Lương thực đảm bảo nhờ tiến bộ khoa học

Theo Bộ NN-PTNT, khoa học - công nghệ (KH-CN) trong nông nghiệp đã có những bước phát triển vượt bậc, làm tăng sản lượng và đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp; các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản giúp tăng hiệu quả kinh tế 10%-30%. 
Việt Nam đã trồng được giống bắp Nữ hoàng đỏ của nước ngoài
Việt Nam đã trồng được giống bắp Nữ hoàng đỏ của nước ngoài

Không còn phụ thuộc cây lúa

Từ chỗ chỉ có 5 nhóm mặt hàng về nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm (năm 2008), sau 10 năm, Việt Nam đã có 10 nhóm mặt hàng với giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, trong đó có 6 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm. Theo Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cũng trong khoảng thời gian đó sự đóng góp của KH-CN trong chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác cải tiến, tổ chức và quản lý sản xuất đã giúp sản lượng lúa tăng 4,3 lần; sản lượng bắp tăng 13,4 lần; sản lượng cà phê tăng 234,5 lần; sản lượng chăn nuôi tăng 30 lần; sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 25,2 lần; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 5,1 lần. Công nghệ sinh học, công nghệ tưới tiêu, phân bón, thức ăn chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, thu hoạch, giết mổ, chế biến, bảo quản sau thu hoạch... ngày càng tiến bộ, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm theo yêu cầu thị trường. 

Trong giai đoạn 2013-2018, nhờ ứng dụng KH-CN, ngành trồng trọt đã chọn tạo 214 giống cây trồng mới, cho năng suất vượt giống cây trồng phổ biến cùng loại đang sản xuất trong vùng là 10%-15%. Trong đó, 137 giống cây trồng mới thuộc nhóm cây lương thực, cây thực phẩm; 15 giống hoa, 21 giống cây ăn quả và 41 giống cây công nghiệp các loại. Bên cạnh tạo ra giống mới, 103 kỹ thuật tiến bộ cũng được công nhận và đưa vào sản xuất. Các tiến bộ KH-CN không chỉ phục vụ sản xuất lương thực mà còn xuất khẩu.

Một trong những địa phương giảm diện tích nhưng vẫn tăng sản lượng là tỉnh Thái Bình. Diện tích đất trồng lúa đã giảm từ 90.000ha năm 1975, xuống còn 73.000ha năm 2018, nhưng sản lượng vẫn đạt trên 1 triệu tấn là do ứng dụng nghiên cứu giống lúa mới. Theo Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tăng trưởng sản lượng lúa gạo trong những năm qua là do đóng góp chủ yếu của các yếu tố đầu vào và KH-CN. Các nhà khoa học đang tiếp cận những phương pháp hiện đại tạo chọn giống lúa mới, như công nghệ di truyền, đột biến, nuôi cấy mô… đã tạo chọn và thuần hóa giống nhập để có một tập đoàn giống lúa khá phong phú, đáp ứng yêu cầu đa dạng của sản xuất thâm canh, trên đất chua phèn, mặn lợ, hạn, úng, vùng đồi núi đất dốc. Ngoài ra, cơ giới hóa trong nhiều khâu sản xuất, từ làm đất tới thu hoạch và sau thu hoạch đã giúp giải phóng sức lao động, tăng hiệu quả và giảm tổn thất sau thu hoạch. 

Đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu

Thực tế hiện nay, số lượng gạo xuất khẩu không bằng số lượng bắp, đậu tương nhập khẩu. Theo quan điểm của ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thai Binh Seed, lương thực đâu chỉ có gạo mà còn thịt, cá, sữa, rau đậu, bắp, khoai… Một vấn đề khó khăn là ngành nông nghiệp đang “nhường đất” cho đô thị hóa, công nghiệp hóa. Một hiện tượng khác, đường giao thông mở đến đâu đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sang đất thổ cư để bán. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, hạn hán, sa mạc hóa, lũ lụt, ô nhiễm đất, nguồn nước… cũng làm diện tích nông nghiệp bị thu hẹp, dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực. Cùng với đó, nông dân canh tác không khoa học, thiếu bền vững nên đất bị ô nhiễm chất hóa học. Quy hoạch đất trồng cây lương thực chủ lực để giữ vững hoặc tăng sản lượng lương thực, ông Trần Mạnh Báo nhận định, Việt Nam có thể chuyển đất lúa sang trồng rau, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày để xuất khẩu có hiệu quả kinh tế cao hơn. Trước tiên, nghiên cứu KH-CN để chọn tạo giống có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu tốt với điều kiện tự nhiên và sâu bệnh, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Đồng thời công nghiệp hóa ngành giống đạt trình độ khu vực và thế giới nhằm tăng sản lượng, thích ứng biến đổi khí hậu.

Để đảm bảo an ninh lương thực, theo Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, KH-CN nông nghiệp trong giai đoạn mới phải đảm bảo tạo tiền đề phát triển, đáp ứng 4 tiêu chí: chất lượng an toàn thực phẩm; rủi ro thấp, hiệu quả kinh tế cao; sử dụng hiệu quả tài nguyên, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. KH-CN cần đẩy mạnh khai thác tài nguyên di truyền cho nghiên cứu ứng dụng chọn tạo, nhân giống mới trên cơ sở kết hợp hài hòa công nghệ mới. Cùng với đó, ngành nông nghiệp cần áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học vào sản xuất, chế biến và bảo quản sau thu hoạch; tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao để nâng hàm lượng KH-CN trong sản phẩm nông nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế. Điều chỉnh mùa vụ, điều chỉnh địa bàn sản xuất có khả năng chống chịu thời tiết để giảm rủi ro, khai thác lợi thế tự nhiên. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, công cụ chính xác trong quản lý nông nghiệp. Cuối cùng, tăng cường hợp tác nghiên cứu về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và giảm thiểu thất thoát, lãng phí lương thực.

Tin cùng chuyên mục