Mạnh tay xử lý ô nhiễm tiếng ồn

Hát karaoke, nghe nhạc là nhu cầu giải trí chính đáng của người dân, tuy nhiên phải đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật. Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi 2020) đã có quy định về hành vi bị cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hộ gia đình và cá nhân.

Giảm nhưng vẫn còn phức tạp

Sau 4 tháng triển khai các biện pháp xử lý hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn TPHCM, thực tế cho thấy tình trạng đã có nhiều chuyển biến. Dạo một vòng quanh các tuyến đường hay xuất hiện các loa kẹo kéo hát karaoke ầm ĩ trước các nhà hàng ăn uống, bán đồ gia dụng, thiết bị điện tử ở đường Trần Não (TP Thủ Đức), Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, 3), nay đã không còn nữa.

Tình trạng hát karaoke tại hộ gia đình cũng giảm nhiều. Nếu như trước kia, ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ hay giãn cách xã hội là dịp để các các ca sĩ nghiệp dư thi nhau “tra tấn” hàng xóm thì nay cũng ít hơn.

Theo phản ánh của người dân khu phố 4 (phường An Khánh, TP Thủ Đức), trước đây họ luôn phải đau đầu bởi sự “tra tấn” của hàng xóm khi nhà này hát karaoke suốt ngày, nay tình trạng này đã không còn. Người dân cảm thấy thanh bình và yên ắng hơn. Tuy nhiên, nhiều khu phố còn xuất hiện tình trạng xe đẩy, người bán hàng rong, thu mua đồ cũ gây âm thanh khó chịu. Người dân ở khu vực Bàn Cờ (quận 3) cũng cho biết, từ khi thành phố đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm tiếng ồn, tình trạng hát karaoke bằng loa kẹo kéo đã giảm đi nhiều.

Mạnh tay xử lý ô nhiễm tiếng ồn ảnh 1 Các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn sẽ bị xử lý nghiêm. Ảnh: CAO THĂNG

Theo chia sẻ của một số số quận, huyện, mặc dù địa phương đã nỗ lực ra quân tuyên truyền và xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn, song tình trạng này vẫn còn phức tạp bởi nhiều nguyên nhân.

Theo UBND quận Bình Thạnh, mặc dù đã triển khai với nhiều hình thức như treo băng rôn, khẩu hiệu, panô, tờ rơi; đưa nội dung tuyên truyền lên bảng tin; thông tin qua các cuộc họp tổ dân phố, nhưng ý thức của một bộ phận người dân vẫn chưa cải thiện trong việc tổ chức tiệc tùng, hoạt động ca hát, giải trí đảm bảo sự yên tĩnh chung; một số cơ sở vẫn vi phạm quy định về tiếng ồn dù đã được kiểm tra, nhắc nhở. Thời gian qua, quận Bình Thạnh đã tổ chức kiểm tra 262 cơ sở có nguy cơ phát sinh vi phạm về tiếng ồn; xử lý vi phạm an ninh trật tự, tiếng ồn 35 trường hợp, số tiền xử phạt 7 triệu đồng (theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP).

Theo UBND quận 3, hiện có 2 quy định xử phạt hành chính về tiếng ồn là Nghị định 155/2016 (NĐ 155) quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định 167/2013 (NĐ 167) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, theo NĐ 155, việc xác định vi phạm phải dựa trên kết quả đo đạc môi trường được thực hiện bởi cơ quan chức năng.

Trong khi, tác nhân gây ồn từ người dân thường phát sinh bất chợt nên cơ quan chức năng khó phối hợp kiểm tra, xác định vi phạm. Lực lượng chức năng thiếu trang thiết bị chuyên dụng để kiểm tra, xử lý về tiếng ồn. So với NĐ 155, NĐ 167 cho phép xử phạt mà không cần đo đạc, nhưng chủ yếu dừng lại ở nhắc nhở, mức phạt chưa đủ sức răn đe. Thời gian xử lý vi phạm cũng bị giới hạn từ 22 giờ đến 6 giờ.

Kiên quyết xử lý

Theo ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3, để có thể xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn, UBND quận 3 kiến nghị sửa đổi NĐ 155 theo hướng bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho công an xã và chủ tịch UBND các cấp với nguồn gây ồn từ sinh hoạt của người dân. Về phương tiện đo tiếng ồn, kiến nghị cho phép sử dụng các phương tiện đo tiếng ồn như phần mềm điện thoại di động (app) hay phương tiện cầm tay hợp chuẩn do Sở KH-CN công bố.

Kiến nghị sửa đổi NĐ 167 theo hướng tăng mức phạt với hành vi vi phạm tiếng ồn tại khu dân cư, nơi công cộng. Thời gian tới, quận cũng sẽ đẩy mạnh thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với các cá nhân, nhà hàng, quán karaoke, cửa hàng kinh doanh thiết bị âm thanh vi phạm quy định về tiếng ồn. Đặc biệt sẽ xử lý nghiêm các trường hợp “độ” hoặc cải tạo, nâng cấp âm thanh phương tiện giao thông sai quy cách...

Ông Hồ Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết, để nâng cao ý thức chấp hành của người dân, quận tiếp tục chỉ đạo Phòng TN-MT phối hợp các đơn vị liên quan và UBND phường tập trung kiểm tra cao điểm từ 30-6 đến cuối năm 2021; rà soát và kiện toàn đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa, xã hội để triển khai trong giai đoạn 2 theo chỉ đạo của UBND TPHCM.

Để xử lý hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn TPHCM, lãnh đạo Công an TPHCM cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm. Cụ thể, giao Công an TP Thủ Đức và công an quận, huyện chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường, công an xã thực hiện nắm tình hình, mở hồ sơ điều tra cơ bản, khoanh vùng, lập danh sách cụ thể các khu vực thường xuyên sử dụng thiết bị phát âm thanh vi phạm về an ninh trật tự, gây ồn ào, lấn chiếm lòng lề đường như sử dụng loa kẹo kéo ngoài trời, hộ gia đình hát karaoke không đóng kín cửa, xe bán hàng di động, loa phát tại các siêu thị.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý các hoạt động làm phát sinh tiếng ồn trong khu dân cư, tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấn chỉnh, cam kết không tái phạm để người vi phạm khắc phục và chuyển biến nhận thức. Chủ động bám sát cơ sở, phối hợp chính quyền địa phương, tổ chức xã hội liên quan để triển khai thống nhất và đồng loạt các nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức ở cộng đồng dân cư.

Tin cùng chuyên mục