Mạnh tay giảm giá thịt heo

Đó là khẳng định của Bộ NN-PTNT tại cuộc họp với nhiều doanh nghiệp (DN) cung ứng thịt heo vừa diễn ra.

Trên thực tế, sau khi bộ này cho phép tăng lượng thịt heo nhập khẩu từ thị trường Nga, Canada, Brazil… nhưng giá heo trên thị trường vẫn được ghi nhận là chưa thực sự giảm nhiệt và đang duy trì mức cao, trên 75.000 đồng/kg heo hơi, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Bộ NN-PTNT triển khai nhiều giải pháp để hạ nhiệt giá thịt heo trên thị trường

Mở cửa nhập khẩu nhưng giá heo hơi vẫn cao

Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, tính đến hết tháng 3, số lượng thịt heo nhập khẩu đạt gần 40.000 tấn, tăng 312% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu cao nhất là từ thị trường Canada, chiếm 25,81%. Kế đến là thị trường Đức với 20,59%, Ba Lan đạt 13,77%, Brazil đạt 9,68%, Hoa Kỳ đạt 7,65%, Nga đạt 2,62%... Thế nhưng, bất chấp lượng thịt heo nhập khẩu tăng mạnh thì giá heo hơi trên thị trường vẫn chưa thực sự hạ nhiệt.  

Hiện với mức giá heo hơi dao động trên gần 75.000 đồng/kg thì giá thành phẩm đến tay người tiêu dùng từ mức 100.000 đồng đến hơn 200.000 đồng/kg, tùy loại. Tại các chợ dân sinh và chợ tự phát, giá thịt heo còn dao động cao hơn, phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng của người dân ở những thời điểm khác nhau.  

Ở góc độ chăn nuôi và cung ứng heo hơi cho thị trường, nhiều DN lại cho rằng, DN cũng đã đồng hành cùng Chính phủ và Bộ NN-PTNT, thực hiện giảm giá heo hơi xuống trên 70.000 đồng/kg, nhưng người dân vẫn chưa được hưởng lợi. Bởi chỉ cần qua khâu trung gian thì giá heo hơi đến các lò mổ đã có thể lên đến 100.000 đồng/kg. Sau đó, thịt heo thành phẩm tiếp tục qua tay các tiểu thương và đến tay người tiêu dùng thì giá bị đẩy lên rất cao. 

Giá heo hơi không giảm, không chỉ gây khó khăn cho người tiêu dùng mà còn cho các DN chế biến lương thực, thực phẩm, nhất là trong bối cảnh các công ty đang phải tăng nguồn nguyên liệu sản xuất và dự trữ để đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường. 

Đại diện Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM cho biết, giá heo hơi giữ mức cao trong thời gian qua đã khiến chi phí các sản phẩm thực phẩm chế biến như giò các loại, thịt nguội… tăng mạnh. Bởi, để sản xuất những sản phẩm này phải sử dụng nguyên liệu nạc nóng nên lượng sản xuất và dự trữ phụ thuộc vào nguồn heo hơi cung cấp hàng ngày. Nhiều công ty chế biến lương thực, thực phẩm đảm bảo giữ đúng cam kết bình ổn giá thị trường đã buộc phải cắt giảm nhiều chi phí bù cho giá thành nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp ngắn hạn, còn về lâu dài vẫn rất cần đảm bảo ổn định và hạ giá heo hơi. 

Tăng kiểm soát thị trường và nguồn cung thịt heo

Trước thực tế đó, nhiều DN cho rằng để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt việc đẩy giá của các khâu trung gian, tiểu thương. Về phía DN, nhiều đơn vị cam kết sẽ hạ giá thành heo hơi. Đơn cử, các DN lớn về chăn nuôi heo như công ty CJ Vina, Dabaco, Japfa Comfeed, Emivest, C.P… cam kết giảm giá heo hơi xuống mức 70.000 đồng/kg và áp dụng từ tháng 4. 

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Bộ NN-PTNT, với mức giá heo hơi là 70.000 đồng/kg thì giá heo thành phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn sẽ duy trì ở mức cao. Do đó, giá heo hơi cần thiết phải giảm xuống mức 60.000 đồng/kg. Để làm được điều này, về phía các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ người nông dân, cơ sở chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn heo an toàn, phấn đấu tăng đàn đạt mục tiêu 25% trong năm 2020; từng bước chủ động nguồn cung, góp phần bình ổn giá thịt heo… Đây sẽ là cơ sở để đảm bảo lộ trình quý 2 và quý 3, giá heo hơi sẽ lần lượt giảm mức 65.000 đồng xuống 60.000 đồng/kg. 

Rõ ràng, để có thể đạt được mục tiêu giảm giá heo hơi cần có sự đồng bộ từ khâu quản lý, phân phối và cơ sở chăn nuôi. Tuy nhiên, về dài hơi, theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, cần thiết phải tăng lượng cung cho thị trường. Một khi lượng cung thịt heo dồi dào hơn so với lượng cầu và có giá thành thấp thì giá heo hơi trên thị trường sẽ tự điều tiết về mức phù hợp. Trong tình hình hiện nay, lượng heo hơi cung ứng cho thị trường còn khan hiếm. Nguyên nhân một phần là do tỷ lệ tái đàn sau đợt dịch bệnh năm 2019 chưa nhiều. Do đó, cùng với những giải pháp vận động đơn vị cung ứng heo hơi giảm giá, hỗ trợ cơ sở chăn nuôi heo, hộ nông dân đầu tư tái đàn, tăng đàn, mở rộng quy mô đàn heo thì Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Công thương… cần thiết có giải pháp đa dạng nguồn thịt heo nhập khẩu. Trong đó, có tính đến phương án giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu thịt heo từ các thị trường trên thế giới. Cùng với đó, phải xử lý mạnh tay tình trạng đầu cơ găm hàng, tăng giá của thương lái, DN, đơn vị phân phối… Có như vậy mới bình ổn giá heo trên thị trường, tạo tâm lý an tâm cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh có khả năng còn kéo dài thêm một thời gian nữa.

Chị Trà Nguyễn Thanh Nga (ngụ quốc lộ 50, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, trong những ngày đầu khi Chính phủ thực hiện chính sách cách ly xã hội, nhiều tiểu thương bán hàng dạo hoặc tại chợ tự phát gần khu vực quanh xã đã tự ý nâng giá thịt heo vô tội vạ. Thế nhưng, người dân không có lựa chọn khác. Bởi hầu hết người dân đều ngại ra đường hay đến các hệ thống siêu thị. Còn với hình thức đặt hàng online thì không phải người nào cũng biết để thao tác. Không những thế, lợi dụng tâm lý người dân muốn mua nhanh và mua nhiều để dự trữ nên nhiều tiểu thương không ngại định giá cao khi bán.

Tin cùng chuyên mục