độ, khắc phục ô nhiễm môi trường đối với 100% làng nghề đã được công nhận trên địa bàn và bảo đảm các tiêu chí về môi trường theo quy định. Tuy nhiên, để bảo đảm xử lý ô nhiễm môi trường một cách căn cơ, đòi hỏi sự nỗ lực vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền cơ sở và bản thân người dân các làng nghề. Các địa phương cần lập, trình UBND cấp huyện phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề, đặc biệt là đối với những làng nghề ô nhiễm và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 
Ông ĐÀO QUANG KHẢI, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh:
Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá là cụm công nghiệp ô nhiễm môi trường trầm trọng nhất Bắc Ninh hiện nay, không chỉ ô nhiễm không khí mà còn ô nhiễm chất thải. Tuy nhiên, muốn xử lý tình trạng trên không chỉ một sớm một chiều mà cần có lộ trình, phù hợp thực tiễn, có tính khả thi. Đối với dự án thu gom, vận chuyển xử lý rác thải rắn tại Văn Môn, tỉnh đã yêu cầu Sở Xây dựng và huyện Yên Phong phối hợp với Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) sớm xây dựng, tính đơn giá để xử lý rác thải. Chủ đầu tư cụm công nghiệp Mẫn Xá tập trung rà soát diện tích đất đã cho thuê, yêu cầu các hộ thuê đất và chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết; đồng thời rà soát, công khai toàn bộ dự toán đầu tư cụm công nghiệp, từ đó tuyên truyền cho nhân dân tạo sự đồng thuận.
Ông LƯU DUY DẦN, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề:
Những nơi ô nhiễm nặng chủ yếu là những làng có nghề tái chế. Đời sống của hàng triệu người dân trông đợi những quyết sách sát thực tế, hiệu quả và sự vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm của các cơ quan chức năng để trả lại giá trị đích thực cho làng nghề truyền thống, cũng như kiểm soát tốt tình trạng ô nhiễm, bảo đảm chất lượng sống cho người dân địa phương.

Tin cùng chuyên mục