Mạnh tay với chợ tự phát - Bài 2: Nâng cao trách nhiệm cơ quan chức năng

Tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường do các chợ tự phát gây ra khiến dư luận rất bức xúc. Quá trình kiểm tra, xử phạt cũng có thực hiện nhưng không đủ sức răn đe bởi muôn vàn lý do từ phía các cơ quan chuyên trách.
Chợ tự phát xung quanh chợ Nguyễn Tri Phương, phường 6, quận 10, TPHCM. Ảnh: QÚY NGỌC
Chợ tự phát xung quanh chợ Nguyễn Tri Phương, phường 6, quận 10, TPHCM. Ảnh: QÚY NGỌC

Địa phương than khó

Thông tin từ UBND quận 8 cho hay, nhiều điểm kinh doanh xung quanh chợ truyền thống trên địa bàn trở thành chợ tự phát, nhưng địa phương không thể xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) mà chủ yếu chỉ nhắc nhở, tuyên truyền để các cơ sở chấp hành đúng quy định pháp luật. Các điểm kinh doanh tự phát trước cổng chợ đầu mối Bình Điền cũng vậy. Mặc dù UBND phường 7, quận 8 đã tăng cường phối hợp với UBND xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh), triển khai lực lượng công an, quản lý đô thị để xử lý tình trạng mua bán, lấn chiếm lòng lề đường… nhưng sau đó các điểm bán vẫn tiếp tục xuất hiện. “Lực lượng chức năng ra quân đều đặn thì người kinh doanh tự phát sẽ không xuất hiện. Nhưng hôm nào lực lượng liên ngành này không có mặt là những xe đẩy, hàng rau, hải sản, thịt… lại tụ họp tấp nập. Người dân ở đây rất bức xúc về tình trạng này”, bà Nguyễn Thị Năm, người dân sinh sống gần chợ đầu mối Bình Điền phản ánh.

Chia sẻ thêm về vướng mắc nói trên, bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận 8, nhìn nhận, việc quản lý ATTP ở cấp phường còn nhiều hạn chế do nhân sự phụ trách chủ yếu kiêm nhiệm, lực lượng cán bộ rất mỏng. Ngoài ra, hiện các chợ trên địa bàn quận đã xuống cấp nhưng không sửa chữa, nâng cấp để thu hút người dân. Nhiều chợ tụ đọng nước, đã nhiều năm chưa nâng cấp nên không thu hút người mua, bán. “Theo quy định, chợ không được dùng ngân sách xây dựng mà phải kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Đây là công việc không dễ dàng bởi doanh nghiệp đầu tư phải có lợi nhuận, còn thấy không khả thi họ sẽ không hợp tác”, bà Nguyễn Thị Thu Hoa trăn trở.

Trong khi đó, tại địa bàn quận 11, bà Trần Thị Bích Trâm, Trưởng phòng Kinh tế quận cho biết, với chợ tự phát nằm giáp ranh giữa các phường, các quận rất khó xử lý, do chưa có sự phối hợp hiệu quả. Do vậy vẫn còn tình trạng đoàn kiểm tra đi khỏi thì việc lấn chiếm lại tái diễn. Chưa kể, trong quản lý về ATTP, cơ quan chức năng không thể kiểm tra 100% nguồn hàng hóa vào chợ nên nguy cơ mất ATTP cao, và không loại trừ khả năng cùng một chứng từ hóa đơn tiểu thương có thể xoay vòng để nhập hàng hóa.

Xử lý vi phạm chưa kiên quyết

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM, chợ tự phát tồn tại đến thời điểm này do tiện lợi, tiết kiệm cho người dân như giá thành rẻ, có thể mua ngay mà không cần gửi xe vào chợ… Hiện tại, TPHCM đang thực hiện xây dựng chợ thí điểm ATTP, nên theo bà Phong Lan, mỗi quận huyện hãy chọn một chợ để xây dựng thương hiệu và hình ảnh chợ an toàn, từ đó nhân rộng mô hình. “Khi chợ truyền thống xây dựng tốt hình ảnh chợ văn minh, an toàn, tiện lợi thì sẽ thu hút người dân đến mua sắm. Thêm nữa, các quận, huyện cũng nên khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị. Song song đó, TPHCM cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người tiêu dùng về chọn mua thực phẩm an toàn, tăng cường liên kết vùng sản xuất an toàn với các địa phương trong cung ứng hàng hóa cho thành phố. Làm được những điều này sẽ góp phần đẩy lùi chợ tự phát”, bà Phạm Khánh Phong Lan góp ý.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM nhìn nhận, không chỉ mất ATTP, chợ tự phát đang góp phần cản trở, gây ùn tắc giao thông trên nhiều tuyến đường. Trong khi tại một số quận huyện, việc giải quyết trật tự lòng lề đường vẫn chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt; sau khi kiểm tra xử lý thì nạn lấn chiếm, buôn bán tái phát. Còn Luật sư Lê Đức Thọ (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, tình trạng chợ tự phát tồn tại kéo dài nhiều năm là do cán bộ, chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm. Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật, biện pháp chế tài để xử lý việc mua bán trên đường. Hành vi họp chợ trên đường cản trở việc đi lại, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn bị xử lý hình sự. Vấn đề đặt ra, để xóa chợ tự phát, việc tuyên truyền, vận động, tổ chức điểm bán hàng mới văn minh hiện đại là cần thiết, nhưng cũng cần xử lý nghiêm đối tượng cố tình vi phạm, để trả lại đường giao thông cho người và phương tiện, trả lại mỹ quan đô thị thành phố.

Tại buổi giám sát mới đây của HĐND TPHCM về ATTP tại các chợ, ông Tăng Hữu Phong, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND nhìn nhận, chợ tự phát là câu chuyện trăn trở nhiều năm qua của người dân cũng như cơ quan chuyên trách. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện ATTP trên địa bàn TPHCM, trong đó có chợ tự phát, không phải thực hiện ngày một ngày hai mà là vấn đề xuyên suốt. Thậm chí, ngay các chợ đầu mối, chợ truyền thống, nếu buông lỏng quản lý cũng có thể trở thành mô hình chợ tự phát hoặc mất ATTP không thể kiểm soát. “Muốn dẹp chợ tự phát hiệu quả cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không riêng địa phương hay ban ngành chức năng nào”, ông Tăng Hữu Phong nhận định.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM: 

“Một trong những nguyên do là công tác xử lý vi phạm chưa kiên quyết, nhất là ở cấp phường, xã, gây tâm lý nghi ngờ có bảo kê, bao che. Do đó, cần phải xác định Chủ tịch UBND các quận, huyện sẽ là người chịu trách nhiệm trước UBND TPHCM trong việc đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn do mình quản lý”.

Tin cùng chuyên mục