Mái ấm của trẻ khiếm thính

Dành cả tấm lòng và tình yêu thương vô bờ bến cho những đứa trẻ bất hạnh, thiệt thòi, các sơ ở Trung tâm Khuyết tật Hừng Đông (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) đã giúp các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn trong và ngoài tỉnh có được một mái ấm gia đình thực sự.
Giờ học của trẻ ở Trung tâm Khuyết tật Hừng Đông
Giờ học của trẻ ở Trung tâm Khuyết tật Hừng Đông

Được thành lập khoảng 5 năm, Trung tâm Khuyết tật Hừng Đông (gọi tắt là Hừng Đông) do sơ Nguyễn Thị Mỹ Thanh (40 tuổi) phụ trách, hiện đang là địa chỉ tin cậy chuyên dạy trẻ em khiếm thính. Với cái tên Hừng Đông, các sơ hy vọng các em “học sinh đặc biệt” này sẽ có khởi đầu một ngày mới vui tươi và hạnh phúc hơn. Các em được gửi vào đây đều là trẻ khiếm khuyết. Có em không nghe - không nói được, có em chậm phát triển. Phần lớn các em là con của các hộ nghèo, cũng có em mồ côi.

Số lượng giáo viên ít ỏi (10 sơ) mà phải chăm sóc cho 100 em nhỏ với giới tính, tâm lý, bệnh lý và lứa tuổi cũng khác nhau (lớn nhất 24 tuổi, bé nhất chỉ mới 3 tuổi), quả là điều không hề dễ dàng. Chẳng giống như những lớp học bình thường, mỗi lớp chỉ chừng chục học sinh, cách truyền đạt của giáo viên cũng khác, thận trọng và tỉ mỉ.

Cùng một chương trình học theo chuẩn của Bộ GD-ĐT, nhưng phải mất đến 8 năm các em mới xong bậc tiểu học. Vì thế, giáo viên phải là các sơ được đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Hiện, Hừng Đông có 5 sơ tốt nghiệp đại học sư phạm chuyên ngành này.

Tận mắt chứng kiến cảnh các sơ truyền đạt kiến thức cho học sinh, mới thấy hết sự tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ của các sơ. Một điều chắc chắn, hẳn phải có sự thấu hiểu, giàu tấm lòng bao dung, yêu thương trẻ vô bờ mới có thể gắn bó với công việc này. Tuy là trường chuyên dạy trẻ khuyết tật, nhưng không khí nơi đây luôn ồn ào náo nhiệt với những tiếng cười đùa ríu rít của các em học sinh như bao ngôi trường bình thường khác.

Nét khác biệt ở đây là, các sơ không dạy bằng những lời nói thông thường mà sử dụng bằng ngôn ngữ của bàn tay. Học sinh khi phát biểu trả lời câu hỏi, hay những lúc giao tiếp, vui chơi cũng vậy. Ngoài được truyền đạt kiến thức, các em còn được hướng nghiệp, chủ yếu là tin học và may. Sơ Nguyễn Thị Mỹ Thanh không giấu được niềm vui, đưa tay chỉ về chiếc tủ đựng đầy các bộ quần áo đồng phục và cho biết, tất cả đều do một tay các em làm ra.

Các sơ vẫn ngày ngày gieo điều thiện lành nuôi lớn những mầm xanh. Rồi đây, những mặc cảm vì khiếm khuyết của bản thân sẽ dần phai, các em lớn lên từng ngày mang theo niềm tin vững chắc từ những vòng tay nhân ái của cộng đồng xã hội...

Tin cùng chuyên mục