Luật sư đề nghị nguyên tắc “đặc biệt” cho cựu cán bộ TP Đà Nẵng

Sáng 8-5, phiên phúc thẩm xét xử hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng đồng phạm trong vụ án thâu tóm “đất vàng” tại Đà Nẵng tiếp tục phần tranh luận. Trước khi vào tranh tụng, chủ tọa cho biết, các bị cáo vẫn có quyền thay đổi nội dung kháng cáo, có quyền nộp thêm tiền bồi thường trước khi tòa tuyên án.

Cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến bị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị Tòa cấp phúc thẩm tuyên y án 12 năm tù về 2 tội danh bị truy tố, xét xử.

Tự bào chữa, bị cáo Văn Hữu Chiến nêu hơn 10 nội dung chứng minh mình vô tội, từ đó đề nghị Tòa phúc thẩm tuyên bị cáo không phạm tội, không phải bồi thường dân sự.

Luật sư đề nghị nguyên tắc “đặc biệt” cho cựu cán bộ TP Đà Nẵng ảnh 1 Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: GIA KHÁNH

Tự bào chữa, bị cáo Văn Hữu Chiến cho biết, trước đó ông có gửi HĐXX đơn trình bày, trong đó có 10 nội dung để chứng minh mình vô tội. Cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng cho rằng, bản án sơ thẩm quy kết bị cáo sai phạm trong quản lý đất đai là không chính xác.

Bị cáo Chiến khẳng định, chủ trương bán nhà, đất công sản có từ các đời Chủ tịch tiền nhiệm và cho rằng mình chỉ thực hiện việc ký thay, ký theo quy định của Luật Tổ chức HĐND, UBND…

Đối với Dự án Công viên An Đồn cũ, bị cáo Chiến khẳng định lại rằng, bị cáo ký các văn bản theo chủ trương chung của thành phố Đà Nẵng. Thực chất, những quyết định mà bị cáo ký là mang tính hình thức, như bị cáo trình bày trước đó. Một số tài sản bị cáo ký khi bên mua nhà đã nộp tiền từ trước, chỉ ký để hoàn thiện hồ sơ, không thể quy kết bị cáo đồng phạm được.

Trình bày trước HĐXX, với quy kết “đồng phạm” với cựu Chủ tịch Trần Văn Minh, bị cáo Chiến cho rằng, căn cứ trong hồ sơ không có bất cứ chứng cứ nào chứng minh điều đó. Quan hệ giữa bị cáo và ông Minh là cấp trên và cấp dưới, Chủ tịch với Phó Chủ tịch, thực hiện theo Luật Tổ chức HĐND, UBND; việc tiếp nhận ý chí của ông Minh là công việc.

“Tôi và anh Minh chưa bao giờ thỏa thuận điều gì về việc ký bán nhà này, nhà kia cho ai để được cái gì. Việc tòa sơ thẩm quy kết là đồng phạm là điều không đúng”, bị cáo Văn Hữu Chiến khẳng định và nói thêm, nhiều nội dung quy kết của cấp sơ thẩm gây oan cho ông và các bị cáo khác. Bị cáo đề nghị xem xét lại bối cảnh của TP Đà Nẵng thời điểm đó và tuyên mình không phạm tội, không phải bồi thường dân sự.

Bào chữa cho bị cáo Chiến, luật sư cho rằng, vụ án còn bỏ lọt tội phạm. Điều này ông đã đề cập ở cấp sơ thẩm. Luật sư cho rằng, đây là vụ án được dư luận cả nước quan tâm. Việc không xem xét những người khác dễ dẫn đến hiểu lầm có chuyện bao che. Do đó, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng các quy định của pháp luật hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Mở đầu phần tự bào chữa, bị cáo Đào Tấn Bằng (cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) cho rằng, ông kháng cáo vì bản án sơ thẩm tuyên quá nặng.

Theo bị cáo, Tòa án cấp phúc thẩm nên xem xét, đánh giá toàn diện và đầy đủ các chứng cứ, các quy định của pháp luật để tuyên một bản án thấu tình đạt lý, đầy tính nhân văn.

Bị cáo Bằng trước đó bị đề nghị 18 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý đất đai”.

Nói to, rõ ràng trước tòa, bị cáo Bằng cho rằng, bản thân không tham mưu giảm 10% giá trị quyền sử dụng đất như bản án sơ thẩm nhận định; không soạn thảo Công văn 4869 để bị cáo Trần Văn Minh ký văn bản có nội dung cho chuyển đổi tên người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 sang cho Phan Văn Anh Vũ.

Bị cáo Bằng khẳng định không tham mưu chủ trương giao quyền sử dụng đất Dự án Công viên An Đồn cũ cho doanh nghiệp của Vũ không qua đấu giá như bản án sơ thẩm nhận định.

Tại đây, bị cáo cũng đưa ra chứng cứ là phiếu trình cấp trên (ông Trần Văn Minh-PV) về việc ngoài doanh nghiệp của Phan Văn Anh Vũ còn Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai có văn bản xin nhận chuyển nhượng khu đất dự án này.

Với nội dung này, tại phần xét hỏi trước đó, cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh từng kêu oan cho bị cáo Bằng. Theo đó, bị cáo Minh cho rằng, bị cáo Bằng chỉ chấp hành theo chỉ đạo, không tham mưu, đề xuất cho ông về việc ra chủ trương chuyển nhượng nhà đất cho doanh nghiệp của Vũ không qua đấu giá; không tham mưu, đề xuất văn bản cho phép đổi tên người nhận chuyển nhượng… Từ đó, bị cáo Bằng xin HĐXX miễn trách nhiệm hình sự.

Tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn (cựu Giám đốc Sở Xây dựng) cũng đưa ra các chứng cứ chứng minh mình làm theo chỉ đạo. Trong khi đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Tuấn đề nghị VKS, HĐXX  cần tính lại giá trị thiệt hại, cần lấy thời điểm chuyển nhượng, bán để tính thiệt hại.

Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét thêm về vai trò của bị cáo Tuấn, bởi bị cáo không tham mưu việc giảm giá công sản ở thời điểm đó.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến, bào chữa cho bị cáo Tuấn cho rằng, HĐXX nên quan tâm tới những chứng cứ mới, như bằng khen của Hội kiến trúc sư Việt Nam đối với bị cáo Tuấn, sự cống hiến của bị cáo với tư cách là chuyên gia cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng trong những năm qua.

Đây là chính sách hình sự thấu đáo giữa công và tội. Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét những tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo khác trong việc đóng góp cho thành phố Đà Nẵng. “Bị cáo không có quyền chỉ định một cá nhân cụ thể nào để mua công sản, bị cáo chỉ là người trình theo chức năng, nhiệm vụ, HĐXX cũng nên xem xét và lượng hình lại cho bị cáo”, luật sư Chiến nói và đề nghị áp dụng các nguyên tắc “đặc biệt” cho bị cáo Tuấn.

Chiều nay, phiên tòa tạm nghỉ và sẽ mở lại vào 8 giờ sáng mai (9-5).

Tin cùng chuyên mục