Lúc O giờ ở cửa ngõ

LTS: Trách nhiệm đi cùng tính nhân văn, với tinh thần “không ai bị bỏ lại”, được TPHCM thực hiện quyết liệt để giữ an toàn cho người dân và thành phố. Đặc biệt, TPHCM đã thực hiện nhuần nhuyễn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, qua chủ trương “cách ly xã hội” bằng những chỉ đạo, cách làm, bằng sự lan tỏa, chung tay và đồng tình của các cấp, của người dân, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Kiểm tra thân nhiệt ở chốt cầu Đồng Nai vào TPHCM lúc 0 giờ ngày 8-4. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Kiểm tra thân nhiệt ở chốt cầu Đồng Nai vào TPHCM lúc 0 giờ ngày 8-4. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

23 giờ 30 ngày 7-4, những con đường trong TPHCM vắng lặng, nhiều tuyến đường không một bóng người. Xe đưa chúng tôi ra khỏi thành phố, hướng về cửa ngõ phía Đông. 0 giờ ngày 8-4, tại trạm kiểm soát dịch Covid-19 ngay cầu Đồng Nai là một không gian khác. Xe container, ô tô, xe máy… qua lại khá tấp nập. Ngay giữa cầu, những “lá chắn thép” chống dịch đang làm nhiệm vụ xuyên đêm. 

Tăng cường mọi lực lượng

“Hạ kính xe xuống hết giúp em. Đằng sau có chở ai không anh?”, “36,3 độ. Đi được rồi anh!”. Anh Ngô Lân Vỹ Nhân (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM) nhẹ nhàng nói với những người được yêu cầu dừng xe, kiểm tra thân nhiệt. Vừa nghỉ tạm chưa tới 2 phút, từ phía Đồng Nai, 4-5 ô tô nối đuôi nhau chạy tới. Sau khi nhận đèn tín hiệu dừng kiểm tra từ công an giao thông, ô tô mang BKS 79A 421XX dừng lại. “Khẩu trang em đâu?”, “Đeo khẩu trang vào cô ơi”, nghe lời nhắc nhở của anh Nhân, những người ngồi trong xe nhanh chóng đeo khẩu trang và tuân thủ quy trình kiểm tra. 

Anh Nhân cho biết, qua trạm kiểm soát, người dân được yêu cầu dừng xe để lực lượng chức năng kiểm tra và đo thân nhiệt. Ai có thân nhiệt từ 38 độ trở lên, có biểu hiện sốt sẽ được giữ lại, mời vào lều dã chiến uống nước, phun thuốc khử trùng, nghỉ ngơi, theo dõi. Nếu chỉ sốc nhiệt do đi ngoài trời, khi thân nhiệt trở lại bình thường sẽ tiếp tục đi. Riêng người có thân nhiệt không giảm sau thời gian chờ nhất định từ 15-30 phút, sẽ được đưa đi kiểm tra sâu. 

Lúc O giờ ở cửa ngõ ảnh 1 Cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để kiểm tra thân nhiệt. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Mỗi ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM chia làm 4 ca, gồm 3 ca ban ngày và 1 ca ban đêm. Ca ban đêm có 2 nhân viên làm việc từ 21 giờ đến 5 giờ 30 sáng hôm sau. Ca ngày mỗi ca 4 giờ với 4 nhân viên. “Đây là đêm thứ 2 tôi trực ở trạm. Các đồng nghiệp làm ban ngày vất vả, bởi nhiệt độ mùa này khá cao và đường sá bụi bặm. Mọi người mặc đồ bảo hộ chống dịch rất nóng, đứng trực tiếp dưới nắng suốt nhiều giờ liền, nhưng anh em vẫn cố gắng. Không hẳn nhân viên chuyên môn của trung tâm mà nhân viên văn phòng cũng được điều động. Hôm đầu tiên, 2 nhân viên nữ bị sốc nhiệt, ngất, trung tâm nhanh chóng cử người ra ngay để hỗ trợ. Hết ca trực, chúng tôi lại trở về với công việc thường ngày ở trung tâm”, anh Nhân kể. 

