Luật Đầu tư công đã có nhưng giải ngân vẫn khó

Mặc dù Luật Đầu tư công đã ra đời, thế nhưng trên thực tế vẫn vướng, tiến độ giải ngân vẫn không cao. Cụ thể, 11 tháng của năm 2019 đã qua, nhưng tình hình giải ngân chưa được 2/3 kế hoạch năm. Qua đó, nhiều địa phương vẫn cho rằng do chưa có nghị định hướng dẫn luật nên việc thực hiện vẫn khó khăn.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: CAO THĂNG
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: CAO THĂNG

Giải ngân vẫn chậm

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước (KBNN), số vốn đầu tư chi giải ngân qua KBNN đến hết tháng 11 là gần 245.000 tỷ đồng, đạt chưa đầy 64% kế hoạch năm. Trong đó, nguồn vốn đầu tư Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN giải ngân là 242.855 tỷ đồng, đạt 63,8% kế hoạch (vốn xây dựng cơ bản giải ngân hơn 202.170 tỷ đồng, đạt 66,4 % kế hoạch Chính phủ giao; vốn trái phiếu chính phủ giải ngân là hơn 12.994 tỷ đồng, đạt 36,4% kế hoạch Chính phủ giao; vốn chương trình mục tiêu và chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân là hơn 27.690 tỷ đồng, đạt 68,3% kế hoạch Chính phủ giao); nguồn thu để lại giải ngân là hơn 2.118 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch kho bạc nhận được.

Nếu so với kế hoạch năm thì chỉ còn 1 tháng là hết năm 2019, nhưng còn đến hơn 1/3 kế hoạch chưa giải ngân, nếu so với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm trước thì vẫn chậm so với cùng kỳ. Hiện có vài địa phương giải ngân đạt từ 80%-90% dự toán kế hoạch vốn, còn đến 28 bộ ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.Trong đó, 20 bộ ngành và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%. Đáng chú ý là Bộ Giao thông Vận tải có kế hoạch vốn lớn nhất, lên đến hơn 28.700 tỷ đồng, nhưng giải ngân mới đạt gần 34%; Bộ Y tế kế hoạch gần 6.700 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân được 26%.

Vướng vì chưa có hướng dẫn

Nguyên nhân giải ngân chậm, theo Bộ Tài chính, một số chương trình, dự án gặp vướng mắc về hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt vì chưa có nghị định hướng dẫn (hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công). Dù Luật Đầu tư công ra đời, nhưng nếu không có nghị định hướng dẫn sẽ tiếp tục vướng mắc, dẫn đến tình trạng văn bản pháp luật ban hành nhưng không thực hiện được, không phù hợp với thực tiễn. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ về sự cần thiết phải hướng dẫn về hồ sơ, nội dung, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt dự án đảm bảo thống nhất thực hiện.

Hơn nữa, theo quy định tại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công, vốn đầu tư công gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định. Để thống nhất thực hiện, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần quy định cụ thể nguồn vốn nào là các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư. Đồng thời phải có hướng dẫn về hồ sơ, nội dung thẩm định quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư; thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn trên.

Ngoài ra, quy định về bất khả kháng cũng không rõ khiến các đơn vị lo lắng không biết thực hiện thế nào. Khoản 2 Điều 68 Luật Đầu tư công quy định thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm đến hết tháng 1 năm sau, nhưng nếu gặp trường hợp bất khả kháng thì có thể kéo dài đến cuối năm sau. Như vậy, cần hướng dẫn thế nào là bất khả kháng và cả các quy định về điều kiện, thủ tục, thời hạn trình Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp để đảm bảo thuận lợi cho khâu chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước.

Để thực hiện nhanh các hồ sơ (thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án...), rút ngắn thời gian phê duyệt, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung thêm quy định về hồ sơ gửi bằng bản chính hay bản sao có đóng dấu sao y của đơn vị gửi. Đồng thời rà soát, quy định cụ thể hồ sơ gửi, tránh quy định chung chung như các tài liệu liên quan khác theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Tin cùng chuyên mục