Mạnh tay với thực phẩm chức năng “nổ”

Liên tiếp thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã cảnh báo và thu hồi nhiều loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng (TPCN) kém chất lượng, quảng bá “nổ” công dụng và khuyến cáo người dân không tự ý mua, sử dụng vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế. 

Điển hình mới đây nhất, Công ty cổ phần Dược phẩm Hoàng Hường bị xử phạt 65 triệu đồng về hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Các công ty sử dụng nhiều chiêu trò, hình thức để quảng cáo sai sự thật về chất lượng, công dụng sản phẩm. Nhiều tổ chức, cá nhân còn mạo danh, mượn danh cơ quan y tế, quân đội, công an, nghệ sĩ để quảng bá sản phẩm, thậm chí tặng quà từ thiện nhưng thực chất là bán thực phẩm… Dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao nhiều hành vi gian dối khách hàng vẫn cứ tiếp tục diễn ra, liệu có sự tiếp tay, lơ là của cơ quan chức năng, hay các nhà quản lý chưa tìm ra giải pháp xử lý triệt để. Do kinh doanh TPCN lợi nhuận khổng lồ nên nhiều cá nhân, đơn vị đã phớt lờ các quy định, trục lợi trên niềm tin, nỗi đau của người bệnh bằng việc quảng cáo láo, thần thánh hóa công dụng của các loại TPCN, đánh vào tâm lý người bệnh “còn nước còn tát”, có bệnh thì vái tứ phương. Việc quảng cáo sai sự thật các loại TPCN là tội ác, vì ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

Món lời khổng lồ đã dẫn đến sự bùng nổ về số lượng sản phẩm cũng như đơn vị sản xuất, kinh doanh TPCN trên thị trường hiện nay. Nếu như năm 2000, cả nước chỉ mới có vài chục sản phẩm TPCN thì hiện nay đã lên tới hơn 10.000 sản phẩm, với hơn 4.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, việc kinh doanh TPCN chủ yếu hiện nay theo hình thức online, việc phân phối cũng do những người không có chuyên môn, nghiệp vụ về dược đảm trách. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, các quy định về quản lý TPCN có nêu rất rõ trách nhiệm của các đơn vị nhập khẩu, sản xuất. Bởi vậy, muốn xử lý dứt điểm tình trạng quảng cáo “nổ không có điểm dừng” như hiện nay, cần xác định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa tinh thần đấu tranh với hành vi vi phạm từ chính các doanh nghiệp.

Việc xử phạt mấy chục, mấy trăm triệu đồng đối với các hoạt động quảng cáo TPCN “nổ” công dụng như hiện nay cũng chỉ như là muối bỏ bể so với lợi nhuận mang lại, trong khi quy trình quản lý, cấp phép, hậu kiểm vẫn còn lỏng lẻo đã tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi quảng cáo TPCN sai quy định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh TPCN chân chính, người tiêu dùng cần tỉnh táo trước nội dung quảng cáo TPCN, biết tự bảo vệ bản thân bằng cách sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kiểm tra tính pháp lý, tôn trọng ý kiến của bác sĩ và cẩn trọng khi mua bán và sử dụng TPCN.

Tin cùng chuyên mục