Có mặt tại chốt cầu Đồng Nai rạng sáng 8-4, Trung tá Nguyễn Văn Hội, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Rạch Chiếc, đang điều phối hoạt động tại đây. Các chiến sĩ công an giao thông đứng giãn cách, tạo làn hướng dẫn các xe di chuyển. Trung tá Hội cho biết, đây là một trạm liên ngành kiểm dịch Covid-19, kiểm tra an toàn thực phẩm vào thành phố.

“Từ 13 giờ ngày 5-4 đến nay, chúng tôi mời trên 10 người có thân nhiệt cao vào lều dã chiến nghỉ ngơi. Sau 30 phút, thân nhiệt trở lại bình thường, chúng tôi ghi nhận lộ trình, thông tin cá nhân của tài xế, báo lại với địa phương để tiếp tục theo dõi sức khỏe của họ. Người dân ủng hộ, hợp tác tích cực và chấp hành chủ trương của Chính phủ về kiểm soát dịch Covid-19. Đa số chấp hành khuyến cáo đeo khẩu trang, chỉ một số ít quên đeo và khi được nhắc nhở lập tức đeo vào ngay”, Trung tá Hội chia sẻ. 

Lúc O giờ ở cửa ngõ ảnh 2 Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm tra. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Giữ an toàn và bình yên

Trong ráng chiều 7-4 sắp tắt, 2 bác xe ôm đậu trước cổng số 2 Bến xe miền Tây, người này cách người kia hơn 2m, khẩu trang kín mít nhưng vẫn í ới nói chuyện. “Mấy bữa nay, chốt trạm nghiêm ngặt ông hen”; “Hai bữa nay, tui thấy trực suốt ngày suốt đêm, 24/24 giờ luôn mà”. Anh Nguyễn Minh Thành (tài xế xe ôm, ngụ quận 6) chia sẻ: “Tui thấy thành phố mình làm vầy tốt lắm chứ, có cấm cản gì ai đâu, mấy bữa nay tui thấy cho xe dừng lại và kiểm tra, đo thân nhiệt thôi, cũng không có xử phạt gì ai hết. Có mấy chốt vầy người dân mình cũng an tâm, chứ giờ dịch bệnh căng thẳng, lỡ có chuyện gì rồi lây ra cộng đồng thì mệt, chịu khó dừng xe chút để kiểm tra, mà an toàn trước nhất là cho chính mình, cho người thân của mình chứ ai”.

Bên ngoài là lực lượng CSGT đang hướng dẫn các xe vào kiểm tra y tế, bên trong là 2 nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ hướng dẫn mọi người khai báo y tế, đo thân nhiệt, xịt nước rửa tay sát khuẩn… “Trường hợp cần thiết sẽ có khai báo y tế, nhưng trước tiên khuyến khích mọi người khai báo y tế qua ứng dụng trên điện thoại trước để có thể hạn chế tiếp xúc và giữ khoảng cách an toàn, nếu không thì sẽ khai báo theo giấy tại chỗ”, chị Vân Anh (điều dưỡng Bệnh viện Quận 6, phụ trách y tế chốt kiểm tra liên ngành phòng chống dịch Covid-19 tại Bến xe miền Tây) cho biết.

Lúc O giờ ở cửa ngõ ảnh 3 Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chốt. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Sau khi được nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt và làm khai báo y tế, sau lớp khẩu trang dày cộm, ông Trần Quốc Thông (52 tuổi, ngụ quận 3) hồ hởi chia sẻ: “Thấy chốt kiểm tra tui mừng lắm, ủng hộ hai tay hai chân luôn. Vì có những chốt như vầy, họ kiểm tra, kiểm soát người dân ra vào thành phố để giữ an toàn chung cho tất cả. Chứ thử tưởng tượng có một người nhiễm bệnh, nhưng không phát hiện kịp thời thì lây lan ra cộng đồng biết bao nhiêu nữa”. 

