Lương hưu chỉ bằng công nhân học việc

Nhiều người nghỉ hưu từ trước năm 1995, giờ đây đang hưởng lương hưu rất eo hẹp. “Tôi có nhiều năm công tác rồi nghỉ hưu. Đến bây giờ 90 tuổi, lương hưu của tôi chưa bằng công nhân học việc”, bà Trần Thị Xuân Lan, ngụ phường 6, quận 3, TPHCM phản ánh.

Lương hưu quá thấp 

Bà Trần Thị Xuân Lan cho hay, bà công tác từ năm 14 tuổi, nhưng không được công nhận thâm niên công tác. Thời gian công tác của bà Lan chỉ được công nhận từ giai đoạn tiền khởi nghĩa, trước đó, bà làm Phó Giám đốc Công ty May Việt Tiến.

“Thế mà đồng lương khi về hưu lúc 58 tuổi chỉ có hơn 2 triệu đồng/tháng. Đến bây giờ 90 tuổi, 70 năm tuổi Đảng, lương hưu của tôi chưa bằng công nhân học việc. Tôi đề nghị xem lại lương hưu của tôi, tại sao quá thấp như vậy?”, bà Trần Thị Xuân Lan bức xúc. 

Cũng như bà Xuân Lan, ông Hoàng Xuân Thanh (82 tuổi, ngụ phường 11, quận 3), bực dọc, phàn nàn vì lương hưu của ông chưa bằng… một người mới ra trường học việc. Ông Xuân Thanh cho biết, ông thoát ly tham gia kháng chiến, công tác từ năm 13 tuổi. Quá trình công tác, ông Thanh nhiều năm liên tục là chiến sĩ thi đua của Bộ Công nghiệp nặng. Thế mà đến khi về hưu, lương hưu chỉ 2 triệu đồng/tháng. Giờ đây, ở tuổi 82, 60 năm tuổi Đảng, lương hưu của ông Thanh cũng chỉ 5 triệu đồng/tháng. 

Lương hưu chỉ bằng công nhân học việc ảnh 1 Người về hưu lãnh lương hưu tại Bưu điện xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TPHCM

Ở tuổi 88, ông Nguyễn Minh Lộc (ngụ phường 6, quận Bình Thạnh) cũng không hài lòng về lương hưu của mình sau rất nhiều năm công tác. Ông Minh Lộc cho hay, ông tham gia kháng chiến chống Pháp từ ngày 6-7-1947, liên tục công tác cho đến ngày về hưu vào năm 1986.

Trước khi về hưu, ông là Trưởng phòng Vật tư của Công ty Hóa chất cơ bản miền Nam, thuộc Tổng cục Hóa chất Việt Nam. Lương về hưu của ông lúc đó được xếp hưởng 91% của bậc chuyên viên 2 (425 đồng), là 386,75 đồng. Qua các lần tăng lương, lương hưu hiện lãnh của ông Nguyễn Minh Lộc là 5.021.000 đồng/tháng.  

Gần 35.900 người hưởng lương hưu dưới mức tối thiểu 

Lý giải về tình trạng lương hưu thấp với người nghỉ hưu trước năm 1995, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM Phan Văn Mến cho hay, từ năm 2018 đến nay, Chính phủ đã có 2 lần điều chỉnh tăng lương hưu 6,92% và 7,19%; đều được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài…) để người dân biết.

Ông Phan Văn Mến phân tích, chính sách BHXH được thực hiện theo nguyên tắc đóng, hưởng, tiền lương của người lao động ở thời kỳ sau luôn có xu hướng được cải thiện hơn so với thời kỳ trước (trước năm 1995), do đó khi nghỉ hưu cũng thường có mức lương hưu cao hơn. Ngoài ra, cách tính lương hưu còn phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước tại thời điểm người lao động nghỉ hưu. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới đời sống của những người nghỉ hưu, đặc biệt những người nghỉ hưu thời kỳ trước.

Từ năm 1995 đến nay, Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh lương hưu. Việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước, quỹ BHXH. Thông qua điều chỉnh lương hưu, đời sống của người nghỉ hưu từng bước được cải thiện.

Chính phủ cũng đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt chênh lệch lương hưu của người nghỉ hưu giữa các thời kỳ, tuy nhiên cũng chưa xử lý triệt để được. BHXH TPHCM cũng đã có kiến nghị về việc cần điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995 để bảo đảm cuộc sống, tuy nhiên đến nay việc điều chỉnh vẫn chưa được như mong muốn của người hưởng. 

“Chúng tôi ghi nhận ý kiến của những người nghỉ hưu trước năm 1995, để tiếp tục kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để có chính sách điều chỉnh lương hưu phù hợp”, Giám đốc BHXH TPHCM cho hay.

Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TPHCM cho biết, hiện nay, TPHCM có gần 35.900 người nghỉ hưu trước năm 1995 và số tiền hưởng lương hưu trung bình chỉ là 4,1 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, mức lương hưu trung bình của những người có nhiều năm công tác trước đây, còn chưa bằng… mức lương tối thiểu vùng hiện nay (4,42 triệu đồng/người/tháng). Trên toàn địa bàn TPHCM, đang có hơn 22.400 người đang hưởng lương hưu dưới mức chuẩn nghèo của TPHCM (2,3 triệu đồng/người/tháng). TPHCM cũng có đến hơn 106.000 người hưởng lương hưu dưới mức lương tối thiểu vùng! 

Lương hưu quá thấp khiến những người từng có thâm niên công tác cao rất tâm tư. Mục đích của BHXH là trợ giúp người lao động hết tuổi lao động có khoản thu nhập có thể sống được, nhưng lương hưu quá thấp, ý nghĩa của lương hưu, của BHXH cũng bị ảnh hưởng.

Tự nghỉ việc trước năm 1995, không được tính thâm niên

Rất nhiều người lao động phản ánh, khi làm thủ tục hưởng lương hưu, thời gian công tác trước năm 1995 của họ đã bị bỏ, không được tính thâm niên để hưởng BHXH vì trước đó họ nghỉ việc, chuyển việc. Lý giải về việc này, BHXH TPHCM cho hay, theo quy định, thời gian công tác trước ngày 1-1-1995 của người lao động làm việc trong khu vực nhà nước được xem xét để tính hưởng BHXH với điều kiện quá trình công tác phải liên tục đến ngày 31-12-1994.

Trường hợp thuyên chuyển công tác phải có quyết định điều động của đơn vị cũ và quyết định đồng ý tiếp nhận của đơn vị mới. Theo khoản 12 Mục II Thông tư số 13/NV ngày 4-9-1972 của Bộ Nội vụ, người lao động có thời gian công tác trong khu vực nhà nước mà tự ý bỏ việc trước năm 1995 thì thời gian công tác trước đó không được tính để hưởng chế độ BHXH.

Tin cùng chuyên mục