Lưu giữ làng nghề trăm tuổi

Tỉnh Bình Dương nổi tiếng với các làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, lưu truyền qua nhiều thế hệ và hiện vẫn đang đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có làng nghề sơn mài 
Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một). Đây là làng nghề được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đang được địa phương triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển.

Từ thế kỷ 18, nhiều nhóm thợ sơn mài từ các làng nghề ở miền Trung vào Nam bộ mưu sinh, mang theo những tinh hoa nghề nghiệp của làng. Tương Bình Hiệp là nơi được các nghệ nhân sơn mài chọn làm nơi sinh sống, làm nghề và những năm sau này đã sinh ra nhiều nghệ nhân nổi tiếng như Thái Văn Ngôn, Ngô Từ Sâm, Trương Văn Cang, Trần Văn Lắm…

Ông Lê Bá Linh bên tác phẩm sơn mài Thuận buồm xuôi gió
Các sản phẩm của Tương Bình Hiệp rất đa dạng như: sơn lộng; sơn mài vẽ lặn, vẽ phẳng, vẽ nổi, thếp vàng bạc, sơn mài cẩn ốc, cẩn trứng. Nước sơn không có công thức chung mà dựa vào kinh nghiệm để pha trộn, tạo ra chất sơn riêng của làng nghề. Thời kỳ cực thịnh của nghề sơn mài vào khoảng những năm 1980-1990, các sản phẩm của Tương Bình Hiệp có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước và xuất đi nhiều nước như: Đức, Pháp, Canada, Nhật Bản...


Giữa trưa một ngày cuối năm 2021, cơ sở sơn mài Tư Bốn của ông Lê Bá Linh (59 tuổi) trên nhánh đường Hồ Văn Cống tất bật hoàn thành các công đoạn cuối cùng của sản phẩm bao bì, lục bình để kịp đơn hàng xuất khẩu. Ông Linh chia sẻ: “Làm nghề này rất tỉ mỉ, vất vả, nếu không đam mê, cần cù sẽ không thể theo được, trong giờ làm ai cũng luôn tay, người mài ốc, người pha sơn, người thiết kế”. Ông Linh không phải người gốc Tương Bình Hiệp nhưng từ năm 20 tuổi đã theo học nghề của nghệ nhân Trần Văn Lắm, là một trong những người làm nghề sơn mài đầu tiên của vùng đất Thủ. Nhờ người thầy đầu tiên dìu dắt, truyền cho đam mê, đến năm 1990, ông thành lập được cơ sở sơn mài và liên tục phát triển, đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường. Đến năm 2007, phát triển lên quy mô doanh nghiệp với 70% hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu, Ả Rập và một số nước châu Á, doanh thu hàng năm đạt 5-8 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng bộ phận Thường trực Đề án Bảo tồn, phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, trong ngành sơn mài có đến 25 công đoạn sản xuất. Bên cạnh việc sử dụng đến 90% nguyên liệu tại chỗ, sự chuyên nghiệp và trình độ tay nghề của người thợ cũng là một lợi thế rất lớn cho sản phẩm mà rất ít ngành tạo được khi xuất khẩu hàng hóa. Hiện nhiều cơ sở sơn mài tại đây đã phát triển quy mô lớn, ký kết với các khách hàng nước ngoài, mang lại giá trị xuất khẩu lớn. Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, đề án sẽ góp phần giữ gìn, bảo tồn, duy trì hoạt động ổn định, phát triển làng nghề sơn mài cũng như giải quyết công ăn việc làm cho người dân.

----------

Đề án Bảo tồn, phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp bao gồm khu Gò Ông Đốc, có tổng diện tích hơn 54.000m2, thực hiện trong giai đoạn 2020-2023 với đầy đủ cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải, khu sản xuất tập trung, khu trưng bày sản phẩm, nhà thờ tổ, dịch vụ du lịch…

Tin cùng chuyên mục