Mập mờ xuất xứ nông sản

Những ngày qua, nhiều tài khoản Facebook rao bán hạt điều Bình Phước vào mùa vụ với giá rất “mềm”, chỉ 100.000 đồng cho 3kg loại rang muối, cháy tỏi; 1,5kg đối với loại còn vỏ lụa… Thấy rẻ hơn so với thị trường, nhiều người sau khi mua về sử dụng mới phát hiện hạt có mùi vị rất lạ và xốp.
Trái cây có nguồn gốc rõ ràng trong siêu thị
Trái cây có nguồn gốc rõ ràng trong siêu thị

Lợi dụng thương hiệu uy tín

Sau một ngày đặt mua hàng qua Facebook, chị Đào Lê Nguyễn đã nhận được 3kg hạt điều rang giá thanh lý rất rẻ. Sản phẩm đựng trong hộp nhựa, bên ngoài dán bao bì, nhãn mác rất đẹp nhưng không có thương hiệu. Mở nắp hộp, hạt điều có màu thâm đen, có hạt bị rỗng giống như bị “mọt” ăn; khi ăn vào hạt rất xốp, chỉ cảm nhận được toàn mùi muối. Gọi điện thoại phản ánh nhưng không có người nghe. “Do thấy rẻ hơn giá thị trường gấp 5 lần và tin vào lời rao là hạt điều đang vào vụ nhưng không xuất khẩu được nên thanh lý giá rẻ… tôi đặt mua. Ai ngờ, chất lượng tệ thế này!”, chị Đào Lê Nguyễn kể.

Qua xác minh của Hội Điều Bình Phước, nguồn gốc loại hạt điều nói trên không phải của Bình Phước, mà là hạt điều nhập khẩu của vụ cũ đã kém chất lượng. Những hạt điều này thường bị sâu, mốc nhân trong, nhăn teo, không còn mùi vị đặc trưng của nhân điều nên phải bỏ nhiều gia vị như muối, cháy tỏi... Ngoài ra, sản phẩm không có nhãn mác, không ghi thông tin sản phẩm, không có hạn sử dụng, do vậy không có cơ sở truy xuất nguồn gốc người chế biến để chịu trách nhiệm với người tiêu dùng về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tình trạng mập mờ xuất xứ còn xảy ra ở nhiều loại nông sản khác. Mới đây, dâu tây Trung Quốc được vận chuyển lên Lâm Đồng rồi đóng mác dâu Đà Lạt để tiêu thụ. Người buôn, chỉ vì ham lợi (do dâu tây Trung Quốc khi “đội lốt” dâu Đà Lạt giá bán cao gấp nhiều lần) nên nhập về bán tràn lan ở các chợ, từ TPHCM đến các tỉnh. Không chỉ dâu tây, Đà Lạt còn nhiều sản phẩm bị nhái thương hiệu như cà rốt, khoai tây, cải thảo… Theo Chi cục Trồng trọt Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, lô dâu tây Trung Quốc nhập vào TP Đà Lạt có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gấp 3 lần cho phép.

Hoạt chất dư là Abamectin được xếp vào nhóm độc 2, không được phép sử dụng trong các loại rau, củ, quả. Nếu phải sử dụng hoạt chất này thường xuyên, người dùng sẽ bị ngộ độc. Nếu dùng quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, hệ thần kinh… Hay trước đó, một công ty đã quảng cáo trong một chương trình trên đài truyền hình, mỗi tháng bán được hơn 300kg tỏi Lý Sơn. Sự thật bị “khui” khi lãnh đạo huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) thông tin lên báo chí, một năm chỉ sản xuất hơn 500kg tỏi Lý Sơn thì làm sao doanh nghiệp này có 300kg để bán một tháng!

Phải công khai niêm yết sản phẩm

Hiện nay, nông sản Trung Quốc thường được tiểu thương trộn lẫn với sản phẩm Việt Nam, hoặc nhái thương hiệu nước ngoài. Ghi nhận tại chợ truyền thống, chợ tự phát, phần lớn các sạp bán nông sản đều không có bảng thông tin xuất xứ hàng hóa, giá tiền. Khi người mua hỏi sản phẩm có nguồn gốc ở đâu, người bán chỉ trả lời chung chung là hàng Việt Nam. Theo các chuyên gia, sản phẩm Trung Quốc thường có độ to đồng đều, màu sắc đẹp, được đóng gói bao bì, có thể để được trong thời gian dài. Ngược lại, sản phẩm Việt Nam không đồng đều kích thước, vỏ bên ngoài xấu, thời gian bảo quản không được lâu. Do đó, người mua thường khó phân biệt được.

Đại diện Ban quản lý chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Thủ Đức cho hay, toàn bộ nông sản vào chợ đều có giấy tờ, niêm yết công khai sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ. Vị này cũng thừa nhận, nếu mang so sánh sản phẩm Trung Quốc với Việt Nam thì giống nhau đến 80%-90%, chỉ khác một chút về màu sắc, hương vị bên trong, nhưng những điều này chỉ có người “trong nghề” mới biết. Đối với trái cây Trung Quốc và sản phẩm nhập khẩu có thể giống gần 90%-95%, chỉ có thể ăn vào mới phân biệt được như táo, cherry, lê, kiwi…

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam, nhận định, khi tiểu thương chợ lẻ lấy hàng tại chợ đầu mối đều được người bán công khai rõ ràng nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Còn khi sản phẩm về chợ truyền thống, chợ tự phát thì người bán thường “mập mờ” nguồn gốc xuất xứ, nhằm đánh lận con đen với người mua. Để quản lý, các tiểu thương kinh doanh tại chợ truyền thống phải bắt buộc bảng niêm yết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, giá thành… giống như hệ thống siêu thị. Quy định này sẽ hạn chế việc gian lận xuất xứ; mặt khác, cơ quan quản lý có thể dễ dàng kiểm tra. Cần có hình thức xử phạt nặng đối với các trường hợp cố tình gian lận, giả mạo như xử phạt, buộc đóng cửa có thời hạn… Riêng mảng kinh doanh online, việc kiểm tra khó khăn hơn, vì vậy người tiêu dùng mua hàng qua mạng cần cẩn trọng, đừng ham giá rẻ mà mua phải thực phẩm kém chất lượng, có hại cho sức khỏe chính mình 
và gia đình.

Tin cùng chuyên mục