Lúng túng xác định quy chuẩn khẩu trang vải xuất khẩu

Tại hội thảo “Hướng dẫn và giải đáp quy định về CE, FDA” do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) tổ chức, nhiều  doanh nghiệp (DN) cho biết, tới nay, thị trường Mỹ và EU vẫn chưa kết nối bình thường trở lại nên vẫn chưa có đơn hàng may mặc từ đối tác.
Lúng túng xác định quy chuẩn khẩu trang vải xuất khẩu

 Để “chữa cháy”, các DN đang tập trung may khẩu trang vải để duy trì hoạt động, tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, DN đang lúng túng về quy định, quy chuẩn khẩu trang vải xuất khẩu. Đơn cử, DN may khẩu trang vải xuất khẩu như hàng tiêu dùng, có bắt buộc phải có CE (sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường), FDA (quy định giám sát độ an toàn những sản phẩm thuộc danh mục quản lý lưu hành trên thị trường Mỹ) không? Theo Trưởng đại diện Eurofins tại Hà Nội, DN cần xem xét sản phẩm xuất khẩu của mình có thuộc nhóm phải đăng ký CE, FDA hay không. Nếu phải đăng ký thì cần thực hiện trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, còn không thì phải thực hiện các thông báo nhằm tuân thủ quy định. 

Theo Bộ Công thương, tính đến tháng 4-2020, tổng lượng khẩu trang xuất khẩu đạt 995 triệu chiếc, kim ngạch 129 triệu USD. Tuy nhiên, việc thiếu thông tin như nêu trên dẫn đến việc nhiều DN phải thông qua các tổ chức môi giới để làm chứng nhận, nhưng không đảm bảo được tính xác thực. Do vậy, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, ngay từ bây giờ, DN cần quan tâm đáp ứng các tiêu chuẩn, tạo “hộ chiếu” giúp sản phẩm của Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường EU và Mỹ; tránh tình trạng sản xuất đại trà nhưng không theo tiêu chuẩn kỹ thuật và không xuất khẩu được.

Tin cùng chuyên mục