Mạnh tay xử lý hành vi “chặt chém” du khách

Trong những ngày đầu năm mới, dư luận xôn xao về các vụ tính giá “chặt chém” du khách tại nhà hàng Hưng Phát và nhà hàng Tháp Bà Làng Chài (TP Nha Trang). 

Tệ nạn “chặt chém”, trấn lột du khách không phải là chuyện cá biệt ở một tỉnh, thành nào mà đã trở nên phổ biến, nhất là vào dịp tết, thành nỗi ám ảnh du khách và gây tai tiếng, cản trở sức phát triển du lịch. Nhiều bạn đọc đã quan tâm, góp ý về việc không để du khách tiếp tục bị “chặt chém”.

Mạnh tay xử lý hành vi “chặt chém” du khách ảnh 1 Nhà hàng Tháp Bà Làng Chài (TP Nha Trang) vừa bị xử lý về hành vi tính giá “chặt chém” du khách
Du khách phải đối mặt với quá nhiều chuyện phiền phức

Ai cũng hiểu giá hải sản, thực phẩm, công lao động ngày tết tăng cao hơn bình thường, nhưng không thể chấp nhận việc tính giá một dĩa cơm trắng 200.000 đồng, hay một phần trứng xào cà chua 500.000 đồng. Càng đáng trách khi mức giá phi lý này có sự tiếp tay của hướng dẫn viên.

Trong những năm gần đây, đã có không ít cá nhân lẫn doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhiều cảnh quan, khu du lịch thu hút du khách. Tuy nhiên, cách làm du lịch của chúng ta vẫn còn manh mún, tùy tiện và hết sức nghiệp dư.

Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch thế giới, tỷ lệ du khách quay trở lại Việt Nam lần thứ 2 chưa tới 10%. Làm sao có thể vui vẻ quay trở lại khi du khách đã phải đối mặt với quá nhiều chuyện phiền phức, mà nổi bật nhất là chuyện bị “chặt chém” đủ kiểu từ nhà hàng cho đến taxi, xích lô, đánh giày, buôn bán hàng rong...

Nhiều nơi vẫn còn thu với 2 mức giá đối với du khách nước ngoài và người trong nước. Các loại hình giải trí đơn điệu, nhàm chán khiến du khách đành phải đi ngủ sớm vì không thể làm gì khác hơn.

Du khách đến bằng du thuyền sang trọng lại được tiếp đón tại các cảng container theo cái cách quá sơ sài và nhếch nhác. Trong lúc các sản phẩm lưu niệm lại hết sức nghèo nàn và gần như trùng lắp hoàn toàn giữa các địa phương. 

Mục tiêu của ngành công nghiệp không khói là làm sao để du khách tự móc hầu bao tiêu xài, mua sắm càng nhiều càng tốt. Thế nhưng sai lầm trầm trọng của không ít người làm dịch vụ du lịch ở Việt Nam là thay vì tìm tòi, sáng tạo ra những phương thức, sản phẩm mới để chinh phục, mang tới sự hài lòng cho du khách thì lại chỉ nghĩ kế chụp giật, chặt chém, trấn lột. 

TƯƠNG QUAN (quận 7, TPHCM)

Nên chủ động cảnh báo, hỗ trợ du khách

Để xảy ra tình trạng nhà hàng tính giá “chặt chém” du khách có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương, do chưa nhắc nhở, kiểm tra, xử lý quyết liệt, nghiêm túc và đến nơi đến chốn để ngăn chặn các hành vi vi phạm của các cơ sở dịch vụ, kinh doanh. Rất cần sự vào cuộc một cách có trách nhiệm của chính quyền địa phương, chủ động cảnh báo, hỗ trợ du khách.

Ngành du lịch nên có cẩm nang hướng dẫn du khách chủ động và tự bảo vệ mình để chống lại tệ nạn chặt chém bằng nhiều cách. Chẳng hạn như trước khi vào một nhà hàng nào đó tại các điểm du lịch, cần tìm hiểu thông tin trên mạng về các cơ sở dịch vụ nhà hàng kinh doanh ăn uống. Hiện nay, mạng internet phát triển nên có nhiều thông tin về những nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ bát nháo, có biểu hiện chặt chém. Nên hỏi kỹ giá cả, nếu cần thỏa thuận những món ăn trước khi gọi lên bàn, và nên tẩy chay những nhà hàng, cơ sở kinh doanh bát nháo có biểu hiện “chặt chém”.

NGUYỄN ĐỨC NGUYÊN (quận 5, TPHCM) 

Thường xuyên giám sát, kiểm tra để nắm rõ tình hình

Nạn “chặt chém” du khách trong những dịp lễ tết tại những điểm tham quan du lịch đã được truyền thông phản ánh rất nhiều trong những năm gần đây, nhưng vẫn không bị xóa sổ. Việc tính tiền dịch vụ với giá như trấn lột là thói kinh doanh vô đạo đức.

Thật đáng trách khi có những hướng dẫn viên du lịch là người được du khách tin tưởng, nhờ chỉ dẫn nơi mua sắm, ăn uống, nhưng lại đưa du khách vào những nơi “chặt chém”, vì khi giới thiệu cho khách một quán ăn, một cửa hàng mua sắm, họ đều nhận được hoa hồng từ chủ quán.

Cần phải mạnh tay xử lý hành vi “chặt chém” du khách. Các địa phương và ngành du lịch nên khuyến cáo du khách khi bị “chặt chém” thì nên tố cáo ngay qua đường dây nóng, để có những cán bộ chuyên trách đến can thiệp, xử lý.

Chỉ có phạt nặng thì những kẻ buôn bán chụp giật, gian manh mới chừa thói xấu. Phải giải quyết, ngăn chặn được tình trạng  quán vi phạm sau khi bị phạt thì chỉ cần đổi tên thành quán khác (nhưng vẫn cùng địa chỉ) và tiếp tục kinh doanh “chặt chém”. Nếu cứ để tồn tại thói “chặt chém” thì du khách quốc tế quay lưng không đến Việt Nam nữa.

Cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm và năng lực của cơ quan chức năng. Dù có công bố đường dây nóng để du khách phản ánh, cơ quan chức năng cũng đừng chỉ thụ động đợi người gọi điện thoại cầu cứu, tố cáo mà nên thường xuyên giám sát, kiểm tra để nắm rõ tình hình. 

ĐẶNG TRUNG THÀNH (huyện Bình Chánh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục