Mang tết Việt đến Đông Phi

Vì chỉ có ít người Việt, có năm việc chuẩn bị tết ở Kenya rất ngẫu hứng, có năm lại được lên kế hoạch trù bị hẳn hoi. 

Khi chưa gặp các thầy tu ở trường dòng ở Karen, các gia đình người Việt thường góp cỗ đón tết. Mỗi nhà chuẩn bị một vài món kết hợp món cổ truyền cho các bà vợ Việt và món Âu cho mấy ông chồng Tây. Tết Nguyên đán ở Kenya, đối với các cán bộ quốc tế, thường rất bất chợt và giản dị. Chỉ là bữa ăn tối với vài cái nem, nồi măng nấu chân giò, đĩa xôi hoặc nếu may mắn có cái bánh chưng cắt ra. Thế là thành tết!

Từ khi kết nối được với cộng đồng tu sĩ Việt ở đây, tết trở nên đặc biệt hơn, đông vui hơn và truyền thống hơn. Tôi chưa bao giờ gặp nhiều đồng hương như trong ngày tết như vậy. Các linh mục, thầy người  Việt đang làm việc và học tập ở Đông Phi có tới 20-30 người. Với những dịp đặc biệt như tết, các thầy và cha ở các nước lân cận như Tanzania, Uganda cũng lái xe hàng trăm cây số để được thưởng thức hương vị tết quê nhà.  

Các gia đình họp mặt mừng tết
 Cứ tới dịp tết là các thầy tu ở trường dòng Utume lại kiếm thịt heo gói bánh chưng và giò thủ. Mỗi lần ai có người nhà từ Việt Nam sang thăm đều phải “khuân” nguyên liệu từ nhiều tháng trước, tích trữ như thời bao cấp: gạo nếp, nấm hương, giò lụa, măng, miến, mứt hạt sen, ô mai. Thậm chí cả gói muối nêm cũng phải mang từ Việt Nam. Muối Việt có vị đậm đà và mềm mại hơn muối Tây, nấu đồ ăn thấy vẫn ngọt hơn. Có mấy năm nhà tôi về nghỉ phép dịp Noel, đều mang lá dong, lạt tre từ Hà Nội qua. Còn chỗ các thầy không có lá dong thì ra vườn chặt lá chuối để gói bánh tét miền Tây. Ngày gói bánh tét đông vui đúng như không khí tết ở quê nhà: người lau lá, người đãi đậu, người gói bánh. Bánh tét Việt ở Kenya cũng mang đầy tính chất quốc tế: gạo nếp nhập từ Hàn Quốc, đậu xanh, thịt heo và lá chuối nuôi trồng ở Kenya. Vì gói lá chuối nên bánh cắt ra thiếu màu xanh nhưng ai cũng hớn hở.  


Nói về bánh chưng, bánh tét, công đoạn khiến tôi hứng thú nhất là ngồi luộc bánh. Trong cái sương khẽ lạnh, ngồi ngắm nhìn những lưỡi lửa biến hình liên hồi, mình tha hồ tưởng tượng ra những hình thù thú vị. Cái ấm nồng nàn của nồi bánh, mùi khói thơm thơm, tiếng củi lửa tí tách trong đêm xen với tiếng côn trùng, những tia lửa đỏ lại phun ra tung tóe như những đám bụi thiên thể trong vũ trụ. Đấy là một niềm vui và cảm giác bình yên thật hiếm hoi mới gặp. Rồi tiếng đàn, tiếng hát của các bạn bè vang lên… nơi xa xôi. Chỉ một nồi bánh thôi mà như gặp lại tuổi thơ, đang được quây quần bên gia đình.

Tết Party tổ chức với các thầy, các sơ có khác một chút. Ngày vui sẽ được bắt đầu bằng công tác trang trí, phông màn, làm cành đào cành mai, phần âm nhạc, rồi cử hành thánh lễ bình dị và ấm cúng, sau đó sẽ có một màn biểu diễn múa lân, thả câu đối, cùng nhau múa và hát “Xuân đã về, xuân đã về” rồi mới được thưởng thức món ăn. Sau đó là các trò chơi cổ truyền và cả lì xì.  Đi chơi tết đến chỗ các thầy, các sơ không chỉ no cái bụng, mà còn no cả tâm hồn và trái tim, bởi sự chan hòa thân ái, cởi mở và chân thành, nguyên sơ và thánh thiện.

Ở Kenya, cộng đồng quốc tế thường gọi tết là Tết Trung Quốc. Tôi thường phải đính chính thêm đó cũng là tết của Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore. Văn phòng tôi làm ở Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc luôn bận rộn và đầy áp lực. Ngày tết truyền thống ít khi tôi xin nghỉ, tụi trẻ con vẫn phải đi học bình thường. Dù vậy, trong lòng vẫn thấy phơi phới vui. Ở nơi xa xôi và khác biệt văn hóa này, may mà còn có tết để mỗi năm nhắc chúng tôi, trong cuộc sống thăng trầm và hối hả nơi đây, một lần biết nhớ quê hương, biết mình vẫn yêu thương.

Tin cùng chuyên mục