Lý thú với decor cơ khí

Lần đầu tiên mở hộp quà từ một người bạn, chị Kim Đào thích thú với con chuồn chuồn được làm bằng linh kiện ô tô, xe máy cũ. Đây là tác phẩm nghệ thuật decor cơ khí, hay còn được gọi là cơ khí sắp đặt, do Nguyễn Tuấn Anh (35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chế tác. Có khiếu thẩm mỹ cùng tính sáng tạo, Tuấn Anh khéo léo kết hợp các thanh sắt, ốc vít, xích tải… thô ráp, cứng ngắc thành những tác phẩm nghệ thuật sống động, lạ mắt.
Nguyễn Tuấn Anh bên chiếc đồng hồ do anh chế tác
Nguyễn Tuấn Anh bên chiếc đồng hồ do anh chế tác

Quan trọng nhất là ý tưởng

Cách đây vài năm, khi bỏ ngang việc học ở trường đại học, Nguyễn Tuấn Anh khiến gia đình lo lắng trước quyết định mở xưởng chế tác các tác phẩm nghệ thuật từ linh kiện cơ khí. “Không làm được đâu”, “Làm ra cũng chẳng ai mua”, Tuấn Anh bị gia đình và bè bạn liên tục can ngăn. Nhưng với sở thích chinh phục những điều khó mà kim loại là khó tạo hình nhất, nên anh quyết tâm theo đuổi niềm đam mê. 

Từ số vốn ít ỏi, Tuấn Anh mua máy cắt, máy hàn và bắt đầu khởi nghiệp. Để tạo ra một tác phẩm đầy tính mỹ thuật, anh mất khá nhiều thời gian. Sau khi nghiên cứu các video hướng dẫn trên mạng, Tuấn Anh tìm mua linh kiện từ các khu bán phế liệu. Không ngại tay chân lấm lem dầu nhớt, chàng trai trẻ vùi đầu vào đống phế liệu làm vệ sinh cho các ốc vít, cánh quạt, nhông sên, cần số… Sau đó, đánh bóng, cắt giũa, lắp ghép chúng thành những tác phẩm độc đáo. Thời gian đầu, Tuấn Anh mất khá nhiều thời gian lẫn công sức, tiền bạc bởi làm sai là phải tháo ra gắn kết lại.

Theo Tuấn Anh, để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật decor cơ khí hoàn chỉnh, bước lên ý tưởng chiếm nhiều thời gian nhất. Và khâu quan trọng nhất là chọn được linh kiện phù hợp với bố cục của từng tác phẩm. Từ những sản phẩm có kích thước nhỏ như đồng hồ, đèn chiếu sáng, bàn ghế…; gần một năm sau, Tuấn Anh chuyển sang chế tác những mẫu có kích thước lớn hơn. Tuấn Anh cho biết, để tạo ra chuyển động của những bánh răng, khớp nối, xích tải, phải có một mô-tơ chạy bằng điện gắn ở mặt sau của tác phẩm. Đặc biệt, chàng trai trẻ còn khéo léo mang ánh sáng vào trong các tác phẩm phối hợp với sự chuyển động nhịp nhàng của các “cỗ máy”. 

Từ những vật liệu vô tri, đơn điệu, Tuấn Anh đã biến thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo với chuyển động, ánh sáng lạ mắt. Chỉ tay vào chiếc đồng hồ cao 4m đang thực hiện cho chủ của một khách sạn, anh cười bảo: “Khi có ý tưởng, tôi không cần bản vẽ, không cần bố cục tiêu chuẩn. Mọi thứ nằm sẵn trong đầu. Cứ thế tôi lắp ráp và chỉnh sửa tác phẩm bằng cảm quan của mắt”. 

Chinh phục khách hàng

Khi bắt đầu khởi nghiệp, khó khăn lớn nhất đối với Nguyễn Tuấn Anh là tìm được khách hàng, bởi sản phẩm do anh chế tác còn khá mới lạ. Ban đầu, khách hàng đến với xưởng của anh đa phần là các bạn trẻ thích khám phá. Tuấn Anh kể, mọi người thường mặc định, chỉ nam giới mới thích những linh kiện cơ khí thô ráp, vậy mà các bạn nữ tìm đến xưởng ngày càng nhiều. Có lẽ các bạn bị lôi cuốn bởi sự sinh động, mạnh mẽ của những mô hình động vật dễ thương như mèo, chuồn chuồn, cá, hay tắc kè. Hiện nay, thông qua website, mạng xã hội, những doanh nhân, giới sưu tầm trở thành khách hàng của Tuấn Anh. Họ muốn sở hữu những tác phẩm nghệ thuật “độc bản” do anh thiết kế riêng. Tuấn Anh chia sẻ: “Gần đây, các sản phẩm đã được tôi khắc tên lên, trở thành sản phẩm độc quyền và có giá trị hơn”. 

Tuy là người khởi xướng nghệ thuật decor cơ khí, nhưng Tuấn Anh không giấu nghề, anh tâm niệm, chia sẻ niềm đam mê của bản thân với người khác cũng là một hình thức lan tỏa niềm vui trong cuộc sống. Có nhiều học viên đến với xưởng xin học và được anh dạy nghề miễn phí. Hơn 10 học viên với nhiều giọng nói vùng miền khác nhau, nhưng đều có chung sở thích và niềm đam mê chế tạo cơ khí sắp đặt. Học viên Thái Tuấn Đạt chia sẻ: “Lúc đầu, mình khá lúng túng nhưng được anh Tuấn Anh hướng dẫn tận tình nên dần quen tay. Sau vài tháng, mình có thể tự chế tác một sản phẩm đơn giản. Càng làm, mình càng yêu thích nghệ thuật decor cơ khí”.

Từng bị gia đình phản đối, từng đối mặt với không ít khó khăn, thất bại của một người “tiên phong”, nhưng với niềm đam mê, Tuấn Anh đã gặt hái thành công với nghệ thuật decor cơ khí. Tạo ra một xu hướng chế tác mới trong giới tái chế, cơ khí, Tuấn Anh chứng minh cho câu nói: “Đuổi theo đam mê, thành công sẽ đuổi theo bạn”. Dưới cặp kính cận to bản, đôi mắt của chàng trai đam mê với nghệ thuật chế tác cơ khí dường như sáng lấp lánh hơn khi chia sẻ về những dự định trong tương lai: “Thời gian tới, tôi sẽ mở một quán cà phê giống như showroom trưng bày các tác phẩm nghệ thuật decor cơ khí cho khách hàng tham quan và dễ dàng lựa chọn để trang trí, hay làm quà tặng. Những dự định đó, nhất định tôi sẽ thực hiện ngay sau khi TPHCM khống chế được dịch bệnh”.

Tin cùng chuyên mục