Lúng túng xử lý rác thải ở Quảng Nam

Bãi rác Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đã hoạt động trở lại sau 3 tháng đóng cửa (do người dân ngăn chặn không cho xe chở rác vào bãi vì ô nhiễm kéo dài). Tuy vậy, xử lý rác thải sinh hoạt vẫn tiếp tục là việc rất nan giải ở các vùng đô thị đông dân cư tại tỉnh Quảng Nam. 
Thị xã Điện Bàn rác thải vung vãi khắp nơi. Ảnh: NGỌC PHÚC
Thị xã Điện Bàn rác thải vung vãi khắp nơi. Ảnh: NGỌC PHÚC

Thành phố Hội An mỗi ngày thải ra môi trường lượng rác khoảng 100 tấn. Với diện tích nhỏ hẹp, khối lượng rác thải ra mỗi ngày như vậy là quá sức chịu đựng của TP. Bãi rác Cẩm Hà (xã Cẩm Hà, TP Hội An), sức chứa chỉ 60.000 - 70.000 tấn rác, nhưng nay rác chất thành núi, gây ô nhiễm trầm trọng, Tương tự, tại thị xã Điện Bàn, rác thải vung vãi khắp nơi, hầu hết các con đường đều có rác thải. 

Ông Nguyễn Trọng Vũ, Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam chi nhánh Điện Bàn, than rằng: “Số lượng rác thu gom mỗi ngày cũng chỉ được khoảng 70% lượng rác thực tế thải ra môi trường. Xe vừa thu gom xong chỉ 1 giờ sau là người dân lại xả rác”.

Tỉnh Quảng Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý rác thải, do sức chứa 2 bãi rác của tỉnh rất hạn chế; công nghệ xử lý rác tại chỗ lạc hậu, kém an toàn. Trước đây dự án EU đã hỗ trợ TP Hội An xây dựng nhà máy xử lý phân compost (công suất khoảng 30 tấn/ngày), nhưng chất lượng phân chưa tốt nên không bán được. Lò đốt rác được đầu tư xây dựng năm 2016, kinh phí khoảng 25 tỷ đồng, công suất 90 tấn/ngày đêm, nhưng khi đi vào hoạt động, công suất thực tế chỉ đạt 30 - 35 tấn/ngày đêm, khiến công trình không được nghiệm thu quyết toán. 

Nói về việc tìm giải pháp xử lý rác thải trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Hội An, cho hay đây là vấn đề lâu dài. Trong đó, giải pháp hàng đầu là tập trung phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu lượng rác phát sinh. Bởi Hội An vẫn còn nhiều làng quê như Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cẩm Kim, Cẩm Hà… nên không nhất thiết phải thu gom rác hữu cơ vì rác ở những vùng này có thể chôn lấp ủ thành phân, làm biogas, TP chỉ thu gom xử lý rác vô cơ. Nếu như làm tốt việc này sẽ giảm được khoảng 60% rác hữu cơ, đồng nghĩa chỉ thu gom khoảng 40 tấn rác vô cơ mỗi ngày, nên việc xử lý sẽ dễ dàng hơn.

Ngoài ra, TP sẽ phải đầu tư sửa chữa lại nhà máy đốt rác để tiếp tục hoạt động. Dù sao với công suất đốt rác vô cơ 35 tấn/ngày đêm cũng sẽ giải quyết được phần lớn lượng rác hiện tại. 

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, cho biết: “Nhằm chủ động xử lý rác thải sinh hoạt, UBND thị xã Điện Bàn đang xây dựng phương án xử lý rác tại chỗ và hiện đang xác định địa điểm, sau đó sẽ tính giải pháp đầu tư lâu dài. Khó khăn nhất hiện nay chính là xác định địa điểm xây dựng bãi xử lý, bởi không địa phương hay người dân nào muốn bãi xử lý rác đặt tại địa bàn mình sinh sống".

Tin cùng chuyên mục