Luật Thủy sản được thông qua sẽ cứu hải sản Việt Nam thoát khỏi “thẻ vàng“?

Chiều tối nay 21-11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã chủ trì cuộc họp báo với các cơ quan báo chí để thông tin về sự kiện Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám chủ trì cuộc họp báo thông báo về sự kiện Luật Thủy sản năm 2017 được thông qua là cơ hội để tháo gỡ thẻ vàng cho xuất khẩu hải sản VN sang EU hiện nay
Thứ trưởng Vũ Văn Tám chủ trì cuộc họp báo thông báo về sự kiện Luật Thủy sản năm 2017 được thông qua là cơ hội để tháo gỡ thẻ vàng cho xuất khẩu hải sản VN sang EU hiện nay

Theo Bộ NN-PTNT, trong 9 chương với 105 điều, Luật Thủy sản sửa đổi đã có những nội dung quan trọng về quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản, khai thác thủy sản và quản lý tàu cá, nội hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, trong đó có khuyến nghị của Ủy ban châu Âu…

Trước đó, Bộ NN-PTNT đã có giải trình về 9 khuyến nghị của phái đoàn liên minh châu Âu liên quan đến hải sản Việt Nam cũng như giải pháp khắc phục các vi phạm để không bị nhận thẻ đỏ vào tháng 4-2018 đồng nghĩa với việc toàn bộ hải sản của Việt Nam sẽ không được xuất khẩu vào EU. Trong đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết, các khuyến nghị của EU đã được đưa vào Luật Thủy sản sửa đổi.

Khuyến nghị của EU cho rằng, phạm vi của dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi không bao gồm các hoạt động của các tàu cá Việt Nam và người dân Việt Nam hoạt động bên ngoài vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên Bộ NN-PTNT cho biết, việc quản lý các hoạt động của các tàu cá Việt Nam và người dân Việt Nam hoạt động bên ngoài vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt đã được thể hiện tại dự thảo luật: Bởi vì luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản trong nội địa, đảo, quần đảo và vùng biển Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam. Bộ NN-PTNT sẽ ban hành Danh sách các tàu cá khai thác bất hợp pháp dựa trên các nguồn thông tin thu thập được.

Một điểm nữa mà EU yêu cầu là cần làm rõ hơn quy định về trách nhiệm trong việc chứng nhận tính pháp lý của sản phẩm khai thác được nhập khẩu. Liên quan đến khuyến nghị này, Bộ NN-PTNT cho rằng, trong dự thảo luật mới nội dung này đã được sửa lại. Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận nguyên liệu, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác tại vùng biển Việt Nam không vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp cho tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu. Nguyên liệu thủy sản nhập khẩu được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu chứng nhận có nguồn gốc từ khai thác không vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân nhập khẩu.

Chiều nay 21-11, Luật Thủy sản 2017 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2019.

Tin cùng chuyên mục