Mập mờ quản lý chất filler

Đã có rất nhiều ca biến chứng do tiêm chất làm đầy (filler), thậm chí có những ca tử vong, song nhiều người vẫn tiếp tục chọn công nghệ làm đẹp này. Trong khi đó, đến nay vẫn chưa có quy định rõ ràng trong việc kiểm soát sản phẩm này, khiến thị trường filler vẫn thật giả lẫn lộn. 

Silicon “đội lốt” filler  

Mặc dù đã được cảnh báo khá nhiều nhưng số lượng ca nhập viện do hoại tử, thậm chí tử vong, do tiêm filler vẫn liên tục tăng.

Theo PGS-TS Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, BV thường tiếp nhận những trường hợp tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc, hoặc kỹ thuật tiêm có vấn đề nên bị hoại tử da, bắt buộc phải rạch da xử lý nên để lại sẹo mất thẩm mỹ.

Nhiều ca nhập viện do các cơ sở tiêm silicon lỏng - một loại chất làm đầy có nhiều phản ứng tác dụng phụ, biến chứng, đã bị cấm từ năm 1990, nhưng được “phù phép hóa”, mạo danh thành filler để đánh lừa khách hàng.

“Các thẩm mỹ viện chui, spa tìm cách tư vấn cho khách hàng tiêm mỡ nhân tạo, hoặc filler, nhưng lại đánh tráo bằng silicon lỏng trôi nổi với giá rẻ để trục lợi”, ông Đỗ Quang Hùng cho hay.

Mập mờ quản lý chất filler ảnh 1 Nhan nhản các trang quảng cáo bày bán filler trên những trang mạng xã hội 
Còn theo bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, BV Thẩm mỹ JW, filler được phát minh ra để thay thế cho silicon lỏng, có thành phần chính là acid Hyuluranide, là chất làm đầy khá an toàn và tự tiêu trong 6 - 12 tháng.

Tuy nhiên, có những chất làm đầy sử dụng thêm một số hoạt chất khác nên có thể tiêu chậm 2 - 3 năm, thậm chí 5 năm. Đây là chất tiêm làm đẹp khá an toàn nếu sản phẩm chất lượng tốt và được tổ chức y tế, y khoa trên thế giới công nhận.

Biến chứng của filler tuy hiếm gặp nhưng nếu có thì sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát, nhất là khi được thực hiện bởi các kỹ thuật viên thiếu tay nghề, không có giấy phép.

Thực tế, hiện nay vẫn tồn tại nhiều cơ sở thẩm mỹ chưa có giấy phép, không có bác sĩ, đôi khi chỉ là thợ cắt tóc, làm móng... thực hiện tiêm, gây biến chứng.

BV Thẩm mỹ JW gần đây gặp nhiều trường hợp tiêm filler vào gây hoại tử và thủng đầu mũi, filler đóng cục ở vùng mí mắt dưới. Đặc biệt, có rất nhiều người bị lừa là bơm mỡ nhân tạo nhưng thực chất là bơm silicon vào ngực, má, mông.

Trong 3 tháng qua, BV đã nạo silicon bị bơm vào ngực cho 4 trường hợp. Mới nhất, BV tiếp nhận một trường hợp bơm mỡ nhân tạo vào vùng kín phụ nữ (thực chất là silicon) khiến vùng kín biến dạng, lợn cợn, gây đau khó chịu cho khách hàng.

Khoảng trống trách nhiệm

Với ưu điểm làm đẹp nhanh chóng, giá rẻ và không gây đau đớn, nên hình thức thẩm mỹ với filler đang là xu hướng được rất nhiều chị em ưa chuộng. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều cơ sở thẩm mỹ mọc lên thực hiện tiêm filler khi chưa được cấp phép hay đào tạo.

Ngay trên các trang mạng xã hội hay website rao vặt, dịch vụ buôn bán filler là mảnh đất màu mỡ khi chủ hàng nhập khẩu với giá rẻ rồi bán ra với giá khá cao.

Những thùng filler được rao bán tràn lan trên Facebook đi kèm cả bảng giá. Người mua chỉ cần một cú click chuột sẽ có hàng trăm địa chỉ, vừa bán vừa thực hiện tiêm filler cho khách. 

Thực tế hiện nay cho thấy, vẫn còn sự chồng chéo trong công tác phối hợp quản lý của các ban ngành đối với các cơ sở làm đẹp trái phép, vượt phép, cũng như các công ty, hãng dược cung cấp tràn lan các sản phẩm kém chất lượng, chưa được kiểm định.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ Trang thiết bị y tế (Bộ Y tế), tùy theo mặt hàng, chất lượng, công dụng của chất filler mà do vụ này hay Cục Quản lý dược quản lý.

Vụ Trang thiết bị y tế chỉ quản lý những chất đã được cấp phép, được chứng minh sử dụng an toàn trên con người; còn những chất làm giả, trộn silicon hay những chất filler trôi nổi bên ngoài thì do Cục Quản lý Dược quản lý.

Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ thì ông Đỗ Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược, trả lời rằng chất filler do Vụ Trang thiết bị y tế quản lý (!?). 

Đều là những cơ quan quản lý trực thuộc Bộ Y tế song quả bóng trách nhiệm ở đây cứ đẩy qua đẩy lại, trong bối cảnh số ca nhập viện do biến chứng tiêm filler không ngừng tăng.

Như vậy, câu hỏi “ai quản lý mặt hàng này, bộ hay địa phương, và xử lý ra sao khi phát hiện sai phạm trong tiêm chất filler tại các cơ sở thẩm mỹ” vẫn chưa có lời giải đáp.

“Bất cứ cái gì tiêm vào cơ thể thì phải hết sức cẩn thận, phải tìm hiểu rõ ràng sản phẩm, đến gặp bác sĩ có tay nghề, có giấy phép là tốt nhất, phải được tư vấn kỹ và nhìn thấy sản phẩm. Không nên tiêm quá nhiều, tiêm nhiều lần vào bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Khi sử dụng, đối với các đơn vị nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Y tế và được Hải quan thông quan; còn đối với cơ sở sử dụng filler thì phải có giấy phép sử dụng, bác sĩ phải có tay nghề và chứng minh được rằng có thể thực hiện an toàn cho khách hàng”.

                                                               Bác sĩ NGUYỄN PHAN TÚ DUNG

Tin cùng chuyên mục