Manh nha xây dựng “vũ trụ điện ảnh” Việt

Khái niệm “vũ trụ điện ảnh” không mới ở Hollywood, nhưng tại Việt Nam thì đang trong giai đoạn hình thành. Các nhà sản xuất nhận định, nó không phải trào lưu mà là chiến lược mang tính định hướng, cho thấy điện ảnh Việt đang ngày càng chuyên nghiệp hóa.   
Gái già lắm chiêu được xem là thương hiệu mở đường cho khái niệm “vũ trụ điện ảnh” Việt. Ảnh: ĐPCC
Gái già lắm chiêu được xem là thương hiệu mở đường cho khái niệm “vũ trụ điện ảnh” Việt. Ảnh: ĐPCC

Cũ người mới ta 

“Vũ trụ điện ảnh” (Cinematic Universe hay Fictional shared Universe) là thuật ngữ dành cho một chuỗi tác phẩm điện ảnh, trong đó, các nhân vật của bộ phim này xuất hiện trong một bộ phim khác với lai lịch và thân thế không thay đổi. Khái niệm này nhằm chỉ những bộ phim có chung các nhân vật, chủ đề, mặc dù mỗi phần phim khai thác câu chuyện khác nhau.  

Trên thế giới, ngoài “vũ trụ điện ảnh” Marvel với các siêu anh hùng, “vũ trụ” Star Wars có thể nói là lâu đời nhất. “Vũ trụ điện ảnh” DC với những bộ phim nổi tiếng: Batman v Superman, Justice League, Aquaman, Shazam, Joker hay mới đây nhất là Wonder Woman 1984… “Vũ trụ” Conjuring của Warner Bros; MonsterVerse của Warner Bros với Godzilla, King Kong và nhiều sinh vật khổng lồ. 

Ở Việt Nam, “vũ trụ gái già” được xem là thương hiệu mở đường cho khái niệm “vũ trụ điện ảnh” Việt. Chuỗi phim điện ảnh chủ đề về nữ quyền của 2 đạo diễn Bảo Nhân và Namcito xây dựng thành công trong suốt gần 6 năm qua với 4 phần phim liên tục. Đánh giá về xu hướng này, đạo diễn Namcito cho biết: “Tôi cho rằng, nếu có chiến lực xây dựng bài bản, thống nhất chủ đề và đặc biệt là xây dựng được một quần thể nhân vật thành công, sẽ còn nhiều “vũ trụ điện ảnh” khác được tạo ra và được khán giả đón nhận. Đây không phải là xu hướng mà là chiến lược mang tính định hướng. Chứng tỏ các NSX Việt, điện ảnh Việt đang đi vào chuyên nghiệp hóa để đủ sức xây dựng nên những thương hiệu điện ảnh lớn và có vị thế trong thị trường cũng như trong lòng khán giả”.  

Trong khi đó, đạo diễn Trần Hữu Tấn, người đang ấp ủ xây dựng “vũ trụ điện ảnh kinh dị” với dự án đầu tiên Chuyện ma gần nhà, nói: “Tôi nghĩ, khi điện ảnh Việt bắt đầu có khái niệm “vũ trụ điện ảnh”, điều này có nghĩa các đơn vị sản xuất, đạo diễn đã có lộ trình phát triển các thương hiệu riêng của mình. Đây là tín hiệu thú vị bởi các phim ra rạp thuộc “vũ trụ điện ảnh” sẽ có tính hệ thống về kịch bản, nhân vật. Tất cả mang dấu ấn riêng, giúp khán giả có sự nhận biết rõ câu chuyện họ đang theo dõi và tạo thêm sự chờ đón ở các sản phẩm tiếp theo”. 

Trước đó, NSX Ngô Thanh Vân từng hé lộ tham vọng xây dựng “vũ trụ cổ tích” với Tấm Cám: Chuyện chưa kể đã ra mắt và Trạng Tí phiêu lưu ký trong mùa tết 2021. “Kho tàng truyện cổ tích nước ta là vô giá, chất liệu văn hóa của Việt Nam còn nhiều, vậy tại sao ta lại phải sử dụng từ nước ngoài các kịch bản remake (phim làm lại)?”, NSX Ngô Thanh Vân đặt vấn đề. Các tác phẩm được lên kế hoạch sản xuất sau đó gồm: Thằng Bờm, Ông Kẹ, Thạch Sanh, Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh…  

Đi vào chuyên nghiệp

“Không phải tất cả những bộ phim có nhiều phần thì đều có thể gọi là “vũ trụ điện ảnh” được. Chúng ta cần phải có định hướng và xây dựng chủ đề xuyên suốt cho chuỗi dự án và tạo tính kết nối từ câu chuyện cũng như nhân vật”, đạo diễn Namcito phân tích. Đạo diễn Lý Hải cũng đồng ý với quan điểm này và khẳng định bộ phim Lật mặt nên gọi là series khi mỗi câu chuyện không phải sự tiếp nối của phần trước mà luôn có sự xuất hiện của các tuyến nhân vật mới trong kịch bản mới. 

Phân tích những thuận lợi và khó khăn khi xây dựng “vũ trụ điện ảnh”, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết: “Việc có được “vụ trụ điện ảnh” của riêng mình sẽ tạo được tính liền mạch, kết nối ở từng câu chuyện, nhân vật, bối cảnh... giúp độ nhận biết phim cao hơn. Khán giả đã biết đến và yêu thích thương hiệu phim rồi thì họ sẽ có cớ để tiếp tục đón chờ phim tiếp theo trong “vũ trụ” đó. Từ đó, khâu quảng bá cũng thêm lợi thế vì phim đã có sẵn thương hiệu. Nhưng bù lại, khâu kịch bản đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn vì để mở rộng câu chuyện thêm nhiều phần, hoặc kể về cuộc đời, số phận, bối cảnh... không phải là việc dễ dàng. Do đó, để lấy được niềm tin dành cho sự yêu thích của khán giả ngay từ tác phẩm đầu tiên trong “vũ trụ điện ảnh” phải có màu sắc riêng”. 

Còn theo đạo diễn Namcito, để đạt được tính xuyên suốt cho một chuỗi dự án điện ảnh với thị trường hiện nay, khó khăn nhiều hơn thuận lợi. “Bởi như chúng ta biết, gu khán giả luôn thay đổi và khó nắm bắt. Nên qua mỗi phần phim, buộc các nhà sáng tạo phải liên tục cập nhật xu hướng, câu chuyện và dàn diễn viên để tạo thu hút mới đủ sức khéo khán giả đến rạp. Nếu không đủ sức tạo sự xuyên suốt trong thể loại, tạo tinh thần kết nối giữa các phần phim, rất khó tạo ra được một “vũ trụ điện ảnh” đúng nghĩa”, đạo diễn Namcito phân tích. 

Chuyện ma gần nhà khởi quay vào cuối tháng 2-2021. Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho rằng, còn quá sớm để nói về thành công hay những điều chưa làm được, nhưng yếu tố để thành công khi tạo dựng được một “vũ trụ điện ảnh” đúng nghĩa chính là đạo diễn và NSX phải có chung đam mê, tầm nhìn, biết mình đang làm gì và kiên định với những định huống đó.

Tin cùng chuyên mục