Mặn xâm nhập sâu ở các tỉnh ĐBSCL

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, tình trạng mặn xâm nhập trên các sông chính thuộc địa bàn tỉnh đang ở cấp độ 2 (mức rủi ro thiên tai). 
Nông dân ĐBSCL lo lắng trước tình trạng mặn xâm nhập. Ảnh: TÍN HUY
Nông dân ĐBSCL lo lắng trước tình trạng mặn xâm nhập. Ảnh: TÍN HUY

Hiện độ mặn tại một số điểm trên các sông đo được tại Giao Hòa (Châu Thành) là 4,2‰, Mỹ Hóa (TP Bến Tre) 6,1‰, Vàm Mơn - Phú Sơn (Chợ Lách) 2,1‰… Dự báo, độ mặn có xu hướng xâm nhập rất nhanh trong các ngày từ 30-1 đến 3-2 và xâm nhập sâu nhất có khả năng xuất hiện từ ngày 2 đến 4-2. Độ mặn 4‰ có khả năng xâm nhập vào cách các cửa sông chính từ 48 - 68km, qua địa bàn các xã: Tân Thạch, Tiên Long (Châu Thành), Long Thới, Tân Thiềng (Chợ Lách). Độ mặn 1‰ có khả năng xâm nhập cách các cửa sông chính từ 63 - 83km, qua địa bàn các xã: Phú Túc (Châu Thành), Vĩnh Bình (Chợ Lách).

Tình hình mặn xâm nhập vào đất liền tiếp tục diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, ngành chức năng khuyến cáo người dân tiết kiệm nước tưới, nước sinh hoạt và kiểm soát chặt chẽ nguồn nước trước khi tưới cho cây trồng, thường xuyên cập nhật thông tin dự báo độ mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Để phòng chống hạn mặn, trước đó, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đã có chuyến khảo sát tiến độ thi công xây dựng công trình đập tạm ngăn mặn trên sông Ba Lai, đoạn thuộc địa phận huyện Châu Thành (cách cầu Ba Lai cũ khoảng 150m về phía hạ nguồn), được khởi công ngày 18-1.

Theo đánh giá của ông Cao Văn Trọng, tiến độ thực hiện công trình tuy chưa đạt 100% như kế hoạch đề ra, nhưng cơ bản hoàn thành. Công trình là giải pháp tạo nguồn nước ngọt trên sông Ba Lai, bằng cách ngăn nước biển từ phía sông Giao Hòa chảy lên. Kết hợp chặn trên dòng sông Mã (đoạn từ sông Hàm Luông đi vào), từ đó tạo tuyến kênh khép kín có lượng nước thường xuyên trên sông Ba Lai, đoạn từ sông Giao Hòa đến xã An Khánh (Châu Thành), có khả năng chứa khoảng 5 tỷ m3 nước để phục vụ dân sinh.

Trong khi đó, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết qua rà soát, tổng diện tích lúa bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn  xâm nhập mặn 16.800ha, trong đó lúa - tôm 16.555ha và lúa đông xuân 248ha; khoảng 3.568 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt… Ngoài ra, mực nước trong kênh rạch xuống thấp, có nơi khô cạn hoàn toàn, ảnh hưởng đến sản xuất, giao thông đường thủy, vận chuyển hàng hóa và gây sụp lún 147 tuyến lộ giao thông nông thôn, với chiều dài khoảng 14km. 

Dự báo thời gian tới, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn càng gay gắt hơn; trên 24.795ha lúa đông xuân và 340ha rau màu bị thiệt hại hoặc giảm năng suất do thiếu nước… Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo các cơ quan trên địa bàn tăng cường ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Theo đó, ngành nông nghiệp và các địa phương khẩn trương khảo sát, rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại cụ thể từng trà lúa, hoa màu; qua đó có giải pháp phù hợp để huớng dẫn đơn vị và người dân thực hiện, nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra. 

Tại Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng… do nước mặn xâm nhập sâu và gây nhiều thiệt hại về sản xuất, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp và người dân nỗ lực hạn chế bằng cách tưới tiết kiệm, đóng hệ thống cống ngăn mặn và chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Tin cùng chuyên mục