Lượng điện tiêu thụ trong tháng 6 năm nay giảm so với mọi năm

Ngày 8-6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện trên cả nước trong tháng 6 năm nay sẽ thấp hơn so với cùng kỳ mọi năm do thời tiết mát mẻ hơn. 
Thời tiết năm nay không quá căng thẳng, sự cố và nhu cầu tiêu dùng điện cũng giảm so với mọi năm

Theo báo cáo của EVN, trong tháng 5-2022, nền nhiệt độ trên cả 3 miền đều thấp hơn so với mọi năm, nên điện sản xuất và nhập khẩu trung bình ngày chỉ đạt 749,8 triệu kWh, giảm 2,9% so với cùng kỳ, do nhu cầu tiêu thụ giảm. 

Theo nhận định xu thế thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, trong tháng 6-2022, nắng nóng gia tăng dần tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ, nhưng số ngày nắng nóng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm. 

Do đó, EVN nhận định trong tháng 6-2022, dự kiến sản lượng tiêu thụ điện bình quân toàn hệ thống chỉ ở mức 787,8 triệu kWh/ngày (thấp hơn 1,1% so với cùng kỳ) và công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 45.684MW.

Trước xu thế tiêu thụ điện cũng như biến động giá cả nguyên liệu đầu vào của nhiệt điện than, EVN cho biết sẽ huy động tối đa các nhà máy thủy điện có nước về tốt; còn nhiệt điện than, tourbin khí chỉ huy động theo nhu cầu hệ thống và bài toán tối ưu thủy - nhiệt điện.

Tại cuộc họp về điều tiết, vận hành liên hồ chứa thuỷ điện ở khu vực miền Bắc do Tổng cục Phòng chống thiên tai tổ chức mới đây, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, giá thành sản xuất mỗi số điện từ nhiệt điện than hiện nay đang đắt gấp 4 lần chi phí từ thuỷ điện. Nguyên nhân là do hiện giá than đã tăng gấp 5 lần so với năm ngoái, nên giá thành sản xuất điện từ than lên tới 4.000 đồng/kWh, trong khi thủy điện chỉ khoảng 1.000 đồng/ kWh. Điều này có nghĩa là chi phí sản xuất điện từ thuỷ điện là rất rẻ, chỉ bằng 25% của điện than. 
          
Trong khi theo báo cáo của EVN về cơ cấu huy động nguồn phát trong thời gian qua thì thuỷ điện chỉ chiếm khoảng 26% trong tháng 4 đã nâng lên thành 28% trong tháng 5; còn nhiệt điện than chiếm tới 46% (tháng 4) đã giảm còn chiếm 44% (tháng 5). 

Trong bối cảnh giá than đắt đỏ, liên tục leo thang như hiện nay thì chi phí để sản xuất nhiệt điện đội lên rất lớn. Trong khi đã qua hơn 3 năm Bộ Công thương không điều chỉnh lại giá điện và EVN cũng có cam kết không tăng giá điện năm 2022 để đảm bảo hạn chế tác động tới giá tiêu dùng, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế. 
          
Do đó, trong bối cảnh hiện nay, EVN đã đề nghị cho vận hành tối đa các công trình thủy điện để bù đắp cho phần lỗ của nhiệt điện than. Đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho phép các hồ giữ mực nước cao hơn so với quy định chống lũ nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về phòng chống lũ. 

Tin cùng chuyên mục