Mạch nguồn tiếp nối

“Nên tôn trọng những gì mới mẻ người trẻ mang đến cho nhạc Trịnh. Chỉ như vậy, âm nhạc của một người mới có thể được tiếp nối và trường tồn”, ca sĩ Đức Tuấn chia sẻ như thế trước giờ anh lên sân khấu hát ca khúc Đường xa vạn dặm, Xin cho tôi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. 

Nhạc Trịnh qua miền di sản

Trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn: Hoian d’Or - Nối miền di sản tại phố cổ Hội An, Đức Tuấn hát một cách giản đơn, mộc mạc và ngẫu hứng. Không ban nhạc, chỉ có tiếng thở, tiếng vỗ tay của khán giả là nhạc đệm đặc biệt cho bài hát. 

Không gian đêm nhạc Trịnh Công Sơn: Hoian d’Or - Nối miền di sản tại phố cổ Hội An, dịp lễ 30-4
Đêm nhạc do gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức, nhạc sĩ Quốc Trung trong vai trò nhà sản xuất mang đến 3 mảng màu chính là du ca, cổ điển và những phá cách, thử nghiệm mới về nhạc Trịnh. Khi các nghệ sĩ tên tuổi như NSƯT Thanh Lam, Cẩm Vân, Mỹ Linh, Tấn Sơn, Tùng Dương hát những bản tình ca gợi nhắc về dòng chảy ký ức, đậm chất tự tình sâu lắng như Còn mãi tìm nhau, Sóng về đâu, Nhớ mùa thu Hà Nội, Này em có nhớ, Chờ nhìn quê hương sáng chói, Xin mặt trời ngủ yên, Dấu chân địa đàng…, thì các nghệ sĩ trẻ Hà Lê, Giang Trang, Mạc Mai Sương, Cece Trương, marzuz mang đến những thử nghiệm mới. Sau một Giang Trang nồng nàn với Đêm thấy ta là thác đổ, Có một dòng sông đã qua đời thì Cece Trương mang đến trải nghiệm với Biết đâu nguồn cội, Mạc Mai Sương với Tôi ru em ngủ; còn Hà Lê mãnh liệt với Huế Sài Gòn Hà Nội, Tuổi đá buồn. Các thế hệ nghệ sĩ tiếp nối còn kết hợp biểu diễn. Một điểm thú vị, Alexander Tú - nhóm nhảy Lyricst mang đến tiết mục múa ấn tượng trên nền ca khúc Diễm xưa, Cũng sẽ chìm trôi. 

Vào ngày 7-5, đêm nhạc Có những con đường sẽ được tổ chức tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn tại Hà Nội. Dự kiến, ngày 28-6, một đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ cũng được tổ chức tại Huế. Đây là những đêm nhạc ý nghĩa trong hành trình thực hiện chuỗi sự kiện tưởng nhớ Trịnh Công Sơn nhiều năm nay. Như một mạch nguồn, hơn 20 năm qua, âm nhạc của Trịnh Công Sơn đi qua các vùng đất, các miền di sản, mang đến khán giả muôn nơi những trải nghiệm âm nhạc đẹp đẽ.

Sáng tạo, đổi mới 

21 năm sau khi người nhạc sĩ tài hoa đi về một cõi, bên cạnh một số giọng ca nổi tiếng gắn liền các sáng tác của Trịnh Công Sơn, đã có khá nhiều giọng ca mới, rất trẻ xuất hiện. Sự hiện diện của họ mang đến tinh thần mới cho nhạc Trịnh. Đã có một Hà Lê khác biệt, dám sáng tạo với nhạc Trịnh, dám “chịu chơi” khi diễn live cùng ban nhạc Màu Nước toàn bộ album Ở trọ trong 11 không gian khác nhau trải dài từ Hà Nội, Hòa Bình, Nghệ An đến TPHCM, Phú Quốc… Đã có một Giang Trang hát trong trẻo, thản nhiên, giản dị mà khó lẫn khi bước vào nhạc Trịnh để rồi có riêng đĩa than album Lênh đênh nhớ phố…

Nếu như ở đêm nhạc Trịnh Công Sơn: Hoian d’Or - Nối miền di sản có Hà Lê, Cece Trương, Giang Trang, Mạc Mai Sương, marzuz thì ở đêm nhạc 21 năm nhớ Trịnh Công Sơn tại TPHCM vào đầu tháng 4, hàng ngàn khán giả được nghe các diễn viên phim Em và Trịnh góp tiếng ca như Avin Lu, Samuel An, Nhật Linh, Việt Hưng, Lan Thy. Nữ diễn viên Nakatani Akari (người Nhật) cũng hát nhạc Trịnh bằng tiếng Việt và tiếng Nhật. 

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cho rằng đã đến lúc chuyển giao cho thế hệ mới - những người hát nhạc Trịnh với cách xử lý ca khúc khác với các thế hệ trước,  bởi như thế, âm nhạc mới có sự tiếp nối, phù hợp xu hướng. Còn theo ông Nguyễn Trung Trực, đại diện gia đình cố nhạc sĩ, nhiều năm qua, không ít nghệ sĩ làm mới nhạc Trịnh, và rapper Hà Lê với dự án Trịnh Contemporary để lại dấu ấn đặc biệt, dẫu xung quanh những thể nghiệm táo bạo của anh không phải không có ý kiến trái chiều. Ông kể: “Cách đây vài năm, Hà Lê rất hồi hộp khi chia sẻ các bài phối mới đến gia đình. Chúng tôi nghe cậu ấy hát tại nhà đã thích quá và ủng hộ. Hy vọng sẽ có nhiều Hà Lê như vậy trong thế hệ tiếp nối”.

Nói về tinh thần mới, rapper Hà Lê chia sẻ: “Khi đến với nhạc Trịnh, tôi như được bước vào một không gian âm nhạc khác, một người làm sáng tạo khác nữa. Có thể thấy sức sống của nhạc Trịnh rất dồi dào, nhiều năng lượng. Không chỉ người trẻ, mà những người đã đi lâu với nhạc Việt vẫn tìm được những cảm hứng sáng tạo với nhạc Trịnh”.

Âm nhạc Trịnh Công Sơn quá rộng, đủ để mỗi người chọn riêng cho mình cách thể hiện. Đã có nhiều nghệ sĩ trẻ về tuổi nghề, tuổi đời đến với nhạc Trịnh, dám sáng tạo và cũng biết tôn trọng những giá trị cốt lõi của nhạc Trịnh. Sau Hà Lê, đang có thêm một pianist Tuấn Mạnh, một nghệ sĩ saxophone An Trần, một Alex Tú với những điệu múa theo ca khúc như những cách thể hiện rất khác cùng nhạc Trịnh… 

“Với nhạc Trịnh, mọi người sẽ cảm nhận riêng, có cách hát riêng mà có thể chúng ta không hiểu tại sao họ chọn cách hát đó. Bản thân tôi cũng từng hát nhạc Trịnh theo nhiều kiểu, có jazz blue, có rock, giao hưởng thính phòng… Rồi cũng bài đó ngày vui hát khác, ngày buồn hát khác”, ca sĩ Đức Tuấn cho hay.

Tin cùng chuyên mục