Lúng túng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Tháng 2-2014, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành Thông tư 04 về quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. 
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) thuyết trình chuyên đề kỹ năng sống với chủ đề “Tôi bảo vệ tôi” . Ảnh: KHÁNH BÌNH
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) thuyết trình chuyên đề kỹ năng sống với chủ đề “Tôi bảo vệ tôi” . Ảnh: KHÁNH BÌNH
Tuy nhiên, đến nay nhiều đơn vị vẫn lúng túng trong triển khai thực hiện. Vì sao? 
Mỗi nơi một kiểu
Mới đây, tại hội nghị Định hướng công tác giáo dục kỹ năng sống trong trường học do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT), cho biết việc giáo dục kỹ năng sống trong trường phổ thông hiện nay được chia thành 2 dạng: Tổ chức theo hình thức chuyên đề hoặc lồng ghép, tích hợp vào các tiết học. Tuy nhiên, do Bộ GD-ĐT chưa quy định thời lượng cũng như mô hình đào tạo cụ thể, nên mỗi nơi sẽ dựa vào tình hình thực tế (như đặc điểm địa hình, nhu cầu phụ huynh, kinh nghiệm người quản lý…) để triển khai.
Một số nơi như các trường tại quận 4, Phú Nhuận đã mạnh dạn thí điểm việc thiết kế bài học kỹ năng sống thành một tiết học riêng biệt, có kế hoạch từng nhóm chủ đề cụ thể, cũng như mời báo cáo viên từ các đơn vị khác đến hỗ trợ giảng dạy.
Bên cạnh đó, vẫn tồn tại nhiều đơn vị chỉ lồng ghép kiến thức về kỹ năng sống vào một số hoạt động trên lớp, sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ (như giáo viên bộ môn Giáo dục công dân, trợ lý thanh niên, nhân viên tâm lý…), nên nội dung giảng dạy chủ yếu dừng ở việc trang bị một số kỹ năng cơ bản, chưa có tính liên tục, chuyên sâu. 
Ở bậc mầm non, theo TS Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Phân viện miền Nam Học viện Thanh thiếu niên, hiện nay rất nhiều gia đình có điều kiện kinh tế đã cho con tham gia các khóa tập huấn tại các trung tâm đào tạo kỹ năng sống ngoài nhà trường. Tuy nhiên, quan điểm giữa gia đình và trung tâm đào tạo, giữa trung tâm đào tạo này với trung tâm đào tạo khác không phải lúc nào cũng thống nhất.
Theo nhận định của nhiều nhà quản lý giáo dục, dù hiện nay trường học đã quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nhưng đại đa số mới dừng ở việc cung cấp kiến thức chứ chưa hình thành kỹ năng cho các em, nên khi gặp tình huống thực tế, trẻ vẫn lúng túng, không vận dụng được vào cuộc sống.
Riêng đối với các bậc như tiểu học, THCS và THPT, Th.S Nguyễn Thị Thu Hà, Học viện Quản lý giáo dục (Hà Nội), ghi nhận thực tế là các trường phổ thông hiện nay đang đặt mục tiêu dạy chữ cao hơn dạy làm người cho học sinh.
Bản thân mỗi giáo viên lại hiểu, tiếp cận và thực hiện nhiệm vụ giáo dục kỹ năng sống theo những cách khác nhau, dẫn đến tình trạng học sinh Việt Nam ngày càng có thành tích cao trên các đấu trường học tập nhưng lại thiếu nhiều kỹ năng cơ bản như tồn tại, tự bảo vệ bản thân… 
Các trường cần mạnh dạn làm hồ sơ đăng ký
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, phòng GD-ĐT quận, huyện có nhiệm vụ xác nhận đăng ký hoạt động giáo dục kỹ năng sống đối với nhà trẻ, nhóm trẻ, trường lớp mẫu giáo, trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn.
Riêng đối với các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường năng khiếu, sẽ chịu sự quản lý, cấp phép của Sở GD-ĐT.
Theo đó, hồ sơ đăng ký hoạt động gồm 3 văn bản: công văn xin đăng ký tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống; danh sách, lý lịch trích ngang kèm theo các minh chứng hợp lệ về đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên, báo cáo viên (ghi rõ họ tên, trình độ học vấn, chức vụ, nghề nghiệp, năng lực sư phạm và am hiểu các lĩnh vực kỹ năng sống hoặc hoạt động giáo dục có liên quan) tham gia tổ chức và thực hiện các hoạt động; kế hoạch hoạt động, giáo trình, tài liệu giảng dạy và huấn luyện.
Sau khi cơ sở giáo dục lập hồ sơ gửi cho cơ quan có thẩm quyền, trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác nhận đăng ký hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho đơn vị. 
Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Minh hướng dẫn, đối với các hoạt động lồng ghép, tích hợp kỹ năng sống vào giờ học bộ môn, các trường chỉ cần đưa vào kế hoạch năm học (Sở GD-ĐT sẽ duyệt kế hoạch này vào mỗi đầu năm học - PV).
Riêng đối với các hoạt động tổ chức chuyên đề, mời báo cáo viên và có thu phí, phải lập hồ sơ đăng ký theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai việc thanh toán, quyết toán tiền hoạt động giáo dục kỹ năng sống thông qua bộ phận tài vụ, giáo viên giảng dạy không trực tiếp thu, chi tiền.
Mức thu học phí được xây dựng theo nguyên tắc lấy thu bù đắp chi phí hoạt động và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép kiểm tra, giám sát thường xuyên. Cũng theo ông Minh, Sở GD-ĐT khuyến khích các trường phối hợp với các trung tâm đào tạo kỹ năng sống, không chỉ trong việc giáo dục học sinh mà còn tập huấn, nâng cao kỹ năng cho giáo viên để duy trì hoạt động này lâu dài tại cơ sở, giảm chi phí đóng góp cho phụ huynh.
“Hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong trường mầm non đã và đang diễn ra như thế nào, cần phải làm gì để mọi trẻ em khi đến trường đều được trang bị những kiến thức và kỹ năng sống cần thiết để học tập và sinh hoạt hàng ngày”, TS Nguyễn Hữu Long băn khoăn đặt câu hỏi. 
Theo ông Long, dạy kỹ năng sống cho trẻ lứa tuổi mầm non cần đảm bảo 3 nhóm kỹ năng cơ bản, gồm: nhóm kỹ năng tự nhận diện, điều khiển và quản lý tinh thần, thể chất của bản thân; nhóm kỹ năng nhận diện, điều khiển, quản lý mối liên hệ với những người xung quanh và một số tương tác khác trong xã hội; nhóm kỹ năng nhận thức, ứng xử phù hợp với môi trường tự nhiên.  

Tin cùng chuyên mục