Hơn 17 giờ, ai nấy vẫn tập trung với nhiệm vụ. Phía bên trong, chỗ căng dù tạm để mọi người nghỉ ngơi đôi chút, có vài thùng mì gói, phần cơm hộp đã được mang tới, nhưng các anh chưa kịp ăn. Đại úy Nguyễn Ngọc Đại (Đội trưởng Đội CSGT Chợ Lớn) cho biết: “Mình cố gắng sắp xếp nhân sự và mọi thứ hợp lý để bảo đảm công việc tại chốt luôn tốt nhất có thể”. Khi hỏi đến việc có phát hiện và xử phạt trường hợp nào, Đại úy CSGT Nguyễn Ngọc Đại nói nhỏ nhẹ: “Tùy tình hình mà mình ứng phó, vẫn phối hợp lực lượng chức năng nếu cần xử lý sai phạm, nhưng trước hết là nhắc nhở và tuyên truyền để mọi người ý thức hơn trong việc phòng chống dịch khi ra đường”. 

20 giờ ngày 7-4, chúng tôi đến lúc các anh vừa chuyển giao và vào ca trực mới - ca trực đêm. Đèn đường hắt in bóng dài của những người đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch trên quốc lộ 50, xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, giáp ranh huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. CSGT, nhân viên y tế hướng dẫn xe vào để kiểm tra, người ghi ghép, người soi đèn…, ai nấy tất bật với công việc.

Về đêm, nhưng cái nóng của mùa hè vẫn oi bức. Mặt mồ hôi lấm tấm, Trung tá Nguyễn Thanh Hà (Phó trưởng Trạm CSGT Đa Phước) tranh thủ chia sẻ cùng chúng tôi: “Từ khi nhận lệnh thành lập chốt kiểm soát, mọi việc đều diễn ra thuận lợi, trôi chảy. Lực lượng chức năng được trang bị đầy đủ thiết bị để hoàn thành công việc tốt nhất có thể. Đặc biệt là ý thức chấp hành của người dân rất cao. Hầu như mọi người đều chấp hành đúng những quy định trong phòng chống dịch”.

Lúc O giờ ở cửa ngõ ảnh 4 Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm tra. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Khi hỏi về khó khăn trong việc làm nhiệm vụ ở các chốt trạm kiểm dịch, Trung tá Thanh Hà tâm sự: “Chúng tôi chia ca trực, làm việc 24/24 giờ, nhiều ca trực đêm, anh em cũng mệt mỏi, sinh hoạt cá nhân bị ảnh hưởng đôi chút. Nói là khó khăn, nhưng cũng không hẳn vì anh em làm nhiệm vụ cũng đã quen rồi; khó khăn là cách để mình rèn luyện thêm cho bản thân”.

Chúng tôi ra về khi đồng hồ nhích dần về phía 0 giờ, thành phố sắp bắt đầu một ngày mới nhưng các anh vẫn trắng đêm tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chốt - trạm, cửa ngõ ra vào của thành phố, để giữ sự an toàn và bình yên tốt nhất cho người dân.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, theo ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc Công an TPHCM về thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg 2020 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 02 của Bộ Công an, Công an TPHCM có Quyết định 1185 về thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Ngay chiều 5-4, Công an TPHCM đã phối hợp Sở Y tế, Sở GTVT, Bộ Tư lệnh TPHCM, Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai đồng loạt 62 chốt, trạm kiểm soát dịch Covid-19 (16 chốt chính, 46 chốt phụ). Huy động hơn 1.400 cán bộ, chiến sĩ Công an TPHCM; hơn 1.300 cán bộ thuộc các ban, ngành tham gia thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ.

Tin cùng chuyên mục