Luật Xử lý vi phạm hành chính... tụt hậu

Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có hiệu lực thi hành từ hơn 4 năm qua; tuy nhiên, do nội dung một số điều, khoản trong luật cũng như nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện chưa thống nhất, xa rời thực tế, nên các quy định của luật thiếu khả thi. 
Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TPHCM)
Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TPHCM)
Chỗ thừa, chỗ thiếu 
Hiện nay, tình hình vi phạm hành chính tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đã “bỏ xa” những quy định về quy trình, thẩm quyền xử lý vi phạm trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. 
Theo Khoản 8, Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính, cơ quan chức năng không được tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước. Lợi dụng quy định này, nhiều trường hợp người sai phạm đã không tự giác hợp tác, dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian xử lý hoặc không thể xử lý. Bên cạnh đó, đối với nhiều chức danh, luật quy định thẩm quyền phạt tiền, áp dụng hình thức phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả chưa tương xứng với trách nhiệm, vai trò quản lý tại địa phương.
Đơn cử, chủ tịch UBND xã có thẩm quyền phạt tối đa và tịch thu phương tiện, tang vật trị giá 5 triệu đồng trở xuống; mức phạt 50 triệu đồng là thẩm quyền của chủ tịch UBND huyện, giám đốc công an tỉnh. Quá trình sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật dần theo xu hướng tăng mức phạt tiền; dẫn đến tình trạng số lượng sai phạm mà chức danh quản lý tại cơ sở có thẩm quyền xử phạt ngày một giảm. Đáng nói, đây chỉ là những hành vi đơn giản, phổ biến tại khu phố, phường, xã (xả rác nơi công cộng, đi vệ sinh không đúng nơi quy định...). Luật tăng mức tiền phạt nhằm tăng tính răn đe, nhưng vô tình đẩy cơ quan thi hành vào thế khó khi kéo dài thời gian xử lý, tăng áp lực ở cấp trên. 
Do mỗi địa phương có đặc thù riêng nên hành vi sai phạm đôi khi có tính chất, mức độ khác nhau. Đơn cử, trong thời gian qua, TPHCM xuất hiện một số dạng vi phạm “độc quyền”, như: câu cá trên kênh rạch nội thành, sử dụng container làm nhà ở... Dù vậy, chưa có bất kỳ văn bản luật nào nhắc đến việc xử lý những vi phạm trên. Chính quyền có ý định xử lý nhưng vẫn chưa thể mạnh tay thực hiện vì chưa có cơ sở pháp lý.  
Văn bản hướng dẫn: Nhiều và rối!
Dù cơ quan chức năng nỗ lực trong việc xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng một số nội dung đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, thậm chí không ít nội dung có hướng dẫn nhưng chưa thống nhất. Vì thế, việc thi hành luật chưa khả thi. Hiện nhiều địa phương rối với tình trạng một hành vi sai phạm xuất hiện trong nhiều nghị định; mỗi nghị định lại quy định mức xử phạt khác nhau. Đơn cử, hành vi xả rác nơi công cộng được nhắc tới trong 2 văn bản. Nghị định 46/2016 nêu rõ mức phạt tiền đối với người xả rác nơi công cộng là 300.000 - 400.000 đồng.
Nghị định 155/2016 lại quy định người sai phạm nộp phạt 5 - 7 triệu đồng. Đáng nói, 2 nghị định trên đều có hiệu lực thi hành từ năm 2016. Hay với hành vi đi vệ sinh không đúng nơi quy định, Nghị định 167/2013 xác định mức phạt tiền là 100.000 - 300.000 đồng, còn tại Nghị định 155/2016 thì quy định mức phạt tiền 1 - 3 triệu đồng. 
Không chỉ có mức phạt mà thẩm quyền xử phạt, quy trình xử lý trong nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng chưa sát thực tiễn, chưa phù hợp với nhiều quy định pháp luật khác. Đơn cử, việc xử phạt đối với hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa được hướng dẫn thi hành trong Nghị định 167/2013. Nhưng nghị định này không quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong hệ thống tòa án như chánh án, chủ tọa phiên tòa...
Trong khi, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành nêu rõ chánh án, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa có thẩm quyền xử phạt. Quá trình thi hành luật tại nhiều địa phương còn cho thấy tình trạng tồn tại song song 2 nghị định đều quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng; song, thẩm quyền và quy trình xử lý sai phạm ở 2 nghị định hoàn toàn không giống nhau.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng, xuất phát từ thực tiễn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính tại địa phương, TP đã và đang đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành luật. Từ những hạn chế, bất cập phát sinh trong thời gian qua, TPHCM đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung, như: phân cấp cho chính quyền địa phương xác định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục... Ngoài ra, luật cần cho phép cơ quan chức năng tạm giữ chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ tùy thân của người sai phạm; tăng thẩm quyền xử phạt cho chủ tịch UBND xã, huyện, trưởng công an các cấp...

Tin cùng chuyên mục