Mất nửa tỷ đồng vì nghe cuộc điện thoại của "cán bộ công an"

Nghe cuộc điện thoại của người xưng là "cán bộ công an", một người đàn ông ở quận Tân Phú, TPHCM cả tin đã sập bẫy của kẻ lừa đảo mất nửa tỷ đồng. Trước đó, nhiều người dân khác ở TPHCM cũng sập bẫy kẻ lừa đảo với chiêu thức mạo danh "cán bộ công an", "Viện kiểm sát"... hù doạ để chiếm đoạt tài sản

Ngày 21-3, Công an TPHCM đang điều tra xác minh làm rõ vụ maọ danh "cán bộ công an" để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá nửa tỷ đồng của anh N.V.A. (ngụ quận Tân Phú).

Mất tiền tỷ từ những cuộc gọi của "cán bộ công an"

Anh N.V.A. cho biết, ngày 16-3, anh đang ở nhà thì nhận được cuộc điện thoại gọi đến từ đầu số +800.692… và anh bắt máy. Đầu dây bên kia tự xưng là "cán bộ công an" và nói anh A. có liên quan đến đường dây tội phạm.

"Cán bộ công an" này yêu cầu anh A. phải chuyển tiền để xác minh làm rõ. Nếu anh A. không liên can thì sẽ trả lại. Đồng thời, cán bộ công an còn cung cấp số tài khoản ngân hàng để anh A. có thể chuyển tiền kiểm tra.

Vì lo sợ nên anh A. đã chuyển nửa tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng do Hồ Thị Ngọc Huyền đứng tên. Sau đó, anh A. phát hiện mình bị lừa nên đã tới công an trình báo.

Trước đó, ông B.A.K. (ngụ TPHCM) đang ở nhà thì nhận được cuộc điện thoại của 1 người đàn ông. Người này tự giới thiệu là công an đang điều tra 1 vụ án về đường dây tội phạm rửa tiền quốc tế liên quan đến ông K.. Khác với thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo trước đây là yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của chúng để kiểm tra thì cán bộ công an này dùng cách khác.

Theo đó, "cán bộ công an" này yêu cầu ông K. đến một ngân hàng có chi nhánh ở Bình Tây mở tài khoản mới mang tên ông. Tuy nhiên, "cán bộ công an" yêu cầu ông này đăng ký sử dụng vụ Internet Banking bằng số điện thoại cán bộ cung cấp. Với chiêu thức này, các đối tượng khiến nạn nhân mất cảnh giác do nghĩ tài khoản là của mình đứng tên nên khi chuyển tiền vào sẽ không sao.

Khi ông K. mở xong tài khoản, chúng yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản mà ông này mở để "kiểm tra". "Cán bộ công an" này còn nói nếu không có liên can tới đường dây tội phạm thì sẽ trả lại trong vòng 1 ngày.

Do tin tưởng, ông K. đã chuyển gần 1 tỷ đồng vào tài khoản của mình mới mở. Tiếp sau đó, cán bộ công an yêu cầu ông K. chuyển thêm gần 150 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng khác mang tên Lê Văn Hợp mở tại một ngân hàng có chi nhánh Tân Bình để làm chi phí nhận lại số tiền gần 1 tỷ ông chuyển trước đó. Ông K. sau khi chuyển vào 2 tài khoản trên thì các đối tượng sử dụng dịch vụ Internet Banking chuyển tiền qua tài khoản khác rồi chiếm đoạt.

Tương tự như hành vi này, ông L.V.C. (ngụ TPHCM) cũng bị lừa đảo chiếm đoạt gần 700 triệu đồng. "Cán bộ công an" cũng yêu cầu chuyển khoản vào tài khoản đứng tên Lê Văn Hợp mở tại một ngân hàng có chi nhánh tại TPHCM. Sau khi ông Cung chuyển thì nhóm rút tiền chiếm đoạt.

Bà L.T.T.T. (ngụ quận Thủ Đức) cũng bị "cán bộ công an" hù doạ chuyển gần 2 tỷ đồng và 2 số tài khoản chúng yêu cầu. Hai tài khoản này được các đối tượng sử dụng Internet Banking chuyển đến các tài khoản mang tên Trương Thị Thanh và Đinh Văn Quý để chiếm đoạt.

Qua xác minh, những người đứng tên các tài khoản nhận tiền là : Lê Văn Hợp (SN 1989, ngụ xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), Trương Thị Thanh (SN 1983, ngụ phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM) và Đinh Văn Quý (SN 1947, ngụ phường An Lạc A, quận Bình Tân, TPHCM). Hiện những người này đã rời khỏi nơi cư trú đi đâu không ai rõ.

Cảnh giác từ những cuộc điện thoại “lạ”

Đại diện Phòng Cảnh sát Hình Sự (PC02), Công an TPHCM cho biết thời gian qua có rất nhiều nạn nhân bị lừa với những chiêu thức tương tự. Dù thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại không mới, song vẫn có không ít người mắc bẫy, dễ dàng chuyển tài sản mà cả đời mình tích cóp cho bọn tội phạm chỉ với một cuộc điện thoại.

Những kẻ lừa đảo trong nước và nước ngoài lấy trộm thông tin cá nhân rồi lập những tổng đài số giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi đến các nạn nhân hù dọa họ dính líu đến các vụ vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để xác minh. Nếu nạn nhân chậm chuyển tiền thì bọn chúng sẽ gửi những lệnh giả của công an, viện kiểm soát khiến nạn nhân sợ, chuyển tiền ngay.

Sau khi các nạn nhân mắc bẫy, số tiền này sẽ chuyển ngay sang nhiều tài ngân hàng khác nhau rồi chuyển ra nước ngoài gây khó khăn trong việc điều tra. Một số thủ đoạn của tội phạm lừa đảo công nghệ cao như lừa đảo qua các trang mạng xã hội, gọi điện thoại giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa đảo qua các giao dịch thương mại điện tử, mua bán, trộm cắp, sử dụng thông tin thẻ tín dụng của người khác để chiếm đoạt tài sản...

Công an từng nhiều lần khuyến cáo người dân cảnh giác việc kết bạn qua các trang mạng xã hội, hạn chế hoặc không đăng tải thông tin cá nhân, gia đình lên các trang mạng, cảnh giác với những đường links lạ trên mạng hoặc web thông báo trúng thưởng,…

Phòng PC02 khẳng định nếu người dân phạm tội thì công an và viện kiểm sát cũng sẽ mời lên trụ sở làm việc theo đúng trình tự pháp luật, người dân cảnh giác, tránh mất tiền vào tay kẻ xấu.

Bên cạnh đó, Phòng PC02 khuyến cáo với các phụ nữ nhẹ dạ cả tin, kết bạn qua mạng xã hội. Kẻ xấu thường dùng chiêu thức gửi quà về Việt Nam, yêu cầu các nạn nhân đóng tiền bảo lãnh trước dẫn đến bị lừa.

Tin cùng chuyên mục