Lý do nhiều bài thi bị điểm 0 chưa thuyết phục

Rất nhiều bài thi trắc nghiệm bị 0 điểm nhưng sau khi phúc khảo, điểm lại tăng đến chóng mặt. Thực trạng này không chỉ ở cụm thi tỉnh Tây Ninh mà rất nhiều cụm thi khác trên cả nước cũng bị chung tình trạng này. Vậy nguyên nhân do lỗi thí sinh hay phần mềm chấm thi trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT năm nay có vấn đề?

Từ 0 điểm thành 8,75 điểm

Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (Tây Ninh) sau khi có kết quả phúc khảo đã đăng tải dòng thông tin chúc mừng một học sinh đậu tốt nghiệp sau phúc khảo. Học sinh này từng 2 lần đoạt giải học sinh giỏi quốc gia và có tổng điểm thi 3 môn theo tổ hợp xét tuyển trên 26 điểm. Thông tin có đoạn: “Vì trục trặc hệ thống nên Lê Quang Kỳ, học lớp 12T đã bị chấm nhầm kết quả tổ hợp thi THPT quốc gia môn Khoa học Tự nhiên 0 điểm”. Trước khi phúc khảo, thí sinh này bị 0 điểm ở bài thi Khoa học Tự nhiên (Lý: 0, Hóa: 0, Sinh: 0). Nhưng ngày 26-7, Cụm thi Tây Ninh công bố kết quả phúc khảo điểm của thí sinh này lần lượt là: 5,75 - 8,5 - 6,25 (đạt tổng 20,5 điểm). Được biết Lê Quang Kỳ là học sinh giỏi quốc gia môn Tin học. Tương tự, thí sinh Nguyễn Thị Kim Thoa, sau phúc khảo môn Giáo dục công dân, từ 0 điểm lên thành 8,75 điểm.

Ghi nhận từ kết quả phúc khảo nhiều cụm thi khác cũng có hiện tượng như trên. Cụm thi Nam Định có 14 bài thi có sự thay đổi điểm khá lớn sau phúc khảo. Có thi sinh môn tiếng Anh từ 1,8 tăng thành 6,8 điểm, môn Hóa từ 2 lên thành 6,5 điểm, môn Vật lý từ 2 lên thành 7 điểm, môn Giáo dục công dân từ 2 lên thành 8,25 điểm. Cụm thi Đà Nẵng cũng có nhiều thí sinh tăng điểm rất cao sau phúc khảo: môn Vật lý từ 2,75 lên thành 8,25 điểm.

Trước đó, trong thanh tra công tác chấm thi cụm thi Thanh Hóa, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (phụ trách chấm thi), cho biết, có 102.000 bài thi trắc nghiệm nhưng có đến 11.900 bài thi mắc lỗi về tô số báo danh, sai mã đề... Những lỗi này bắt buộc phải sửa, nếu không sửa thì phần mềm sẽ không chấm thi. Có 1 bài thi không ghi gì và đã được ban chấm thi lập biên bản coi như trường hợp bất thường. Tại Ninh Bình, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đơn vị phụ trách chấm thi trắc nghiệm, cho biết, có 499/25.766 phiếu trả lời trắc nghiệm cần phải sửa lỗi thông thường.

Lỗi tại ai?

Trước khi công bố điểm thi THPT quốc gia 2019, theo báo cáo của cụm thi Tây Ninh, trong quá trình khai thác dữ liệu để chuẩn bị công bố kết quả thi đã phát hiện 34 trường hợp bị điểm 0 ở các bài thi, môn thi trắc nghiệm. Cụ thể, môn Toán 13 bài, tiếng Anh 9 bài, Khoa học tự nhiên 4 bài và Khoa học xã hội 8 bài. Theo nhận định của báo cáo “đây là điều bất thường, Sở GD-ĐT Tây Ninh đã kịp thời báo cáo về Bộ GD-ĐT, đồng thời báo đến thủ trưởng các đơn vị (các trường THPT có thí sinh dự thi - PV) động viên các thí sinh liên quan bình tĩnh, làm đơn phúc khảo theo quy định”.

Trả lời phóng viên Báo SGGP, TS Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai (đơn vị phụ trách chấm thi trắc nghiệm cho cụm thi Tây Ninh), xác nhận phát hiện sự cố trên liên quan đến phần mềm chấm trắc nghiệm nên đã báo cáo về Bộ GD-ĐT. Tiếp đó, PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cũng cho biết: “Trong quá trình chấm trắc nghiệm do khối lượng bài thi quá lớn nên phần mềm sẽ không tránh khỏi trục trặc về mặt kỹ thuật... Chúng tôi sẽ giải quyết bằng cách hướng dẫn thí sinh làm đơn phúc khảo”.

Tuy nhiên, sau khi có kết quả phúc khảo của Tây Ninh, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, cho rằng, nguyên nhân của việc 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 được phát hiện là do thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án. Đồng thời khẳng định việc 58 bài thi trắc nghiệm của 34 thí sinh bị điểm 0 là hiện tượng cá biệt, chỉ xảy ra ở cụm thi Tây Ninh.

Đại diện một trường ĐH chấm thi trắc nghiệm cho hay: “Đúng là chấm trắc nghiệm bị điểm 0 và kết quả sau phúc khảo điểm tăng nhiều trước đây đã từng có nhưng không nhiều như năm nay. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng nói lỗi do thí sinh thì chưa thuyết phục. Xác suất bị điểm 0 ở bài thi trắc nghiệm đã khó nhưng bị 3 điểm 0 một lúc là rất hy hữu nhưng lại bị rất nhiều ở cụm thi Tây Ninh. Nói thật là tôi không hiểu phần mềm chấm trắc nghiệm năm nay được xây dựng như thế nào chứ qua công tác chấm thi tôi thấy rất khó lý giải. Nhiều bài thi rất rõ ràng nhưng khi đưa vào máy quét lại không nhận dạng”.

Theo một diễn biến khác, trong hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (diễn ra ngày 18-7), Bộ GD-ĐT cũng thông tin phần mềm chấm thi còn một số vấn đề và chúng ta giải quyết bằng cách chấm phúc khảo cho thí sinh.

Tin cùng chuyên mục