Mai thực sự là vàng

Ngày xuân, mỗi gia đình lại chuẩn bị bánh mứt cùng những món ăn cổ truyền, nhưng nếu chỉ có bấy nhiêu thì vẫn chưa trọn vẹn không khí ngày tết, phải thêm một cành mai vàng, một chậu vạn thọ thì đó mới là ngày xuân phương Nam. Hoa mai vàng như một lời nhắc nhở mà thiên nhiên Nam bộ gửi đến tất cả, báo hiệu rằng năm mới sắp đến, mùa xuân lại về.



Bình Lợi - từ mía chuyển qua mai

Vài năm trở lại đây, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TPHCM, trở thành nơi cung cấp hoa mai lớn nhất nhì trong thành phố, thu hút nhiều thương lái từ các tỉnh, thành khác như Bình Định, Hà Nội, Bình Dương đến thu mua. Thổ nhưỡng thuận lợi cho việc trồng mai, nên nông dân xã Bình Lợi chuyển từ trồng mía sang trồng mai và thu được hiệu quả kinh tế như câu ví von “mai thực sự là vàng”. Theo anh Lê Hữu Thiện (43 tuổi, chủ HTX Hoa mai vàng Bình Lợi), ước tính trung bình mỗi hécta trồng mai mang lại lợi nhuận 200-300 triệu đồng/năm, thu nhập ổn định hơn trước rất nhiều.

Mai thực sự là vàng ảnh 1 Cây mai hàng trăm triệu đồng được chăm chút kỳ công tại vườn mai Hữu Thiên, xã Bình Lợi. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Mai Bình Lợi được trồng trực tiếp trên đất, thu hút khách bởi bông nở đẹp, có mùi thơm nhẹ, lâu tàn và giá phù hợp với nhiều khách từ bình dân đến cao cấp. Nổi tiếng và đặc trưng của mai Bình Lợi là giống mai giảo Thủ Đức, dáng thông. “Không phải nhà vườn không tập trung vào việc uốn hay tạo dáng mai độc lạ, thậm chí vườn có riêng những khu tập trung cho việc uốn và tạo dáng mai nhưng chủ yếu vẫn là dáng thông. Vì đây là dáng dễ trồng, dễ chăm sóc và dễ chơi, nó phù hợp nhiều không gian như trong nhà, trước sân hoặc sân thượng nên nhiều khách chọn”, anh Thiện chia sẻ.

Để bắt kịp nhịp sống hiện đại, anh Thiện cũng lập một kênh vlog để chia sẻ những video hướng dẫn trồng, chăm sóc cho mai, cách xử lý những tình huống sâu bệnh và giới thiệu mai vàng Bình Lợi đến với nhiều người hơn.

Nghề nông điệu nghệ

Làng mai quận 12 là một trong những làng mai có tiếng ở TPHCM, hình thành từ những năm 1980. Ở thời điểm phát triển mạnh, quận 12 có hơn 100 hộ theo nghề trồng mai, nhưng hiện tại con số này đã giảm hơn một nửa và chỉ còn ở các phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân. Mặc dù số lượng nhà vườn đã giảm đáng kể, nhưng mai ở quận 12 vẫn là một trong những địa chỉ hàng đầu để những người chơi hoa kiểng tìm đến. Mai ở đây có tiếng và thu hút khách bởi những dáng mai độc đáo được các nhà vườn kỳ công uốn nắn, tạo hình. 

Không chỉ là loại hoa được ưa chuộng vào dịp tết bởi màu sắc vàng như nắng ấm của khí hậu phương Nam, xa hơn nữa mai vàng còn là hồn cốt làm nên mùa xuân trong lòng mỗi người dân Nam bộ. Hễ đi đâu, làm gì thì khoảng rằm tháng Chạp, thấy người ta tuốt lá mai là biết tết đang cận kề. Những bông hoa vàng rực nở đúng ngày đầu năm mới báo hiệu một năm may mắn, phát tài cho gia chủ. Bởi thế mà ở phương Nam, vùng đất vốn không phân rõ bốn mùa thì mai vàng chính là điểm nhấn quan trọng nhất báo ngày tết đến.

Hơn 10 năm theo nghề trồng mai, anh Tô Thanh Hòa (38 tuổi, phường An Phú Đông) chia sẻ: “Diện tích trồng mai thu hẹp nhưng chất lượng cây ngày càng cao, nhiều dáng mai độc lạ. Vườn của tôi nhỏ, chứ nhiều vườn khác rộng hơn, có những cây mai giá bạc tỷ. Khách đến đây tìm mai chủ yếu lựa dáng đẹp, chứ không đại trà chơi một mùa tết là xong”. Mai dáng đổ, dáng bay, hình công, hình phượng… đều không làm khó được các nhà vườn ở đây, bởi trồng mai không phải là nghề nông thông thường mà đòi hỏi nghệ nhân phải rất “điệu nghệ” chăm chút cây mai tỉ mỉ từ việc chọn giống, cắt ghép, đến uốn nắn… Cả quá trình công phu để tạo nên chậu mai đẹp cả hoa lẫn dáng.

Nghệ nhân Tô Văn Tám (66 tuổi, ngụ phường An Phú Đông) đã trồng mai gần 40 năm. Những chậu mai của bác Tám không chỉ chiều lòng khách có gu mà còn tham dự nhiều hội hoa, triển lãm. Chỉ vào một gốc mai vừa đem về, bác Tám kể: “Như gốc này là gốc mai tứ quý, sẽ ghép với giảo Thủ Đức lá gai hoặc mai Đại Lộc, rồi sau đó tạo hình, uốn cành. Một chậu mai đẹp ra thị trường có khi phải mất 1-2 năm dưỡng và tạo hình thì mới có được những dáng mai độc đáo”.

Vài năm trở lại đây, nhu cầu chơi mai của khách hàng chuyển hướng sang việc thuê thay vì mua để đỡ một phần kinh phí và chăm sóc. “Nhiều năm nay, khách thuê mai ngày càng nhiều, vì giá thuê chỉ khoảng 40%-50% so với giá mua. Hơn nữa, mua mai chơi tết xong thì gửi lại nhà vườn chăm sóc vẫn tiện vì chăm mai sau tết không phải ai cũng có thời gian và biết cách”, anh Tô Thanh Hòa cho biết. Có thể thấy, trong nhịp phát triển của xã hội hiện đại, đất nông nghiệp bị thu hẹp và nghề nông cũng giảm dần dưới sức ép của đời sống đô thị. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vườn mai 30-40 năm tuổi hay làng mai mới phát triển ở xã nông thôn mới Bình Lợi, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân và góp nên hương sắc riêng biệt của ngày tết miền Nam.

Tin cùng chuyên mục