Luật hóa để “nối dài cánh tay” lực lượng công an nhân dân

Bộ Công an đang hoàn thiện dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trong đó, công an xã bán chuyên trách; lực lượng bảo vệ dân phố; đội trưởng, đội phó đội dân phòng được xem như “cánh tay nối dài” của lực lượng công an nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Báo SGGP có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Phạm Công Nguyên (Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an, ảnh) để làm rõ hơn một số vấn đề bạn đọc quan tâm xung quanh nội dung này. 

* PHÓNG VIÊN: Thưa Thiếu tướng, hiện nay, ở cơ sở chúng ta có lực lượng công an xã và các lực lượng bán chuyên trách khác cùng tham gia công tác bảo đảm trật tự, an ninh ở cơ sở. Vì sao cần luật hóa các lực lượng trên?

* Thiếu tướng PHẠM CÔNG NGUYÊN: Có nhiều yêu cầu thực tế đặt ra cần phải luật hóa các lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Trước hết, đây là nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn lực lượng, tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, còn là để điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản dưới sự quản lý của chính quyền, tham gia hỗ trợ lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

Theo đó, sẽ chuyển từ vị trí, chức năng quản lý, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự mà pháp luật hiện hành đang quy định sang vị trí, chức năng là lực lượng tham gia hỗ trợ công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Phải khẳng định, việc luật hóa kịp thời tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể nhiệm vụ, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở. Tính đến nay, toàn quốc có gần 90.000 công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về các nhiệm vụ mà lực lượng công an xã bán chuyên trách được thực hiện khi tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, cũng như thay đổi tên gọi của lực lượng này để phân biệt với tên gọi của các chức danh công an xã chính quy và bảo đảm điều kiện hoạt động. Do đó, luật ra đời sẽ sớm khắc phục vướng mắc, bất cập này.

Mặt khác, việc luật hóa để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; cụ thể hóa việc sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…

* Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cụ thể sẽ làm những công việc gì, liệu có chồng chéo với lực lượng công an xã, phường?

* Trong dự thảo luật mà Bộ Công an đang xây dựng và tiếp thu các ý kiến thì lực lượng này là lực lượng quần chúng tự nguyện, được tuyển chọn tham gia vào tổ bảo vệ an ninh, trật tự, làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn cấp xã và giúp lực lượng công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa bàn cơ sở.

Lực lượng này tham gia hỗ trợ công an cấp xã trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, không trùng lặp với nhiệm vụ của công an cấp xã và chính quyền cơ sở. Cụ thể, sẽ có các nhóm nhiệm vụ của lực lượng này, gồm: thu thập, tổng hợp về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách; tham gia phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự; tham gia thực hiện quản lý hành chính về trật tự xã hội trên địa bàn; tham gia vận động, thuyết phục, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật đã bị xử lý trở về sinh sống tại cộng đồng; bắt người phạm tội quả tang, người bị truy nã; tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các nhiệm vụ khác về bảo vệ an ninh, trật tự…

* Hiện nay, ở cấp cơ sở, tham gia vào công tác giữ gìn trật tự địa bàn đang còn lực lượng công an bán chuyên trách, vậy khi có luật thì lực lượng này sẽ chuyển đổi hay chấm dứt hoạt động?

*  Chúng tôi đang tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo luật theo hướng kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Lực lượng này được bố trí thành tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã với các chức danh tổ trưởng, tổ phó và tổ viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự. 

Số lượng tổ bảo vệ an ninh, trật tự và số lượng chức danh tổ trưởng, tổ phó, tổ viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự do HĐND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở yêu cầu thực tiễn, khả năng bảo đảm ngân sách của địa phương. Việc điều chỉnh theo hướng này không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động mà tiếp tục sử dụng lực lượng hiện có; không làm tăng chi ngân sách nhà nước.

* Hiện nay, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở đang được tinh giản biên chế. Việc có thêm lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở có làm ảnh hưởng tới mục tiêu tinh giản biên chế?

* Sau khi luật có hiệu lực, các lực lượng công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, đội trưởng, đội phó dân phòng được kiện toàn thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở, số lượng sẽ giảm đi, tinh gọn so với hiện nay.

Theo tính toán, toàn quốc có khoảng 340.000 người trong lực lượng này và chủ yếu đang được các địa phương sử dụng, không thành lập lực lượng mới. Nhiều nhiệm vụ trước đây do nhiều người thực hiện, thì sau khi kiện toàn các nhiệm vụ này chỉ do một người thực hiện. Về cơ bản và lâu dài sẽ tinh giản biên chế, tiết kiệm khoản chi cho ngân sách nhà nước và địa phương.

Tin cùng chuyên mục