“Luật chết năm 70 tuổi” và ám ảnh già hóa dân số tại Nhật Bản

Dân số già với Chính phủ Nhật Bản luôn là một vấn đề khó giải quyết; nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng chưa có một biện pháp nào đạt được hiệu quả tối ưu. Luật chết năm 70 tuổi (Tea Books và NXB Thế giới) là một cuốn tiểu thuyết khai thác vấn đề này nhưng dưới một góc nhìn mới lạ của tác giả.

Khoảng nhiều năm trở lại đây, Nhật Bản phải đối mặt với vấn đề vô cùng khó giải quyết - già hoá dân số. Theo thống kê của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC), năm 2019 là năm thứ 9 liên tiếp dân số Nhật Bản giảm và dự đoán đến năm 2025 tại quốc đảo này cứ 3 người sẽ có 1 người cao tuổi. Một thử thách thực sự với nền kinh tế Nhật Bản khi số lượng người cao tuổi chiếm phần lớn dân số (28,4%).

“Luật chết năm 70 tuổi” và ám ảnh già hóa dân số tại Nhật Bản ảnh 1 Tiểu thuyết ra đời trong bối cảnh Nhật Bản vẫn đang đau đầu giải quyết quốc nạn già hóa dân số
Tiểu thuyết Luật chết năm 70 tuổi của Miu Kakiya ra đời trong bối cảnh Nhật Bản vẫn đang đau đầu giải quyết quốc nạn. Một cách tiếp cận mới lạ từ một người dân Nhật Bản - đưa ra giải pháp đối với những người già sau sinh nhật 70 tuổi sẽ phải lựa chọn “Cái chết êm ái” do Chính phủ đưa ra.
Tất nhiên sẽ có những cuộc tranh cãi nảy lửa khi dự luật được thông qua. Các ý kiến trong truyện được thể hiện đa dạng, chẳng hạn: “Tôi là sinh viên đại học năm thứ tư nhưng vẫn chưa quyết định được nghề nghiệp. Tôi cũng đã gửi đi hơn năm mươi tờ đơn ứng tuyển nhưng ngay cả cuộc hẹn gặp phỏng vấn cũng chưa có. Tôi ủng hộ Luật Chết năm bảy mươi tuổi…. So với giới trẻ, người già đang được ưu ái quá nhiều…”.

Hay: “Chúng tôi lập ra “Hội những người một trăm tuổi vui khỏe”. Chúng tôi gồm hai mươi người, toàn là phụ nữ có chồng chết trước. Độ tuổi trung bình của mọi người là bảy mươi tám tuổi. Chúng tôi chứng minh rằng chúng tôi là những người có ích cho đất nước, chúng tôi sẽ làm cho Luật chết năm bảy mươi tuổi phải huỷ bỏ…”.

Truyện lấy bối cảnh trong một gia đình ba thế hệ điển hình của xã hội để bộc lộ cảm xúc và ý kiến điển hình của các độ tuổi trong xã hội: bà nội Kikuno 84 tuổi, người cha Takarada Shizuo 58 tuổi, người mẹ Takarada Toyoko 55 tuổi, con trai Masaki 29 tuổi, con gái Momoka 30 tuổi.

Một cách tiếp cận mới nhưng vẫn thể hiện những vấn đề gia đình cốt lõi muôn thuở chưa thay đổi trong xã hội. Người phụ nữ phải hy sinh quá nhiều cho gia đình, không nhận được bao nhiêu sự giúp đỡ từ người thân. Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vẫn không thể tốt đẹp như bao người phụ nữ mơ ước. Hay những người đàn ông vô tâm, chỉ biết đi làm kiếm tiền, cuối tuần thì đi chơi đi du lịch, bỏ ngoài tai sự vất vả của những người phụ nữ ở nhà.

Trước khi trở thành mẹ, Toyoko là một cô gái nhiều ước mơ, chăm sóc và yêu chiều bản thân, gặp gỡ bạn bè, đi du lịch hàng năm; thế nhưng khi trở thành mẹ, ngay cả thời gian ngủ cũng không đủ nữa. Để đến khi được ra khỏi nhà, tác giả đã dùng hai câu miêu tả tâm trạng của người phụ nữ này: “Mình há miệng, ngửa mặt lên nhìn trời, những bông tuyết tan chảy nơi đầu lưỡi. Là mùi vị của tự do!”.

Điểm nổi bật của văn học Nhật mà người đọc dễ cảm nhận thấy chính là nét man mác buồn trong từng câu chữ, trong các nhân vật hay trong bối cảnh câu chuyện. Và đọc Luật chết năm 70 tuổi khiến chúng ta trôi theo dòng cảm xúc của từng nhân vật trong truyện, khiến chúng ta phải nghĩ lại về bản thân mình rằng chúng ta đang sống cuộc sống mà mình mong muốn?

Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, có những đoạn riêng thể hiện nội tâm nhân vật, chính vì thế, chúng ta biết được họ nghĩ gì khi phải đối diện với cái chết. Một bà mẹ chồng nằm liệt giường phải nhận sự giúp đỡ từ người khác nhưng lại sợ hãi chuyện chết đi. Một người cha quyết định nghỉ hưu sớm đi du lịch để không lãng phí chút thời gian còn lại, hay một người mẹ hơn một nửa cuộc đời đã hy sinh cho gia đình quyết định rời nhà ra đi để tìm ý nghĩa cuộc sống, tìm lại tự do, và cả cậu con trai không một chút động lực kiếm tiền, chỉ ở nhà suốt 3 năm chờ cơm mẹ nấu mẹ bưng lên phòng…

Có lẽ, bước ngoặt của câu chuyện là lúc mẹ Toyoko bỏ nhà ra đi, khi người phụ nữ vì gia đình quyết định ra ngoài tìm một công việc mới, cũng là lúc cuộc sống của cả nhà bị rối như tơ vò, và qua đó, mọi người mới nhận ra sai lầm của bản thân. Người mẹ chồng đã quyết định tập phục hồi chức năng để có thể ngồi xe lăn thay vì nằm một chỗ. Người cha trước giờ chưa động chân tay vào việc gì đã biết sửa nhà, tham gia dọn vệ sinh khu phố, hay người con trai quanh năm suốt tháng chỉ ở trong phòng đã biết bước ra ngoài nấu ăn cho cả gia đình.

Mọi người lần lượt nhận ra nỗi vất vả của mẹ trong suốt những năm tháng qua. Và với gia đình, chưa bao giờ là muộn, dù có bao nhiêu lỗi lầm, nhưng người làm mẹ, vẫn luôn sẵn sàng tha thứ.

Tin cùng chuyên mục