Mất cân bằng giới tính: Hệ lụy khôn lường

Mặc dù trong suốt một thập niên qua Việt Nam đã có nhiều tiến bộ về bình đẳng giới, nhưng đáng lo ngại là việc lựa chọn giới tính thai nhi trên cơ sở định kiến giới tiếp tục tồn tại dai dẳng trong xã hội. Thực trạng này đang dẫn tới nhiều hệ lụy về xã hội và dân số, nhất là tình trạng mất cân bằng giới tính. 

Đe dọa sự ổn định dân số

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, tình trạng mất cân bằng giới tính ở nước ta tiếp tục ở mức đáng lo ngại. Tỷ số giới tính khi sinh (SRB phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra) thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống, nhưng SRB của Việt Nam có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay.

Cụ thể, SRB năm 2019 vẫn ở mức cao là 111,5 bé trai/100 bé gái, còn năm 2018 chỉ số này là 114,8 bé trai/100 bé gái. Kết quả điều tra cũng cho thấy, SRB của khu vực thành thị thấp hơn nông thôn, tương ứng là 110,8 và 111,8 bé trai/100 bé gái. SRB giữa các vùng có sự chênh lệch đáng kể, trong đó SRB cao nhất ở đồng bằng sông Hồng (115,5 bé trai/100 bé gái) và thấp nhất ở đồng bằng sông Cửu Long (106,9 bé trai/100 bé gái).

Sự khác biệt của SRB giữa khu vực thành thị và nông thôn thuộc đồng bằng sông Hồng cũng cao nhất cả nước. SRB của trung du và miền núi phía Bắc năm 2009 là 108,5 bé trai/100 bé gái, tăng lên 114,2 bé trai/100 bé gái năm 2019. SRB của đồng bằng sông Hồng năm 2009 là 115,3 bé trai/100 bé gái, tăng nhẹ lên 115,5 bé trai/100 bé gái năm 2019.

Mất cân bằng giới tính: Hệ lụy khôn lường ảnh 1 Bác sĩ tư vấn cho thai phụ để đảm bảo thai kỳ an toàn. Ảnh: THÀNH AN
Theo nhận định của các chuyên gia dân số, bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của SRB chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ ý và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa sự ổn định dân số của quốc gia và toàn cầu.

Lý giải về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là do một số nguyên nhân như: Sự ưa thích sinh con trai trong bối cảnh giảm sinh, văn hóa Nho giáo với phong tục về việc mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên; đánh giá thấp giá trị của nữ giới trong gia đình và xã hội tại mỗi vùng, miền; việc tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng hơn trong lựa chọn giới tính thai nhi khi mang thai hoặc chẩn đoán giới tính thai nhi dẫn tới nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính.

Thiếu hụt trẻ sơ sinh gái

Trong công bố mới đây về Báo cáo Thực trạng dân số thế giới năm 2020, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) cũng cảnh báo những hệ lụy rất đáng lo ngại về tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam. Theo đó, với tỷ số SRB hiện nay, UNFPA ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.

Không chỉ có Việt Nam, báo cáo của UNFPA cũng cảnh báo các quốc gia cần thiết phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và những thực hành làm tổn hại tới phụ nữ và trẻ em gái. Bởi lẽ, mỗi năm thế giới có hàng triệu trẻ em gái là nạn nhân của các hành vi có hại làm ảnh hưởng tới cả thể chất và tinh thần.

TS Natalia Kanem, Giám đốc điều hành của UNFPA, bày tỏ: “Những hành động, hành vi có hại đối với trẻ em gái gây ra những sang chấn sâu sắc và dai dẳng, cướp đi của các em quyền được phát triển hết tiềm năng của mình”.

Năm 2020, UNFPA ước tính, thế giới có tới 33.000 trẻ em gái dưới 18 tuổi sẽ bị ép buộc kết hôn với những người chồng thường lớn hơn các em nhiều tuổi. Ngoài ra, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái tại một số quốc gia đã tiếp tay cho sự phát triển của vấn nạn lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, cũng như xao nhãng, thiếu quan tâm trẻ em gái, dẫn đến cái chết của nhiều trẻ em gái và sự “thiếu hụt” tới 140 triệu nữ giới trên toàn cầu.

Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đã chỉ rõ: “Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng”. Đồng thời, nghị quyết cũng đặt mục tiêu “đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”, cụ thể là tới năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh sẽ là dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.

Đối với Việt Nam, bình đẳng giới luôn là mục tiêu và động lực cho sự phát triển bền vững, nhưng do chịu ảnh hưởng nặng nề của quan niệm Nho giáo nên những quan niệm bất bình đẳng giới (trọng nam hơn nữ, sính con trai hơn con gái) vẫn còn nhiều, làm gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Do vậy, trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đang được các bộ ngành chức năng xây dựng để trình Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên là rất quan trọng và được ưu tiên hàng đầu.

Trong khi đó, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho rằng để thúc đẩy bình đẳng giới và đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thì nam giới cần đóng vai trò đặc biệt.

“Tôi kêu gọi nam giới tại Việt Nam hãy nâng cao giá trị của trẻ em gái và yêu cầu đối xử bình đẳng, quyền bình đẳng cho trẻ em gái. Chúng tôi đặc biệt cần nam giới và trẻ em trai góp sức thực hiện nỗ lực này”, bà Naomi Kitahara nhấn mạnh và khẳng định cam kết tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam chấm dứt bất bình đẳng giới, xóa bỏ tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới vì thế hệ tương lai của chúng ta. 

Tin cùng chuyên mục