Mang yêu thương đến những vùng xa

Từ Hà Nội vòng qua Hà Giang, vượt gần một ngàn kilômét bằng ô tô, rồi chuyển sang cuốc bộ 12 cây số đường rừng mới tới được xã Sinh Long, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, nơi được chọn để xây điểm trường mới cho các em nhỏ vùng cao. Đó chỉ là một trong những điểm dừng chân trên hành trình kết nối yêu thương của Quỹ từ thiện Ngọc Đức (tên gọi khác là CLB Thiện nguyện S-NỐI).

Trăn trở từ những chuyến đi

Quỹ từ thiện Ngọc Đức ra đời vào năm 2013 bởi gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc (một người làm kinh doanh ở Hà Nội). Đến năm 2016, khi số lượng tình nguyện viên tham gia đã lên tới hơn 130 người và mở rộng ra các vùng miền khác, nhóm đã hội ý và đổi tên thành “CLB Thiện nguyện S-NỐI”, với ý nghĩa kết nối những trái tim san sẻ yêu thương đến những mảnh đời bất hạnh ở các vùng quê còn khó khăn trên dải đất hình chữ S thiêng liêng - Việt Nam.

Bước chân của các tình nguyện viên S-NỐI đã đi đến nhiều nơi, từ vùng núi cao của Sơn La, Tuyên Quang, Mù Cang Chải (Yên Bái) đến những xóm nghèo ở Hải Dương, mọi ngõ ngách và các bệnh viện ở Hà Nội… Đi càng nhiều, họ càng trăn trở, đất nước đã 45 năm nối liền một dải nhưng đến hôm nay vẫn còn những nơi chưa có điện cho người dân sinh hoạt, trường học còn thiếu, trẻ em nghèo chưa biết mùi vị của chiếc bánh Trung thu… Và họ tự đề ra nhiệm vụ cho mình: CLB Thiện nguyện S-NỐI sẽ góp phần nối liền những nét đứt quãng đó.

Mang yêu thương đến những vùng xa ảnh 1 Lễ khánh thành điểm trường Khuổi Phìn (Tuyên Quang)

Thật khó kể hết những việc làm của CLB trong suốt 7 năm qua: Noel đường phố 2013; Tết yêu thương trên quê hương 2014, 2016; Đêm hội trăng rằm; Trăng sáng cho em; Đông ấm vùng cao; Hỗ trợ xây dựng điểm trường; phát quà cho những người vô gia cư, những hoàn cảnh khó khăn… và kế hoạch tổ chức chương trình Trung thu cho em 2020 đến các bé ở Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì - Hà Nội sắp tới.

Chị Ngô Gấm (công việc chính là kỹ sư cầu nối của một công ty IT Nhật Bản ở Hà Nội), một trong những thành viên trụ cột của CLB, cho biết: “Nhóm có sự tham gia của hơn 100 thành viên, mạnh thường quân. Dù mỗi người một công việc, một hoàn cảnh khác nhau, tình nguyện viên nhỏ nhất mới 6 tuổi, lớn nhất là cụ bà 70 tuổi, nhưng họ đều có chung một niềm say mê và nhiệt huyết với công tác thiện nguyện”.

Chủ động nguồn quỹ

Để có tiền hoạt động, CLB bắt đầu gây quỹ từ việc kêu gọi sự ủng hộ của người thân, bạn bè, các doanh nghiệp và mạnh thường quân quen biết. Nhưng các thành viên trụ cột đều hiểu, nếu chỉ phụ thuộc vào nguồn vận động bên ngoài thì CLB không thể chủ động hoạt động được. Ý tưởng “phải có nguồn tự thân” được triển khai. Đầu tiên là kết hợp “2 trong 1”, mỗi lần đi thiện nguyện, ngoài trao quà, các thành viên còn tìm hiểu đặc sản vùng miền lấy hàng về bán, tạo thêm nguồn thu cho quỹ. Thú vị là đa phần đặc sản khô của bà con dân tộc như măng, miến, nấm hương… được mọi người tin dùng nên hàng bán rất chạy. Dù phải tự đăng lên trang cá nhân rao bán, vừa kiêm luôn shipper, nhưng các thành viên trong hội đều hứng thú khi đón nhận sự tò mò, thích thú lẫn tin cậy của người tiêu dùng.

Trong lúc phân loại áo quần được ủng hộ, thấy có quá nhiều áo váy đẹp sành điệu nhưng không phù hợp với bà con vùng cao hay miền quê nghèo, bộ phận tiếp nhận lại nghĩ tới một gian hàng gây quỹ. Vậy là sạp hàng S-NỐI ra đời với mặt bằng đi thuê chỉ 17m2 ở khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội). Ngoài áo váy được giặt sạch, sửa sang chỉn chu, còn có sách vở, truyện, bút màu, giày dép, túi xách... Phương châm của sạp là bán giá rẻ cho người cần để có tiền thực hiện các chuyến thiện nguyện tiếp theo. Hai tháng đầu mở sạp, trừ các khoản chi phí, sạp còn lãi được 7 triệu đồng.

Nhân lực chính của sạp hàng S-NỐI gồm 6 thành viên, đều là phụ nữ. Mở một sạp hàng như mở một công ty, cũng cần có nhân sự, các khâu khác phải lo như tiếp nhận, phân loại, tài chính, truyền thông minh bạch… Sạp hàng S-NỐI chỉ khác ở chỗ nhân viên làm việc trên tinh thần tự nguyện, không có lương tháng, mỗi người tự nhận phần việc phù hợp với sở trường, giờ giấc ở cơ quan và bố trí việc gia đình. Đối tượng ưu tiên của “CLB Thiện nguyện S-NỐI” là các em nhỏ vùng cao. Nặng lòng trong họ là trẻ em vùng sâu, vùng cao còn thiếu áo quần lành lặn để mặc, mùa đông các cháu còn đi chân trần…

Chị Nguyễn Thị Thu Trang, Huyện ủy viên, Bí thư Huyện đoàn Na Hang (Tuyên Quang), xúc động khi kể về ngày khánh thành điểm trường tiểu học Khuổi Phìn: “Ngày 16-5-2020 là một ngày đặc biệt đối với 105 hộ dân ở xã Sinh Long và nhất là bọn trẻ. 5 phòng học kiên cố được xây mới, thay thế cho những lán ghép bằng gỗ đã xuống cấp mục nát. Cảm ơn sự hiện diện của “Quỹ từ thiện Ngọc Đức - CLB Thiện nguyện S-NỐI” đã biến niềm mơ ước của biết bao thế hệ học trò nơi đây thành hiện thực: mưa không sợ dột, lạnh không sợ gió lùa”.

Mong mỏi nhất của các thành viên CLB Thiện nguyện S-NỐI là ngày càng có thêm nhiều sự đồng cảm, chung tay của cộng đồng để phạm vi hoạt động không chỉ giới hạn ở khu vực miền Bắc, mà có thể mở rộng ra cả nước. Họ đều hy vọng S-NỐI thực hiện được mục tiêu gắn kết những tấm lòng thơm thảo với những hoàn cảnh đáng thương trên suốt chiều dài đất nước.

Tin cùng chuyên mục